Nhiều doanh nghiệp dệt may niêm yết chưa được hưởng lợi từ CPTPP.

Nhiều doanh nghiệp dệt may niêm yết chưa được hưởng lợi từ CPTPP.

Doanh nghiệp dệt may niêm yết: Lợi ích từ CPTPP chưa đến sớm

(ĐTCK) Sớm đạt kết quả tích cực, nhưng nhiều doanh nghiệp dệt may niêm yết cho biết, sự tích cực này chưa đến từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Khả quan đầu năm...

Theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan, dệt may là một trong số ít nhóm ngành hàng kinh doanh đạt kết quả tích cực trong 4 tháng đầu năm 2019, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 9,46 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ 2018 và cao thứ hai trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng lớn nhất.

Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá 4,42 tỷ USD, tăng 9,1% và chiếm 46,7% tổng kim ngạch. Đứng thứ hai là Nhật Bản với lượng tiêu thụ đạt 1,16 tỷ USD, tăng 4,7%. Thị trường EU (28 nước) tiêu thụ hơn 1,1 tỷ USD, tăng 5,5%...

Trên sàn chứng khoán, nhiều doanh nghiệp dệt may cũng đạt kết quả khả quan trong 4 tháng qua. Báo cáo tài chính mới công bố của CTCP Đầu tư và thương mại TNG (mã TNG) cho biết, trong tháng 4/2019, TNG đạt doanh thu 295,6 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ 2018 và lãi ròng 12,7 tỷ đồng, tăng 41%. Lũy kết 4 tháng đầu năm, TNG đạt doanh thu 1.102 tỷ đồng, lãi ròng hơn 50 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt gần 34% và 63%.

Tại CTCP Sợi Thế Kỷ (mã STK), kết thúc quý I/2019, STK đạt doanh thu thuần 605 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ 2018; lợi nhuận sau thuế 51,9 tỷ đồng, tăng 29%. Với kết quả này, STK đã hoàn thành 23% kế hoạch doanh thu (2.603 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện 2018) và 25% kế hoạch lợi nhuận sau thuế (200 tỷ đồng, tăng 12%).

... Nhưng chưa đến từ CPTPP

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TNG cho biết, hiện TNG chưa được hưởng ưu đãi thuế 0% trong quy tắc xuất xứ về dệt may trong CPTPP bởi đang gia công theo đặt hàng của các công ty nước ngoài.

Sự tăng trưởng thời gian qua, theo ông Thời, là do TNG tăng đơn hàng, mở rộng thị trường và gia tăng sản phẩm. TNG đang đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm tại các thị trường lớn như Mỹ, Eu, Canada..., đồng thời tập trung phát triển ngành công nghiệp phụ trợ dệt may.

“Để hưởng ưu đãi thuế 0% phải sản xuất ODM (sản xuất thiết kế gốc). Thời gian gần đây, chúng tôi đã hướng tới hoạt động này và có kế hoạch đẩy mạnh tăng trưởng trong dài hạn. Dù vậy, để thực hiện cần có thời gian và làm từng bước, bởi trình độ thiết kế của chúng ta còn yếu năng lực tìm kiếm nguyên liệu phục vụ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra”, ông Thời nói.

Tại CTCP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (mã TCM), ông Trần Như Tùng, Thành viên HĐQT Công ty cũng cho hay, TCM chưa được hưởng lợi nhiều từ hiệp định CPTPP bởi thị trường chính hiện nay vẫn là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và chưa thâm nhập được vào các nước thuộc khối CPTPP.

“Trong năm nay, TCM có kế hoạch tiếp cận một số thị trường như Úc, Canada..., song kết quả cần có độ trễ nhất định bởi không dễ dàng để có thể kiếm được một khách hàng lớn", ông Tùng nói và chia sẻ thêm, kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2019 dự kiến đạt 241,8 tỷ đồng, giảm gần 20 tỷ đồng so với con số của năm 2018 do năm nay chỉ tập trung vào mảng cốt lõi là dệt may, trong khi năm ngoái có thêm phần lãi từ kinh doanh bất động sản.

Theo lãnh đạo TCM, dệt may đang là hoạt động đóng góp chính vào doanh thu của Công ty. Trong đó, mảng sản xuất áo và vải kỳ vọng tăng trưởng cao, còn mảng sợi sẽ co gọn lại vì biên lợi nhuận thấp. Sản phẩm của TCM hầu hết (98%) có nguyên liệu "made in Vietnam" và riêng Nhà máy Trảng Bàng (Tây Ninh) đóng góp 25% doanh thu.

Tại STK, thông tin từ Đại hội đồng cổ đông 2019 vừa qua cho biết, trong ngắn hạn, Công ty sẽ đầu tư 200.000 - 300.000 USD cho dây chuyền sợi màu, công suất 4.000 tấn/năm và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 7/2019.

"Đây là dây chuyền thử nghiệm, giá sợi màu sẽ cao hơn sợi thường 10% và lợi nhuận cao hơn khoảng 5-6%. Ước tính cuối năm 2019, STK sẽ thu được doanh thu khoảng 2 triệu USD từ sợi. Nếu dây chuyền này đạt kết quả tốt, STK sẽ tiếp tục đầu tư để chuyển đổi thêm một số dây chuyền sản xuất sợi trắng sang sợi màu và công suất sợi màu có thể tăng gấp 4 lần, mức đóng góp lợi nhuận cũng sẽ tăng tương ứng trong năm 2020", lãnh đạo STK nói.

Về dài hạn, vị này cho hay, STK sẽ tập trung vào dự án Liên minh chuỗi cung ứng sợi - dệt - nhuộm với 2 doanh nghiệp có vốn nước ngoài và dự án Polymerization.

Tin bài liên quan