Doanh nghiệp bảo hiểm thêm điều kiện ràng buộc trái luật

Doanh nghiệp bảo hiểm thêm điều kiện ràng buộc trái luật

(ĐTCK) Một số chuyên gia bảo hiểm phát hiện, ngày càng phổ biến tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tự ý bổ sung điều khoản ràng buộc về thời hạn nộp hồ sơ vào hợp đồng bảo hiểm sức khỏe con người. Điều khoản này là trái quy định của pháp luật hiện hành, gây ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của người tham gia bảo hiểm, cũng như làm lung lay niềm tin của khách hàng dành cho bảo hiểm.

Ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ tư vấn đại lý bảo hiểm TILA cho biết, đơn cử, quy tắc bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm Liên Hiệp (UIC) tự ý ràng buộc thêm rằng, “khi yêu cầu UIC trả tiền bảo hiểm, người được bảo hiểm và/hoặc người thừa kế hợp pháp phải gửi các chứng từ cho UIC trong vòng 60 ngày (quá thời hạn trên sẽ bị từ chối một phần hoặc toàn bộ số tiền bảo hiểm trừ trường hợp bất khả kháng) kể từ ngày điều trị cuối cùng hoặc tử vong”.

Theo ông Nguyên, nội dung tại điều khoản mới này là trái quy định pháp luật và hầu hết các công ty bảo hiểm trên thị trường đều “phạm” phải lỗi này. Bởi Điều 28 – Thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường - Luật Kinh doanh bảo hiểm không có quy định nhà bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thương lượng thay đổi về thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm, do đó, việc thay đổi đơn phương của nhà bảo hiểm - cho dù có ghi vào Quy tắc bảo hiểm - là trái quy định pháp luật.

Đồng quan điểm, một chuyên gia bảo hiểm khác cũng cho biết, sự bất cập này đang hiện diện trong hợp đồng của nhiều công ty bảo hiểm, nhất là các công ty nước ngoài, trong đó có Liberty, hay cả những doanh nghiệp top đầu của thị trường bảo hiểm Việt Nam như Bảo Việt.

Cũng theo ông Nguyên, căn cứ Khoản 1, Điều 39 - Chương 2, Mục 2, Hợp đồng bảo hiểm con người - Luật Kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm trong các trường hợp sau: Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn hai năm, kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực; Người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng; Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình.

Ngoài ra, Khoản 2 Điều 39 cũng quy định, trong trường hợp một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

“Như vậy, đối chiếu với Điều 39 nêu trên, thời gian nộp hồ sơ chậm không thể là lý do để nhà bảo hiểm từ chối giải quyết bồi thường một phần hay toàn bộ số tiền bảo hiểm.

Đây là điều khoản hợp đồng bảo hiểm trái luật mà UIC và các doanh nghiệp bảo hiểm khác đã cố tình đăng ký (hoặc chưa đăng ký) với Bộ Tài chính, trực tiếp là Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm. Chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính xem xét hủy bỏ điều khoản trái luật nói trên trong các quy tắc bảo hiểm sức khỏe”,ông Nguyên nói.

Một trong số lý do dẫn đến việc tự ý bổ sung điều khoản này, theo các chuyên gia, là do lịch sử ra đời và phát triển của các loại hình bảo hiểm sức khỏe đi trước hệ thống pháp luật dân sự và chuyên ngành. Cụ thể, các sản phẩm này đều ra đời trước khi Bộ luật Dân sự ra đời/hoàn chỉnh (các năm 1995, 2005, 2015) và trước cả khi Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời/sửa đổi (năm 2000, 2010).

Do đó, dẫn đến điều khoản công ty (được Bộ Tài chính phê chuẩn) tại thời điểm đó có nhiều điểm bất cập với quy định của pháp luật sau này. Nếu các công ty phát triển sản phẩm dựa trên nền sản phẩm cũ mà không chịu rà soát, đối chiếu với các luật mới được ban hành thì sẽ mắc lỗi kể trên. Đây là hậu quả của lỗi căn bản trong quy trình soạn thảo sản phẩm.

Các chuyên gia cũng cho rằng, quy tắc bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm sức khỏe con người là do một bên soạn thảo, đăng ký với Bộ Tài chính và phải được cơ quan này phê chuẩn trước khi cung cấp ra thị trường, nếu thay đổi phải đăng ký lại. Nếu chỉ được bên bán đơn phương đưa ra để bên mua chấp nhận thì không thể gọi thỏa thuận giữa hai bên. Trong trường hợp công ty bảo hiểm vẫn cố tình bán sản phẩm, thì điều khoản này sẽ không có hiệu lực thi hành.    

Tin bài liên quan