Kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 2,2 tỷ USD
Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra (một loại cá da trơn) lớn nhất thế giới, với thị phần đến 93%, tập trung chủ yếu tại thị trường Mỹ (chiếm 91% thị phần) và Trung Quốc (chiếm 9% thị phần). 11 tháng năm 2018, xuất khẩu cá tra Việt Nam tăng 27,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, lần đầu tiên vượt 2 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mức tăng trưởng cao như vậy có được là nhờ giá cá tra tăng và đẩy mạnh các sản phẩm giá trị gia tăng. Thực tế, năm 2018, sản lượng cá tra không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường dẫn đến giá nguyên liệu leo dốc, kéo theo giá xuất khẩu tăng.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào chế biến sản phẩm cá tra có giá trị gia tăng cao, đẩy giá xuất khẩu và giá trị xuất khẩu cá tra đi lên. Tại thị trường Trung Quốc, lượng sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra thâm nhập vào các siêu thị, nhà hàng, chuỗi thức ăn nhanh đang tăng mạnh. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu cá tra có thể đạt 2,2 tỷ USD trong năm 2019.
Năm nay, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cá tra là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất nhờ nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc và các rào cản thương mại tại Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam giảm xuống.
Thêm vào đó, với việc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung còn kéo dài, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng thị phần xuất khẩu cá tra vào Mỹ, thay thế cho cá rô phi Trung Quốc hiện đang chiếm 40% tổng sản lượng cá nhập khẩu của Mỹ.
Chưa kể, các doanh nghiệp cá tra được dự báo sẽ hưởng lợi lớn nếu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) được ký kết vào đầu năm 2019. Bởi khi đó, thuế nhập khẩu cá tra vào Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm từ mức 5,5% hiện tại về 0% trong 3 năm với cá tra thô (mã HS 03) và từ mức 7% về 0% trong 7 năm với cá tra chế biến.
Mặc dù vậy, pháp lý và dư cung là những rủi ro mà các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thường xuyên phải đối mặt. Đồng thời, EVFTA có thể bị trì hoãn do bất ổn chính trị tại châu Âu nên chưa chắc mang lại giá trị cho doanh nghiệp ngay trong năm 2019.
Thực tế, trước tình trạng giá cá tra cao, đã có nhiều e ngại về “làn sóng” đầu tư vào cá tra, từ đó dẫn tới thừa lượng cung năm 2019, nhưng theo VASEP, tình trạng dư thừa sẽ không kéo dài như những năm trước, bởi thị trường có nhu cầu ổn định và các ngân hàng đã thắt chặt quy định cho vay vốn nên khó tái diễn việc vay vốn để đầu tư, mở rộng nuôi trồng cá tra tràn lan.
Những ngôi sao sáng
Đối với các doanh nghiệp trong ngành, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) đang giữ được phong độ với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước đạt 348 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ cấu thị trường không thay đổi nhiều so với cuối quý III/2018 khi tập trung vào Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, với thị phần tại các thị trường này đạt lần lượt 66%, 11% và 12%.
Theo đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt, năm 2019, động lực tăng trưởng của VHC sẽ đến từ năng lực nuôi trồng và chế biến tiếp tục được nâng cao. Cụ thể, dự kiến tháng 1/2019, vùng nuôi mới của Vĩnh Hoàn tại Tân Hưng (Long An) với diện tích 220 ha sẽ đi vào vận hành, lượng cá nguyên liệu tự sản xuất ước tính tăng 40%.
Nhà máy Thanh Bình cũng đã vận hành với công suất 140 - 160 tấn nguyên liệu/ngày, tăng 30 tấn nguyên liệu/ngày so với cuối tháng 6/2018 và có kế hoạch nâng công suất thêm 100 tấn nguyên liệu/ngày trong năm 2019.
Trong khi đó, “ngôi sao sáng” trong năm 2018 cả về kết quả kinh doanh lẫn giá cổ phiếu là Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) đang tiếp tục ghi điểm. Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư đầu tháng 12 vừa qua, ANV cho biết, năm 2018, Công ty ước đạt lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng, gấp 2,4 lần kế hoạch đặt ra, tăng hơn 4 lần so với năm trước.
Đây là thành quả của việc ANV đã tự chủ được 100% nguồn nguyên liệu trong bối cảnh giá cá tra nguyên liệu tăng cao. Bên cạnh đó, tình hình xuất khẩu hết sức khả quan, nhất là tại Trung Quốc, thị trường đang chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu của Công ty.
Trong thời gian tới, Trung Quốc vẫn là thị trường mà ANV tập trung đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, chú trọng vào phân khúc sản phẩm chất lượng cao. Công ty tự tin vào khả năng cung cấp nhiều sản phẩm hơn sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhờ vào sự hoạt động trở lại của Nhà máy Thái Bình Dương.
Năm 2019, ANV đề ra mục tiêu lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng và cán mốc 1.000 tỷ đồng vào năm 2020. Cơ sở cho kế hoạch này đến từ dự báo tình hình thị trường khả quan và Công ty dần hoàn thành việc mở rộng vùng nuôi, cũng như xây dựng chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn, đến chăn nuôi, chế biến và xuất khẩu.
Đối với “vua cá” một thời - Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG), sau một năm liên tục thanh lý các bất động sản, Công ty đã báo lãi từ quý III/2018 và cả năm ghi nhận lãi hơn 18 tỷ đồng, tuy nhiên chủ yếu nhờ lợi nhuận khác, trong khi lãi từ hoạt động kinh doanh vẫn đang âm hơn 33 tỷ đồng.
Theo HVG, ngày 10/9/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2016 - 31/7/2017 đối với sản phẩm cá tra, basa Việt Nam. Trong đó, mức thuế sơ bộ cho hai bị đơn bắt buộc là 0 USD/kg (đối với HVG). Với yếu tố này, HVG đặt mục tiêu tham vọng là lãi sau thuế đạt 255 tỷ đồng, bao gồm 75 tỷ đồng từ mảng kinh doanh cá và 180 tỷ đồng kinh doanh thức ăn thủy sản.
Đây không phải lần đầu tiên HVG đặt kế hoạch lãi khủng sau một năm thua lỗ trước đó, do vậy, “niềm tin” cho kế hoạch của HVG đối với nhà đầu tư không quá cao. Có lẽ, cần chờ đến Đại hội đồng cổ đông năm 2019 để lắng nghe những cơ sở chắc chắn từ Ban lãnh đạo Công ty.