Doanh nghiệp bán lẻ nội ngày càng "đói"

Doanh nghiệp bán lẻ nội ngày càng "đói"

Theo lộ trình, đến năm 2015, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam càng bị cạnh tranh mạnh.

Hiện nay, hầu hết thương hiệu của các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới đã có mặt tại Việt Nam như Big C, Metro, Lotte.... Điều đó cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam thực sự hấp dẫn, nhưng cũng đồng nghĩa với việc thị phần của doanh nghiệp bán lẻ trong nước ngày càng bị thu hẹp.

 

Tính đến cuối năm 2012, trong số 700 siêu thị ở Việt Nam, có tới 40% là của các tập đoàn nước ngoài; Trong số 125 trung tâm thương mại của cả nước, các tập đoàn nước ngoài cũng đã chiếm 25%.

 

Ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khẳng định, từ khi gia nhập WTO đến nay, Việt Nam không có chính sách phân biệt trong việc ưu đãi đối với doanh nghiệp trong hay ngoài nước, các doanh nghiệp bán lẻ cạnh tranh bình đẳng.

 

Nhưng bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam lại cho rằng, mặc dù không có chính sách ưu đãi cụ thể đối với doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, nhưng ở một số địa phương các doanh nghiệp này vẫn được ưu ái. Chẳng hạn như, các doanh nghiệp nội phải chờ đợi rất lâu để xin mặt bằng ở tỉnh, nhưng vị trí đó lại rất dễ “rơi” vào tay doanh nghiệp ngoại.

 

Theo lộ trình, đến năm 2015, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn. Có ý kiến cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã “lỡ nhịp” trong cuộc đua với các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Ông Trần Nguyên Năm cho rằng: “Thời gian đến năm 2015 cũng đủ để doanh nghiệp trong nước vươn lên, nếu các doanh nghiệp có các điều kiện như cơ chế nhà nước, cũng như hỗ trợ ngân hàng trong vấn đề lãi suất, họ sẽ có điều kiện tập trung phân phối bán lẻ. Chúng ta chỉ cần khoảng 10 doanh nghiệp phân phối, bán lẻ của Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, cùng bắt tay nhau hoặc đưa ra chiến lược tổng thể thị trường Việt Nam. Như thế, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể cạnh tranh với doanh nghiệp, tập đoàn phân phối nước ngoài.”.