Số liệu của Cục quản lý giám sát bảo hiểm cho thấy, năm 2019, tổng tài sản của các doanh nghiệp khối phi nhân thọ ước đạt 89.447 tỷ đồng, tăng 6,9% so với năm 2018; tổng dự phòng nghiệp vụ ước đạt 21.638 tỷ đồng, tăng 0,1%; vốn chủ sở hữu ước đạt 30.118 tỷ đồng, tăng 12,1%.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tuy đối mặt với tác động của đại dịch Covid-19, nhưng ngành bảo hiểm vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khoảng 10% (theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp).
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế AM Best cho rằng, mặc dù tỷ lệ chi trả cổ tức không quá cao, ở mức trên dưới 10%, nhưng các doanh nghiệp phi nhân thọ Việt vẫn ghi nhận mức tăng trưởng vốn tương đương với tăng trưởng tổng tài sản, tỷ lệ trung bình 5 năm qua đạt 10%/năm nhờ tăng vốn và tăng lợi nhuận để lại.
Kết quả là tỷ trọng tổng tài sản trên vốn và tỷ lệ thặng dư của thị trường bảo hiểm Việt Nam được duy trì ở mức 3x trong 5 năm gần nhất.
Kết quả đánh giá của mô hình BCAR cho biết, mức vốn hóa theo rủi ro của các doanh nghiệp phi nhân thọ được AM Best xếp hạng tại Việt Nam từ mức “Rất cao” đến “Cao nhất”, trong đó không ít doanh nghiệp duy trì biên khả năng thanh toán cao hơn đáng kể so với yêu cầu tối thiểu của cơ quan quản lý.
Quan điểm thận trọng về đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm góp phần giảm hệ số đòn bẩy khai thác ở mức trung bình, nhưng đang có xu hướng gia tăng, tỷ lệ trung bình của năm 2019 là 200%.
Mặt khác, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam có thỏa thuận tái bảo hiểm với nhiều đối tác quốc tế có xếp hạng cao, điều này làm giảm áp lực vốn do việc gia tăng doanh số quá nhanh, đồng thời mang lại nguồn thu từ hoa hồng nhượng tái.
AM Best cũng ghi nhận rằng, khả năng tài chính của nhiều doanh nghiệp phi nhân thọ được đảm bảo bởi danh mục đầu tư có tính thanh khoản cao, với 80% tổng tài sản nằm dưới dạng tiền gửi, tiền mặt và trái phiếu chính phủ.
Tuy là hình thức đầu tư an toàn, nhưng việc lãi suất trong xu hướng giảm như hiện nay sẽ khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm khó tránh bị ảnh hưởng.
AM Best dự báo thị trường phi nhân thọ Việt Nam sẽ duy trì sự ổn định trong tình hình kinh tế hiện tại, song về trung và dài hạn, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể cần tăng vốn cho nhu cầu tăng trưởng trong tương lai.
Nhiều tập đoàn bảo hiểm quốc tế lớn sở hữu cổ phần chiến lược trong các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam có mong muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu thông qua việc góp thêm vốn hoặc mua lại cổ phần hiện hữu.
Tuy nhiên, việc này còn tùy thuộc vào kế hoạch thoái vốn của Chính phủ, thường hay bị chậm trễ do các thủ tục hành chính.
Tại mùa Đại hội đồng cổ đông năm nay, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã được thông qua phương án nới room ngoại, cũng như tiếp tục tìm kiếm phương án thu hút vốn đầu tư mới.
Đơn cử, cổ đông của Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã thông qua chủ trương tăng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 100%. Theo đại diện PTI, việc tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài lên mức tối đa là yếu tố cần thiết để tăng xếp hạng tín dụng trong tương lai, đáp ứng nhu cầu tăng vốn điều lệ.
Bảo hiểm Quân đội (MIC) sẽ hoàn tất kế hoạch đưa cổ phiếu MIG lên sàn HOSE trong năm nay, trên cơ sở đó lựa chọn các đối tác chiến lược trong giai đoạn tiếp theo, nhất là các đối tác nước ngoài.
Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cũng sẽ nới room cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm tăng tính thanh khoản và sức hấp dẫn cho cổ phiếu PGI) trên thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) đang làm việc với các cơ quan chức năng để hoàn tất thủ tục thoái vốn, tạo cơ sở nới room ngoại lên 100%.
Bảo hiểm PVI mới được Bộ Tài chính chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 2.600 tỷ đồng lên 3.100 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2020.
Việc tăng vốn nằm trong chiến lược phát triển của nhà bảo hiểm này nhằm nâng cao năng lực tài chính, tạo điều kiện cho quá trình mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.