Doanh nghiệp công bố thông tin “nóng” sát ngày đại hội, cổ đông bức xúc

Doanh nghiệp công bố thông tin “nóng” sát ngày đại hội, cổ đông bức xúc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo phản ánh, cận kề ngày tổ chức đại hội đồng cổ đông, một số công ty đại chúng mới công bố bổ sung nội dung và tài liệu quan trọng, ảnh hưởng đến quyền cổ đông và giá cổ phiếu.

Gilimex bổ sung phương án phát hành riêng lẻ

Ngày 21/5/2021, Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã chứng khoán GIL) tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2021. Đại hội “nóng” với các nội dung về kế hoạch sản xuất, phương hướng kinh doanh, phát hành cổ phiếu riêng lẻ…

Một số cổ đông chất vấn về tính pháp lý của tờ trình bổ sung là phát hành riêng lẻ. Cụ thể, Gilimex sẽ phát hành 15,8 triệu cổ phiếu, giá chào bán 35.000 đồng/cổ phiếu được xác định dựa trên giá trị sổ sách của Công ty theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 là 33.629 đồng/cổ phiếu.

Tờ trình phát hành riêng lẻ được công bố vào ngày 20/5/2021, tức là 1 ngày trước khi tổ chức đại hội. Trước đó, vào đầu tháng 5/2021, Gilimex thông báo nội dung họp hoàn toàn không đề cập đến nội dung này.

Việc bổ sung nội dung phát hành riêng lẻ quá gần ngày họp liệu có đảm bảo tính pháp lý?

Trong biên bản họp đại hội, đại diện luật sư của Gilimex giải thích, “theo quy định của pháp luật, cụ thể tại Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 thì Công ty phải công bố thông tin tài liệu trước 21 ngày so với đại hội, bất cứ tài liệu họp, chương trình họp có thay đổi thì phải được cập nhật, bổ sung cho đến khi kết thúc đại hội. Việc cập nhật này không quy định thời hạn nên việc cập nhật tài liệu họp của Công ty là phù hợp quy định pháp luật”.

Thông thường, doanh nghiệp muốn phát hành cổ phiếu phải lên kế hoạch từ trước và sớm công bố thông tin về nội dung tờ trình để xin ý kiến đại hội đồng cổ đông. Với trường hợp công bố sát ngày tổ chức đại hội như Gilimex, nhiều nhà đầu tư bất ngờ và lo ngại rủi ro khi thấy phương án phát hành riêng lẻ với giá thấp hơn nhiều thị giá, khiến giá giao dịch cổ phiếu GIL trên sàn chứng khoán sau đó giảm mạnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, đối với trường hợp của Gilimex, cơ quan quản lý đã rà soát chặt chẽ và chưa phát hiện vi phạm.

GTNfoods: Cổ đông kiến nghị tới UBCK

UBCK cho biết, cơ quan này đã nhận được đơn kiến nghị của cổ đông Công ty cổ phần GTNfoods (mã chứng khoán GTN) liên quan đến phương án sáp nhập Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (Vilico, mã chứng khoán VLC).

Theo đơn thư ngày 28/4/2021, một số cổ đông lên tiếng về việc GTNfoods công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông. Các cổ đông này cho rằng, GTNfoods họp đại hội ngày 19/3/2021, nhưng ngày 18/3/2021 mới công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020.

Ngoài ra, trên website của Công ty chỉ thông tin sơ sài về một số nội dung của đại hội như quy chế biểu quyết, chương trình đại hội, mẫu phiếu biểu quyết, mẫu giấy ủy quyền, mà chưa công bố các tài liệu quan trọng như phương án sáp nhập, hợp đồng sáp nhập, tỷ lệ hoán đổi cổ phần.

Cơ quan quản lý đã yêu cầu GTNfoods giải trình về nội dung đơn thư của nhà đầu tư liên quan đến việc chậm trễ công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông.

Phải tới ngày 12/3/2021 (trước khi họp 7 ngày), GTNfoods mới công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về tỷ lệ hoán đổi cổ phần khi sáp nhập và các tài liệu quan trọng khác. Trước ngày họp 1 ngày (tức ngày 18/3/2021), GTNfoods lại ra nghị quyết về việc phê duyệt sửa đổi tài liệu họp và cập nhật các tài liệu, khiến cổ đông không đủ thời gian nghiên cứu trước khi bỏ phiếu. Cổ đông cho rằng, việc công bố chậm trễ các tài liệu quan trọng là vi phạm quy định về công bố thông tin tài liệu họp đại hội đồng cổ đông.

Với đơn thư của cổ đông GTNfoods, UBCK đã yêu cầu doanh nghiệp giải trình.

Ngày 28/5/2021, Tổng giám đốc GTNfoods Trịnh Quốc Dũng có văn bản phúc đáp Công văn số 2359 của UBCK yêu cầu Công ty giải trình một số nội dung liên quan đến việc tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 19/3/2021.

Theo đó, về việc công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông, căn cứ Khoản 1, Khoản 4, Điều 143, Luật Doanh nghiệp 2020 và Khoản 3, Điều 10, Thông tư 96/2020/TT-BTC, ngày 26/2/2021, GTNfoods đã thực hiện đăng tải thông báo mời họp và các tài liệu họp đến UBCK, HOSE và trên trang thông tin điện tử của Công ty (http://gtnfoods.com.vn).

Ngày 12/3/2021, GTNfoods có bản công bố thông tin số 18/2021/GTN/CV-CBTT về việc bổ sung tài liệu họp liên quan đến 3 tài liệu gồm phương án sáp nhập tổng thể, dự thảo hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ của VLC sau sáp nhập (bao gồm tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu cho mục đích sáp nhập).

Ngày 18/3/2021, GTNfoods có bản công bố thông tin số 19/2021/GTN/CV-CBTT về việc cập nhật một số nội dung trong 3 tài liệu đã công bố ngày 12/3/2021, nhằm rà soát lại toàn bộ nội dung tài liệu họp để đảm bảo tính thống nhất, hoàn chỉnh của tài liệu. Việc điều chỉnh này chỉ là các điều chỉnh nhỏ về chính tả, câu chữ, không làm thay đổi các nội dung trong chương trình nghị sự.

Cũng trong ngày 18/3/2021, ngay sau khi đơn vị kiểm toán ký báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán ngày 18/3/2021, GTNfoods đã công bố báo cáo này.

Như vậy, theo GTNfoods, Công ty đã tuân thủ quy định tối thiểu 21 ngày trước ngày khai mạc họp Đại hội đồng cổ đông phải công bố tài liệu họp và tài liệu họp được cập nhật các nội dung sửa đổi, bổ sung.

Cập nhật, sửa đổi tài liệu họp ra sao?

Thông tư 96/2020/TT/BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán quy định, công bố thông tin họp đại hội đồng cổ đông là công bố định kỳ và thời hạn công bố tài liệu họp trước 21 ngày, nhưng không nêu rõ về việc cập nhập, bổ sung, thay đổi các tài liệu này.

Luật sư Hồ Hữu Hoành (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, mặc dù pháp luật không quy định cụ thể về thời hạn cập nhật, bổ sung, thay đổi nội dung, chương trình phiên họp đã công bố, nhưng cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên vẫn có thể vận dụng Khoản 2, Điều 142, Luật Doanh nghiệp 2020 để kiến nghị cập nhật, bổ sung, thay đổi ý kiến, tài liệu đưa vào chương trình phiên họp.

“Kiến nghị sẽ được lập thành văn bản và gửi đến công ty ít nhất là trước 3 ngày làm việc so với thời điểm khai mạc phiên họp. Kiến nghị này sẽ được người triệu tập đại hội đồng cổ đông chấp thuận nếu đáp ứng các điều kiện cụ thể quy định tại điều lệ công ty và chỉ được chính thức đưa vào nội dung chương trình phiên họp nếu được đại hội đồng cổ đông chấp thuận”, luật sư Hoành nói.

Nếu việc cập nhật, bổ sung nội dung, ý kiến vào chương trình họp không đáp ứng quy định tại Khoản 2, Điều 142, Luật Doanh nghiệp, không được người triệu phiên họp chấp thuận và không được đại hội đồng ý đưa vào nội dung chương trình phiên họp, thì xem như là vi phạm Luật Doanh nghiệp 2020, vi phạm điều lệ công ty.

Ngoài ra, Điều 151, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, trong vòng 90 ngày kể từ thời điểm nhận được nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên có quyền yêu cầu toà án hoặc trọng tại xem xét huỷ bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung nghị quyết đó nếu xét thấy có vi phạm về trình tự, thủ tập triệu tập phiên họp, ban hành nghị quyết theo quy định của Luật Doanh nghiệp, điều lệ công ty, hoặc xét thấy nội dung của nghị quyết vi phạm pháp luật, điều lệ công ty.

Với trường hợp các nghị quyết mới như sáp nhập, phát hành thêm cổ phiếu... có thể tác động trực tiếp đến giá cổ phiếu, cổ đông/nhóm cổ đông cần xem xét việc ban hành nghị quyết đó có đúng về mặt hình thức (thủ tục) hoặc nội dung; trường hợp xét thấy có vi phạm có thể thực hiện quyền yêu cầu toà án, trọng tài huỷ nghị quyết đó theo quy định tại Điều 151, Luật Doanh nghiệp 2020.

Trong trường hợp cần thiết, cổ đông/nhóm cổ đông có thể đề nghị toà án, trọng tài buộc những người có liên quan đến việc ban hành, thực thi nghị quyết đó bồi thường thiệt hại phát sinh.

Tin bài liên quan