Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ về cơ chế

(ĐTCK) Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong phiên họp Thường vụ Quốc hội vừa qua đã yêu cầu xem xét tại sao TP. HCM để rất nhiều dự án đình trệ trong năm 2019, trách nhiệm ở đâu? Việc này, theo Chủ tịch cũng là lãng phí không ít tiền bạc, thời gian công sức.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, trong Báo cáo thường niên của CTCP Phát triển nhà Thủ Ðức (TDH), ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HÐQT phân tích, ngành bất động sản chịu nhiều áp lực do những khó khăn về mặt pháp lý với các quy định chồng chéo nhau.

Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng cá nhân vào bất động sản. Mặt khác, từ những sai phạm liên tiếp xảy ra trong việc phân lô bán nền không đúng pháp luật cũng như có một số công ty lừa đảo bán dự án ảo, chính quyền các cấp phải rà soát lại tình trạng pháp lý của tất cả các dự án, nhất là những dự án có liên quan đến việc sử dụng đất công.

Tuy vậy, quá trình giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước lại chưa đảm bảo một quy trình liên thông, đồng bộ và cũng còn gây cản trở đối với các doanh nghiệp bất động sản làm ăn chân chính.

Quan sát thị trường cho thấy, nhiều dự án chưa được giao đất, chủ đầu tư không thể thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và làm sổ đỏ cho khách hàng.

Các quy định về chế độ ưu đãi, hỗ trợ đối với chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng chưa được thực hiện nhất quán. Ðiều này dẫn đến thời gian qua, có rất ít dự án được phê duyệt hay chào bán ra thị trường.

Quy mô thị trường, nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở thương mại phù hợp với thu nhập không cao của đại bộ phận người dân.

Các doanh nghiệp bất động sản bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí đứng trước nguy cơ bị phá sản. Rất nhiều doanh nghiệp đã phải kêu cứu lên các cấp chính quyền.

Bản thân TDH năm 2019 không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận do những ách tắc pháp lý một dự án ở công ty con, dù thủ tục chỉ là khâu duyệt lại thiết kế quy hoạch cho phù hợp.

Câu chuyện tắc thủ tục của ngành bất động sản, hay câu chuyện thuế giá trị gia tăng cho phân bón khiến phân bón trong nước bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu đã tồn tại lâu.

Chuyện hồi tố Nghị định 20 mới đây giúp doanh nghiệp được hoàn thuế và mới đây là cơ chế liên quan đến xuất khẩu gạo cho thấy, nếu lại tiếp tục rà soát quy chế, chính sách sẽ hỗ trợ được rất nhiều doanh nghiệp thoát hiểm mà chưa cần đến chính sách tài chính hỗ trợ thuế, lãi suất mới...

Nhưng dường như việc rà soát cơ chế gây ách tắc cho doanh nghiệp hoặc xây dựng những cách thức nhanh gọn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ít được thực thi trong thực tế, khiến nhiều ách tắc kéo dài.

Như việc đưa mặt hàng phân bón vào danh mục không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) nên nhiều khoản thuế đầu vào không được khấu trừ, khiến chi phí sản xuất tăng lên đáng kể, làm giảm sức cạnh tranh của hàng trong nước với phân bón nhập khẩu được hưởng ưu đãi giảm thuế.

Thực tế này tồn tại nhiều năm nay, các doanh nghiệp trong nước đã kêu rất nhiều nơi nhưng vẫn không được giải quyết.

Việc hồi tố Nghị định 20 cũng là cả quá trình dài kiến nghị của nhiều doanh nghiệp, nhưng nếu không có đại dịch Covid 19 xảy ra với sự thúc giục của Chính phủ, cũng khó có hy vọng xử lý  nhanh.

Trong khi nguồn lực tài chính của Chính phủ còn hạn hẹp, để nền kinh tế có động lực thay đổi, điều doanh nghiệp mong đợi nhất là cơ quan chức năng ưu tiên tháo gỡ khó khăn về cơ chế cho doanh nghiệp.

Nói cần đi đôi với làm để doanh nghiệp có thể cạnh tranh bình đẳng, tăng quyền chủ động trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

Sức mạnh trong dân doanh được huy động tối đa sẽ là động lực cho nền kinh tế vượt qua giai đoạn gian khó này.

Tin bài liên quan