Trong năm 2013, đã có rất nhiều thay đổi về chính sách thuế với các DN

Trong năm 2013, đã có rất nhiều thay đổi về chính sách thuế với các DN

Doanh nghiệp “chóng mặt” vì chính sách thuế

(ĐTCK) Theo ghi nhận từ nhiều doanh nghiệp, năm 2013 là năm thuộc loại kỷ lục về ban hành chính sách thuế. Chỉ riêng việc cập nhật đã khiến doanh nghiệp "chóng mặt".

Trong năm 2013, đã có rất nhiều thay đổi về chính sách thuế với các DN

Hội thảo Thuế 2013 do Ernst & Young Việt Nam và Câu lạc bộ CFO tổ chức ngày hôm qua không còn một ghế trống và khách mời ở lại nghe đến hết buổi chứng tỏ sức nóng của vấn đề này đối với các DN. Đặc biệt, khi thời điểm hiện tại đã vào giai đoạn quyết toán thuế cuối năm và năm 2013 cũng là năm có chính sách mới về thuế quan.

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, kế toán trưởng một DN thương mại và dịch vụ chia sẻ, năm 2013 là năm rất vất vả với DN, bởi có lẽ đây là năm có nhiều thay đổi về chính sách thuế nhất.

Vị này dẫn chứng, Thông tư số 65/2013/TT-BTC ban hành ngày 17/5/2013 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2012/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT, hướng dẫn thi hành Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 8/12/2008 và Nghị định số 121/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ. Hay Thông tư số 141/2013/TT-BTC ban hành ngày 16/10/2013 hướng dẫn thi hành Nghị định số 92/2013/NĐ-CP ngày 13/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập DN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT…

Cùng với nhiều chính sách mới khác, các thông tư trên thay đổi rất lớn hoạt động kê khai, nộp thuế của các tổ chức kinh tế.

“Chính sách thuế của Việt Nam thay đổi từng ngày, làm DN chúng tôi chóng mặt cập nhật”, vị kế toán trưởng trên ví von.

Cũng liên quan đến thuế GTGT, nhân viên kế toán của một DN vừa và nhỏ cho biết, Luật số 31/2013/QH13 ngày 19/6/2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, trong đó thay đổi, thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định sử dụng đồng thời cho sản xuất - kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế, cụ thể: Không được khấu trừ toàn bộ như quy định tại Luật Thuế GTGT ban hành năm 2008; khấu trừ theo tỷ lệ % tương ứng với doanh thu, nhưng đối với DN mới thành lập chưa có doanh thu thì không quy định phải tính toán như thế nào?

“DN hiểu chính sách mới về thuế này quy định là A, công ty tư vấn về thuế nói là B, nhưng cơ quan thanh tra thuế chưa chắc đã đồng ý phương án A hay B”, nhân viên trên nói.

Về câu chuyện trên, bà Phạm Trang, Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam cho rằng, Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên cách nhìn nhận, tiếp cận vấn đề của cơ quan thuế sẽ còn nhiều thay đổi, chứ chính sách chưa thể ổn định và hoàn thiện.

Bên cạnh đó, khoảng cách nhất định giữa cách hiểu của người nộp thuế và cơ quan thuế về chính sách, dẫn đến những vấn đề khác phát sinh là câu chuyện không phải của riêng Việt Nam mà có ở hầu hết các quốc gia trên thế giới

Ông Trần Gia Thế, Tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam cũng cho rằng, với cùng một vấn đề mà DN với cơ quan thuế, thậm chí trong chính cơ quan thuế có hai cách hiểu khác nhau là bình thường. Do vậy, nếu chưa nắm rõ hoặc cảm thấy có điều bất cập về chính sách mới thì DN cần chủ động trực tiếp phản ánh với cơ quan thuế hay phản ánh qua nhiều con đường khác nhau.

Bản thân cơ quan hành thu cũng rất muốn nhận được những phản hồi từ đối tượng nộp thuế để có điều chính chính sách phù hợp.

“Những năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã rất tích cực cải cách, kể cả trong chính sách thuế cũng như các thủ tục hành thu”, bà Trang nói và cho biết thêm, một số khảo sát của Ernst & Young Việt Nam với các DN cho thấy, DN đã cảm nhận được nhiều tiến bộ trong chính sách thuế khi họ được trao quyền tự kê khai, tự nộp thuế, được hậu kiểm thay vì cơ chế tiền kiểm như trước.

Theo lãnh đạo Ernst & Young Việt Nam, những cải cách theo hướng này cần được tiếp tục vì nó tránh cho cơ quan thuế phải ôm đồm công việc khi quy mô nền kinh tế ngày càng lớn kéo theo các giao dịch thuế quan tăng lên.

Mặt khác, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế toàn cầu, các quốc gia khác trên thế giới đều sử dụng chính sách thuế như một công cụ thu hút đầu tư và thực hiện các chiến lược kinh tế của mình, nên Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng này.

“Tại quốc gia nào cũng có những phàn nàn giữa DN - đối tượng nộp thuế và cơ quan thu thuế. Vấn đề là các cơ quan ban hành chính sách phải làm thế nào để các chính sách được đưa ra một minh bạch nhất, dễ dàng thực thi nhất và tạo những kênh đối thoại để DN thấy là có sự trợ giúp, chứ không phải chỉ nhăm nhăm thu thuế.

Tất cả mọi nỗ lực là để người nộp thuế thấu hiểu, thấy được vấn đề, thoải mái nộp thuế, khuyến khích nuôi dưỡng nguồn thu cũng như khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, bà Trang nhấn mạnh.