Các doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4

Các doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4

Doanh nghiệp chờ đợi chia sẻ thiết thực hơn từ phía ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn vì dịch bệnh, đã có nhiều cách thức được các ngân hàng thương mại triển khai. Có những cách được coi là thiết thực và có những cách còn... rất xa.

Doanh nghiệp “vô tình” biết được

Đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư với mức độ phức tạp hơn các đợt dịch trước gây thiệt hại nặng nề cho nhiều doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh.

Cuối tuần qua, liên lạc với lãnh đạo Công ty May Hà Bắc và Công ty May Hà Phong, hai doanh nghiệp may mặc lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, người viết chỉ nhận được câu trả lời đầy mệt mỏi: “Anh đang trong khu cách ly, có gì trao đổi sau nhé!”.

Còn lãnh đạo Green Wing Solar Technology, công ty chuyên sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời có trụ sở tại Bắc Ninh cho biết, nhà máy dừng sản xuất khi dịch bệnh bùng phát, công nhân phải đưa đi cách ly. Đến thời điểm hiện tại, Công ty mới khôi phục lại một phần hoạt động sản xuất, bởi không có đủ nguồn lực.

Được biết, Green Wing vay vốn ở nhiều ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, ACB, MB.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp vùng dịch, ngày 3/6/2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản số 3947/NHNN-TD về việc triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19 tới các tổ chức tín dụng, giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố. Trong văn bản, có một nội dung quan trọng là từng tổ chức tín dụng căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác...

Hỏi lãnh đạo Công ty Green Wing về việc Công ty đã được các ngân hàng chia sẻ văn bản này chưa thì vị này cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa thấy thông tin gì từ các ngân hàng”.

Cũng theo lãnh đạo Green Wing, Công ty có xấp xỉ 400 nhân viên, khoảng 40% nhân viên hiện đang sinh hoạt ngay trong Công ty. Việc phục vụ chỗ ăn, chỗ ở cho họ tốn nhiều chi phí, chưa kể cứ 3 ngày lại phải xét nghiệm virus một lần cho các nhân viên này.

“Nhưng thiệt hại của chúng tôi chỉ như hạt cát trên sa mạc so với những doanh nghiệp có vài chục nghìn công nhân. Chỉ mong là trong bối cảnh doanh nghiệp lớn, nhỏ đều thiệt hại quá lớn bởi dịch bệnh, các ngân hàng sẽ chủ động san sẻ khó khăn với doanh nghiệp”, ông nói.

Trong quý I/2021, có 19/27 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh (chiếm 60% vốn hóa của ngành) với lợi nhuận sau thuế tăng 86,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chủ một doanh nghiệp sản xuất bao bì ở Đồng Nai cho biết, dịch bệnh đang bùng phát mạnh ở TP.HCM và dù Đồng Nai chưa có ca nhiễm bệnh nhưng chắc chắn các doanh nghiệp trên địa bàn chịu ảnh hưởng không nhỏ. Bởi, TP.HCM là trung tâm tiêu thụ, còn Đồng Nai là trung tâm sản xuất.

“Hiện tại, doanh nghiệp vẫn hoạt động sản xuất cầm chừng và tập trung chủ yếu vào đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh”, vị chủ doanh nghiệp nói và cho biết, chưa thấy các ngân hàng trao đổi về Văn bản số 3947/NHNN-TD.

Cũng theo vị lãnh đạo doanh nghiệp bao bì, với chương trình giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng năm ngoái, ông tình cờ biết được qua các phương tiện truyền thông và nhờ bạn bè kiểm tra lại tính xác thực của thông tin rồi lên ngân hàng đề nghị hỗ trợ giảm lãi suất vay.

Với món vay 2,5 tỷ đồng, lãi suất 9,5%/năm, tổng tiền lãi mỗi tháng công ty của ông phải trả cho ngân hàng là hơn 16 triệu đồng. Sau khi ngân hàng tính toán hỗ trợ giảm lãi suất vay, doanh nghiệp bớt được 700.000 - 800.000 đồng/tháng kể từ tháng 1 cho đến tháng 3/2021. Đến tháng 4 vừa rồi thì lãi suất vay đã quay trở lại như bình thường.

Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ, “rất mừng khi Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành văn bản về việc hỗ trợ lãi suất và mong các ngân hàng triển khai sớm và chủ động trao đổi với các doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp vô tình biết thông tin và đến đòi quyền lợi mới được ngân hàng xem xét hỗ trợ”.

“Chờ đợi chia sẻ thiết thực hơn từ ngân hàng”’

Đem những câu chuyện trên phản ánh với một số ngân hàng, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại thừa nhận: “Chính tôi từng nhận được tin nhắn của khách hàng phàn nàn về việc nhân viên của mình không chủ động tìm khách hàng bàn phương án giảm lãi suất và nếu có gặp thì chỉ là giãn, hoãn nợ. Do đó, thông tin từ hai doanh nghiệp trên tôi biết là có thật, bởi đâu đó sẽ có sự tắc trách của nhân viên cũng như lãnh đạo tại chi nhánh nhưng không phản ánh bức tranh toàn cảnh của hệ thống”.

Còn giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại Bắc Ninh khẳng định, ngân hàng đương nhiên không bao giờ muốn doanh nghiệp “chết” bởi không muốn mất công mất sức đi xử lý nợ xấu. Bối cảnh dịch bệnh xảy ra là điều không ai mong muốn bởi ngân hàng cũng là doanh nghiệp, tuy nhiên, định mức chỉ tiêu kinh doanh từ hội sở dù có điều chỉnh nhưng không nhiều. Hoàn thành định mức thì mới có thu nhập nên sẽ không tránh được tình trạng ngân hàng “trốn” được hỗ trợ chút nào hay chút đó.

Theo thống kê của FiinGroup, tính đến ngày 29/4/2021, đã có 534/1.851 doanh nghiệp trên ba sàn HoSE, HNX và UPCoM (chiếm 44,8% vốn hóa toàn thị trường) công bố báo cáo tài chính hoặc ước tính kết quả kinh doanh quý I/2021. FiinGroup cho biết, sau khi có mức tăng trưởng khá tương đồng trong quý IV/2020, ngành ngân hàng đã vượt xa các doanh nghiệp khác về tăng trưởng lợi nhuận trong quý I/2021. Cụ thể, các ngân hàng báo lãi “khủng” nhờ biên lãi ròng (NIM) cải thiện, nguồn thu từ dịch vụ tăng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm. Theo đó, trong quý I/2021, có 19/27 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh (chiếm 60% vốn hóa của ngành) với lợi nhuận sau thuế tăng 86,7% so với cùng kỳ năm ngoái, dù tổng thu nhập hoạt động tăng thấp hơn rất nhiều (tăng 30,2%).

Đi sâu hơn, thu nhập lãi thuần tăng 30% với biên lãi ròng NIM cải thiện (do lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay không giảm tương ứng) vẫn là yếu tố then chốt giúp 19 ngân hàng này đạt mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong quý đầu năm.

Có lẽ đây cũng là nguyên do Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 3947/NHNN-TD với điểm nhấn là yêu cầu các tổ chức tín dụng ngoài thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp thì phải công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.

Xung quanh văn bản này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận xét: “Vẫn biết ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và chịu áp lực từ cổ đông, khách hàng trong việc mang lại lợi nhuận trên từng đồng vốn. Nhưng, trước diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, những chia sẻ thiết thực và nhiều hơn nữa đối với khó khăn doanh nghiệp đang đối mặt là điều được thị trường chờ đợi”.

Tin bài liên quan