Doanh nghiệp đang phải đối mặt với 4 thách thức lớn nhất của chuyển đổi số

(ĐTCK) Xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra hết sức mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu sẽ mang lại nhiều cơ hội bứt phá nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với mọi quốc gia và giới kinh doanh, do đó doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tối đa các cơ hội và nguồn lực để đẩy mạnh quá trình chuyển đối số nếu không muốn chậm chân trong cuộc đua này. 
Doanh nghiệp đang phải đối mặt với 4 thách thức lớn nhất của chuyển đổi số

Đó là khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Doanh nghiệp số và đổi mới sáng tạo” do Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức ngày 26/10 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Cạnh tranh cho rằng, đổi mới sáng tạo đã tạo ra và duy trì năng lực sản xuất có chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh hợp tác đổi mới sáng tạo, kết nối các ngành kinh tế, hình thành các chuỗi giá trị khu vực, tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bối cảnh này cũng như xu hướng chuyển đổi nhanh chóng của nền kinh tế trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, muốn tồn tại và phát triển trong thời đại kỷ nguyên số, doanh nghiệp phải thay đổi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và quản trị. Đây là yếu tố sống còn quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Những năm gần đây, kinh tế Việt Nam liên tục đạt được những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong năm 2017, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất trong 10 năm qua.

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc (đứng thứ 55/137 quốc gia), chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc, chỉ số tín nhiệm quốc gia từ ổn định lên tích cực, đồng tiền Việt Nam ổn định nhất khu vực châu Á, chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam tăng 20 bậc.

Có được kết trên là nhờ vào những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, áp dụng những thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong thời đại kỷ nguyên số.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Quỳnh, Phó chủ tịch kiểm Tổng giám đốc CTCP Hitachi Consulting Vietnam, xu hướng số hóa toàn cầu dường như đang phá vỡ mọi quy luật của thị trường, vì vậy cuộc đua của các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế số trên quy mô toàn cầu đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết để tăng hiệu suất, từ đó tạo ra những đột phá mạnh mẽ về năng lực cạnh tranh.

Các doanh nghiệp cần phải tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để có thể bứt phá, nếu để rơi vào thế bị động, doanh nghiệp coi như tự đào thải mình ra khỏi nền kinh tế hiện đại ngày nay.

 - TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh

Trong cuộc đua này, các doanh nghiệp phải đối mặt với 4 thách thức lớn nhất của chuyển đổi số đó là thiếu kỹ năng và nguồn lực, văn hóa bảo thủ và khép kín làm trì trệ quá trình chuyển đối, thiếu kỹ năng phân tích nâng cao để phát triển tư duy hành động và thiếu năng lực lãnh đạo tăng việc điều hành chuyển đổi số.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng không là ngoại lệ nếu muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, do đó cần xác định được các thách thức lớn này để từ đó có những giải pháp chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa, thích nghi với dòng chảy số hóa nền kinh tế thế giới.

Đồng tình quan điểm này, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, trong bối cảnh “số hoá’ mọi lĩnh vực, các doanh nghiệp không thể ngồi yên mà buộc phải tìm kiếm những giải pháp cho mình để hòa vào dòng chảy thời đại.

“Công nghệ số đã tác động đến sản phẩm dịch vụ, quy trình sản xuất, kinh doanh, mô hình sản xuất kinh doanh, trong cách thức quản trị và kỹ năng lao động, kỹ năng quản lý. Do đó, các doanh nghiệp cần phải tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để có thể bứt phá, nếu để rơi vào thế bị động, doanh nghiệp coi như tự đào thải mình ra khỏi nền kinh tế hiện đại ngày nay”, ông Thành khuyến cáo.

Tin bài liên quan