Năm 2020, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang châu Mỹ đạt 89,7 tỷ USD, tăng 21,7% và chiếm tỷ trọng 31,7% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam
Trong quá trình thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác khá nhanh nhạy thị trường châu Mỹ, thể hiện ở mức tăng trưởng xuất khẩu 2 con số sang khu vực này.
Thông tin tại Hội thảo: CPTPP - Cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ cho hàng xuất khẩu Việt Nam" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/4 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải khẳng định, CPTPP đi vào thực thi từ 1/2019 là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác thành viên nói chung và các nước châu Mỹ nói riêng.
Năm 2020, dù gặp không ít khó khăn vì dịch bệnh, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Mỹ vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với các nước trên thế giới.
Cụ thể, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và châu Mỹ đạt gần 111,5 tỷ USD, tăng 16 % so với năm 2019; trong đó xuất khẩu đạt 89,7 tỷ USD, tăng 21,7% và chiếm tỷ trọng 31,7% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam.
"Sau hai năm thực thi CPTPP, kim ngạch xuất khẩu sang hai quốc gia đã phê chuẩn CPTPP là Canada và Mexico đã tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt đạt kim ngạch 4,4 tỷ USD – tăng 45% và 3,17 tỷ USD tỷ USD – tăng 41% so với cùng kỳ năm 2018. Các nước còn lại dù chưa phê chuẩn hiệp định nhưng cũng chứng kiến tốc độ tăng trưởng rất nhanh (Chile 30%, Peru 21% so với năm 2018)", ông Đỗ Thắng Hải thông tin.
Tiếp đà tăng trưởng của năm 2020, quý 1/2021, xuất khẩu sang các đối tác CPTPP của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ cũng tăng trưởng tích cực, cụ thể xuất khẩu sang Canada tăng 15% (đạt1,13 tỷ USD), Mexico tăng 17% (đạt 931 triệu USD), Chile tăng 12% (đạt 321 triệu USD) và Peru tăng 35% (đạt 134 triệu USD).
Bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, với dân số hơn 36 triệu người và mức tăng trưởng GDP ổn định (3%/ năm), Canada là thị trường khá tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như thủy hải sản, nông sản, hàng dệt may, giày dép, gỗ và các chế phẩm từ gỗ….
Không những thế, tại Canada tồn tại rất nhiều cộng đồng dân nhập cư đến từ các nước gốc Á như Trung Quốc, Thái lan, Việt Nam… Trong đó, số lượng dân nhập cư Việt Nam lên đến gần 250.000 người. Người Việt sống rải rác tại nhiều nơi thuộc Canada và có không ít trong số đó đang sở hữu nhu cầu mua sắm thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng Việt cao.
Đối với thị trường Mexico, triển vọng cũng khá sáng sủa. Ông Lưu Vạn Khang, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mexico khẳng định, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mexico đã tăng mạnh trong 2 năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực. Xuất khẩu bình quân của Việt Nam sang Mexico tăng 19% trong năm 2019-2020. Năm 2019, xuất khẩu sang Mexico đạt 2,83 tỷ USD, tăng 26% so với 2018; sang năm 2020 đạt 3,17 tỷ USD, tăng 12,2%... 3 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mexico tăng 17% đạt 931 triệu USD.
Đại diện thương mại Việt Nam tại 2 thị trương Mexico và Canada cũng lưu ý các DN Việt Nam trong quá trình xuất khẩu hàng hóa với khu vực châu Mỹ, đó là đặc thù khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp, sự khác biệt về ngôn ngữ, DN chưa thông hiểu về tiêu chuẩn xuất xứ đối với nhiều mặt hàng, nên một bộ phận DN vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường đối với hàng hóa xuất khẩu.
Ông Khang cho biết, bên cạnh việc khai thác thị trường CPTPP, các doanh nghiệp còn có thể nghiên cứu khả năng tận dụng những ưu đãi, các mối liên kết kinh tế và cơ sở hạ tầng sẵn có của các nước nước thành viên CPTPP qua đó đưa hàng Việt Nam thâm nhập và mở rộng sang các thị trường khác thuộc khu vực châu Mỹ.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần tìm hiểu sâu, rõ hơn về thuế nhập khẩu ưu đãi; thích ứng với quy tắc xuất xứ, thủ tục lưu trữ, chứng minh xuất xứ. Doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp tục sử dụng những nền tảng thương mại điện tử để giao lưu, kết nối hợp tác với các doanh nghiệp châu Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang làm hạn chế thương mại toàn cầu.