Theo Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển ghi nhận tăng trưởng tích cực với 254,8 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, hàng container đạt 8,7 triệu TEUs, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 57% so với kế hoạch năm 2018.
Hoạt động khai thác cảng diễn ra sôi nổi nhất tại cụm cảng Hải Phòng, vốn là khu vực tập trung các cảng hàng hóa lớn của miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Năm 2018, Hải Phòng đặt mục tiêu sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 107 triệu tấn, tăng 16,3% so với năm 2017.
Bối cảnh này khiến tình hình cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành diễn ra gay gắt hơn, khi hàng hóa tập trung tại một số cảng có lợi thế nhất định, đồng thời cũng tạo dư địa tăng trưởng, đặc biệt cho những cảng có công suất lớn, vị trí thuận lợi.
Đây cũng là lý do dẫn đến sự phân hóa trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp lĩnh vực khai thác cảng biển và logistic đang niêm yết trên sàn.
Kẻ mừng…
Cổ phiếu CLL của Công ty cổ phần Cảng Cát Lái vừa ghi nhận phiên giao dịch tăng giá kịch trần trong ngày 25/7 sau khi công bố kết quả kinh doanh quý II/2018 khả quan.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính riêng quý II/2018, CLL đạt doanh thu 49 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận đạt hơn 22,7 tỷ đồng, tăng 17%.
Với kết quả này, CLL đạt tỷ suất biên lợi nhuận gộp trên doanh thu hơn 60%, gấp đôi so với mức bình quân khoảng 30% của các doanh nghiệp cùng ngành.
Theo lý giải của CLL, sở dĩ lợi nhuận tăng là do Công ty đã tách Công ty cổ phần Tiếp vận vận tải Cảng Cát Lái ra hoạt động độc lập. Điều này đồng nghĩa với việc, CLL không còn hoạt động mảng vận tải, cắt giảm nhân sự sang cho Công ty Tiếp vận vận tải Cảng Cát Lái nên chi phí giá vốn và quản lý doanh nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Yếu tố này sẽ tiếp tục mở ra triển vọng tích cực cho hoạt động của CLL trong thời gian tới.
Hiện tại, CLL là đơn vị cung ứng dịch vụ và xếp dỡ cho đơn vị chủ quản là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Ngoài ra, nằm trong hệ thống của Tổng công ty Tân Cảng còn có Công ty cổ phần Đại lý giao nhận Vận tải xếp dỡ Tân Cảng (TCL).
Trong quý II/2018, TCL đạt doanh thu hơn 231 tỷ đồng, tăng 12%; lợi nhuận sau thuế 27 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017. Với kết quả này, TCL đã hoàn thành khoảng 48% kế hoạch năm sau 6 tháng.
Trong chiến lược phát triển quy hoạch cụm cảng số 5 khu vực Đông Nam Bộ, chủ trương sẽ hạn chế đầu tư mới cảng thương mại tại đây ít nhất đến năm 2020.
Theo đó, áp lực cạnh tranh sẽ không đè nặng doanh nghiệp trong khu vực, giúp các doanh nghiệp cảng miền Nam như CLL, TCL… “dễ thở” hơn.
Nằm trong nhóm doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tăng trưởng khả quan còn có Công ty cổ phần Gemadept (GMD).
Trong thời gian qua, GMD đã tập trung thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ, dồn nguồn lực vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh chính thông qua việc hoàn tất thương vụ chuyển nhượng cảng tổng hợp Gemadept Hoa Sen tại Thị Vải, dự kiến hạch toán lợi nhuận vào quý III/2018.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện GMD cho hay, tính riêng kết quả 6 tháng đầu năm 2018, so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng của Gemadept tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt, đạt mức 15%, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra ngay từ đầu năm.
Đặc biệt, trong những ngày đầu tháng 5/2018, GMD đã chính thức khai trương giai đoạn 1 Dự án Cụm cảng container Nam Đình Vũ, cảng lớn nhất bán đảo Đình Vũ (Hải Phòng), có khả năng tiếp nhận tàu lớn nhất vào khu vực này với cỡ tàu lên đến 40.000 DWT.
Việc đưa cảng thứ 3 tại Hải Phòng là Nam Đình Vũ vào hoạt động đã giúp GMD gia tăng đáng kể năng lực tiếp nhận tàu, đa dạng hóa sự lựa chọn dành cho các hãng tàu với nhiều cỡ tàu khác nhau.
Dự kiến trong quý III/2018, GMD sẽ tiếp tục triển khai 2 dự án cảng lớn tại 2 đầu đất nước, bao gồm giai đoạn 2 Dự án Cảng Nam Đình Vũ với quy mô tương đương giai đoạn 1 và tái khởi động Dự án Cảng nước sâu tại khu vực Cái Mép là Gemalink, với quy mô chiều dài cầu bến chính 800 m, có thể tiếp nhận đồng thời 2 tàu mẹ cùng lúc và một bến riêng dành cho 3 tàu tuyến nhánh (feeder).
Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành toàn bộ Dự án Cụm cảng Nam Đình Vũ và Cảng nước sâu Gemalink (dự kiến vào năm 2022), GMD sẽ nâng cao năng lực khai thác cảng lên gấp 3 lần, với 5,2 triệu TEUs container và 5 triệu tấn hàng rời/năm.
Với những kế hoạch đầu tư từng bước trong lĩnh vực khai thác cảng, Công ty Chứng khoán HSC nhận định, GMD vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng ít nhất trong vòng 5 năm tới khi tập trung vào mảng cảng biển với tỷ suất lợi nhuận cao.
Công ty cổ phần Container Việt Nam (VSC) cũng được đánh giá có dư địa tăng trưởng tốt, nhất là khi cảng VIP GreenPort đi vào hoạt động từ năm 2017 và hiện còn dư công suất đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đáng chú ý, VSC là một trong số ít doanh nghiệp thu hút nhiều sự quan tâm của các cổ đông là tổ chức đầu tư tài chính quốc tế. Hiện nay, trong cơ cấu cổ đông của VSC có khoảng 9 nhà đầu tư là tổ chức đầu tư tài chính trong và ngoài nước, bao gồm KWE Beteiligungen AG, PXP VietNam Emerging Equity Fund Limited, Vietnam Holding LTD, Deutsche Asset Management (Asia) Limited…
6 tháng đầu năm 2018, VSC đạt 796 tỷ đồng doanh thu, tăng 31%, lợi nhuận sau thuế 176,9 tỷ đồng, tăng 49,9% so với cùng kỳ năm 2017, lần lượt hoàn thành 59% và 69% kế hoạch đề ra.
…người lo
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, một số doanh nghiệp ngành cảng biển đang phải vật lộn để tăng trưởng, bởi hoạt động khai thác cảng gặp nhiều bất lợi.
Tại Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH), sản lượng hàng hóa lưu thông qua Cảng Hải An giảm sút bởi các cảng mới với công suất lớn đi vào vận hành và tàu trọng tấn lớn bị hạn chế lưu thông vào khu vực thượng lưu sông Cấm.
Không riêng HAH, nhiều doanh nghiệp có cảng nhỏ trong khu vực đều gặp khó khăn này và tình trạng cạnh tranh bằng giảm giá dịch vụ khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn.
Cuối tháng 7/2018, sau 6 tháng xây dựng, Trung tâm Logistics Pantos - Hải An tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ dự kiến sẽ hoạt động giai đoạn I với diện tích khai thác 9 ha (trong tổng quy mô 15,4 ha).
Đây là công ty liên doanh đầu tiên của Hải An Group với một doanh nghiệp Hàn Quốc là Pantos Holdings. Động thái này nhằm hiện thực hóa chủ trương đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, logistics để tối đa hóa giá trị, tuy nhiên, nhiều khả năng các kết quả đạt được chưa phản ánh vào hiệu quả kinh doanh của Hải An trong thời gian tới.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Cảng Đình Vũ (DVP) cũng đối mặt với rủi ro trong việc mở rộng năng lực phục vụ nhằm thu hút các hãng tàu, bởi hiện nay, Cảng Đình Vũ đang phải hoạt động vượt công suất thiết kế.
Điều này cũng phần nào khiến doanh thu và lợi nhuận của DVP khó có sự tăng trưởng mạnh.
Chưa kể, việc mở rộng với DVP là không dễ dàng và phụ thuộc vào ý chí của cổ đông công ty mẹ là Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (PHP), trong khi Vinalines đang sở hữu hơn 92% vốn điều lệ của PHP.
Nửa đầu năm 2018, doanh thu của VDP đạt 310 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,4%, lợi nhuận sau thuế 133,6 tỷ đồng, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 27/7, cổ phiếu DVP đóng cửa ở mức 48.500 đồng/cổ phiếu, giảm 21% so với thời điểm đầu năm.