Doanh thu tăng
Hiện tại, giá trị sản xuất của ngành chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng 19,1%, cao nhất trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam.
Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7%/năm. Trong đó, năm 2016 tăng 8,2%, năm 2017 tăng 6%; năm 2018 tăng 8,2%, năm 2019 tăng 7,9%, năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 nên chỉ tăng 4,5%.
Những tháng đầu năm 2021, kết quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp chưa phản ánh đúng kỳ vọng, song ngành chế biến thực phẩm thể hiện được sự phục hồi tích cực.
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC) đạt 1.788 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý I/2021, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2020. Do chi phí bán hàng tăng, chủ yếu là chi phí cước tàu, dẫn tới lợi nhuận giảm 14%, xuống còn 131 tỷ đồng.
Riêng tháng 5, tổng doanh thu của Công ty tăng 35% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ thị trường xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ tăng 188%, Trung Quốc tăng 9%, các thị trường khác (ngoài châu Âu) tăng 4%. Ngược lại, tình hình xuất khẩu sang thị trường châu Âu giảm 22%.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn cho biết: “Thị trường xuất khẩu đang ổn định, doanh nghiệp cũng không chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh của Vĩnh Hoàn được duy trì tốt”.
Với Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sao Ta, mã chứng khoán FMC), sản lượng tiêu thụ thủy sản trong quý đầu năm 2021 đạt hơn 4.241 tấn, tăng 30%; sản lượng tiêu thụ nông sản đạt gần 391 tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả, doanh thu đạt 968,6 tỷ đồng, tăng 35,7%, song lãi ròng đạt 30,9 tỷ đồng, giảm 23,3% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh số tiêu thụ chung của Công ty ước đạt 2.267 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Năm nay, Sao Ta dự kiến đạt 4.650 tỷ đồng doanh thu và 250 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 5 - 6% so với năm ngoái.
Một số cổ đông đánh giá, Sao Ta đề ra kế hoạch kinh doanh thận trọng so với tiềm năng, song doanh nghiệp cho biết, hoạt động sản xuất của Sao Ta phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên, nếu tăng trưởng nhanh sẽ khó có thể kiểm soát được rủi ro. Hơn nữa, giá xuất khẩu sẽ khó tăng do tác động của dịch Covid-19, nên Sao Ta vẫn đề cao khả năng tăng trưởng bền vững.
Trong mảng nông sản, Công ty cổ phần Nafoods Group (mã chứng khoán NAF) là cái tên sáng trong ngành. Kết thúc quý I/2021, Công ty đạt doanh thu gần 304 tỷ đồng, tăng 5,4% so với quý I/2020. Do các chi phí tăng nên lợi nhuận sau thuế giảm 28,4%, xuống còn 11,6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nafoods chia sẻ, trong quý II/2021, doanh thu của Nafoods ước tính tăng 25 - 30% nhờ vào sự nỗ lực từ nội tại của doanh nghiệp, các đường hướng chiến lược được lên kế hoạch cẩn trọng.
Ngoài ra, trong năm nay, Công ty sẽ bổ sung 2 cơ hội hợp tác liên doanh/liên kết thành công, dự kiến đóng góp 10 triệu USD doanh số từ năm 2022; huy động thành công 10 triệu USD vốn cổ phần.
Được biết, kế hoạch kinh doanh năm 2021 của Nafoods là đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 76 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,3% và 25% so với năm 2020.
Kỳ vọng quý III sẽ tốt hơn
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (bao gồm các doanh nghiệp chế biến thực phẩm) trong quý II/2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, gần 78% số doanh nghiệp được khảo sát kỳ vọng, tình hình kinh doanh quý III sẽ ổn định hoặc tốt hơn so với quý II.
Cụ thể, có 39,2% số doanh nghiệp cho rằng, quý III sẽ tốt lên so với quý II và 38,6% cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Chỉ có 22,2% số doanh nghiệp dự kiến tình hình kinh doanh sẽ khó khăn hơn.
Công nghiệp chế biến thực phẩm là một trong những ngành được ưu tiên phát triển, nhằm nâng cao sản lượng, giá trị xuất khẩu.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, 6 tháng cuối năm 2021, công nghiệp chế biến thực phẩm vẫn là nhóm ngành có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Đây là một trong những ngành được Nhà nước ưu tiên phát triển, nhằm nâng cao sản lượng, giá trị xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, sự tăng trưởng của nhóm ngành công nghiệp chế biến thực phẩm sẽ trở thành điểm sáng trong ngành công nghiệp nói riêng, các ngành nghề, lĩnh vực trong nền kinh tế nói chung.
Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê) nhận định, một trong những động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với nhiều dự án đang được đầu tư, triển khai; nhiều doanh nghiệp tập trung ở các ngành, trong đó có sản xuất, chế biến thực phẩm.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong ngành mở rộng thị trường và nâng cao sản lượng xuất khẩu. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm đang tạo ra sức hút với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Theo báo cáo của FiinGroup, năm 2021, nhu cầu về thực phẩm chế biến sẵn và đóng gói sẽ tiếp tục tăng. Đồng thời, ưu đãi thuế theo hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành cải thiện biên lợi nhuận và đẩy mạnh xuất khẩu.
Ngoài ra, dịch bệnh tạo ra nhiều thách thức khiến các doanh nghiệp đẩy mạnh tái cấu trúc, ứng dụng công nghệ 4.0 vào quy trình sản xuất, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để biến nguy thành cơ.
Đơn cử, Nafoods đang đi vào chiều sâu của quá trình chuyển đổi số. Trong năm nay, doanh nghiệp tập trung nâng cấp hoạt động quản lý khối công nghệ thông tin, đảm bảo năng lực cung cấp dịch vụ song song cho 20 đơn vị trong hệ thống.
Các chuyên gia đến từ dự án EU- MUTRAP (hỗ trợ chính sách thương mại về đầu tư của châu Âu) khuyến nghị, để hàng Việt ngày càng thâm nhập nhiều hơn vào thị trường châu Âu, ngoài việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm cần không ngừng nỗ lực đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ chế biến hiện đại vào sản xuất - kinh doanh.
Trong 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp có thể vẫn sẽ đối mặt với những thách thức do Covid-19, sự cạnh tranh gay gắt giữa các đơn vị trong nước với các thương hiệu nước ngoài, chi phí gia tăng…
“Từ giờ đến cuối năm sẽ rất khó để nói lên được chắc chắn điều gì. Trong bối cảnh dịch như hiện nay, chủng mới của Covid-19 lây lan sẽ là bài toán khó cho doanh nghiệp và người dân, nhất là khi chi phí vận tải, logistics tăng mạnh”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, các áp lực về chi phí, dịch bệnh sẽ dần được gỡ bỏ trong nửa cuối năm 2021, nhờ tốc độ triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu cũng như các kế hoạch tiêm chủng ở Việt Nam.