Theo dữ liệu của Refinitiv, các nhà phân tích đã nâng lợi nhuận kỳ hạn 12 tháng lên thêm 3,2% trong tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 12/2020.
Điều chỉnh ước tính tăng/giảm về tăng trưởng lợi nhuận kỳ hạn 12 tháng theo từng tháng |
Dự báo điều chỉnh tăng này được đưa ra khi các nền kinh tế trong khu vực như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam chứng kiến sự gia tăng sản lượng nhà máy và lô hàng nhờ nhu cầu từ các nền kinh tế phát triển đang phục hồi nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng Covid-19.
Manishi Raychaudhuri, Trưởng bộ phận nghiên cứu cổ phần châu Á - Thái Bình Dương tại BNP Paribas cho biết, làm việc từ xa và tăng tốc áp dụng thương mại điện tử đã nâng cao nhu cầu về chất bán dẫn và phần cứng công nghệ làm thúc đẩy lợi nhuận của các nhà sản xuất trong khu vực.
“Nhu cầu tiêu dùng và đầu tư mạnh hơn ở các nền kinh tế phát triển đã thúc đẩy giá hàng hóa và doanh thu của các nhà xuất khẩu Bắc Á”, Raychaudhuri cho biết.
Trong đó, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc có mức tăng trưởng lợi nhuận lần lượt là 8,6% và 6,9% trong tháng 4 trong khi Úc và Trung Quốc có mức tăng lần lượt là 4,3% và 1,4%.
Tuy nhiên, một số nước châu Á đã chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 trong thời gian gần đây như Ấn Độ, Indonesia và Philippine và mức tăng trưởng lợi nhuận đã sụt giảm trong tháng 4.
Chỉ số MSCI khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 1,4% trong tháng 4 trong khi hệ số P/E kỳ hạn 12 tháng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng là 16,51 vào cuối tháng 4, phản ánh sự gia tăng trong ước tính lợi nhuận.
Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis cho biết: “Cuộc chiến của hai yếu tố tăng trưởng và thanh khoản có thể sẽ xuất hiện trong phần còn lại của năm 2021 và hơn thế nữa. Điều quan trọng cuối cùng sẽ là liệu tăng trưởng có thể đủ bền vững để bù đắp cho thanh khoản sụt giảm hay không”.