DGW: Mảng bán lẻ điện thoại thắng lớn
Công ty cổ phần Thế giới số (DGW) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2019 với doanh thu thuần đạt hơn 2.006 tỷ đồng, tăng trưởng 46% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 35,2 tỷ đồng, tăng trưởng 56%. Trước đó, nửa đầu năm 2018, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của DGW đạt lần lượt hơn 1.376 tỷ đồng và 22,5 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, DGW đạt 3.377 tỷ đồng doanh thu, tăng 28% và lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2018. EPS trượt 4 quý đạt 3.094 đồng. Thành tích ấn tượng này của DGW được công bố trong bối cảnh thị trường bán lẻ có sự cạnh tranh rất khốc liệt và mảng bán lẻ điện thoại được cho là đã bão hòa.
Đáng chú ý, tại DGW, mảng bán lẻ điện thoại đang gia tăng cả doanh thu lẫn thị phần. Nếu như năm ngoái, thị phần phân phối điện thoại của Công ty chỉ đạt 6% thì nửa đầu năm nay đạt 8%, với doanh thu lũy kế 6 tháng 1.551 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Ngành máy tính xách tay và máy tính bảng vươn lên chiếm 30% thị phần so với mức 28% cùng kỳ năm ngoái, doanh thu đạt 1.121 tỷ đồng, tăng trưởng 23%.
Lý giải sự tăng trưởng mạnh mẽ ở DGW thời quan vừa qua, ông Đoàn Hồng Việt, Tổng giám đốc Công ty Thế giới số cho biết, động lực tăng trưởng đến từ tất cả các ngành hàng. Trong đó, mảng điện thoại leo dốc nhờ sự ra mắt nhiều mẫu điện thoại mới. Ngành hàng tiêu dùng có mức tăng trưởng mạnh nhất trong kỳ nhờ những hợp đồng mới ký, cụ thể đạt 116 tỷ đồng, tăng 170% so với cùng kỳ năm ngoái với hợp đồng tổng phân phối sản phẩm dinh dưỡng y học của Nestle đầu năm 2019. Ngành hàng thiết bị văn phòng đạt doanh thu 589 tỷ đồng, tăng 22%, đây là ngành hàng được DGW kỳ vọng tăng trưởng trong dài hạn với xu hướng phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số.
Với kết quả đạt được trong 6 tháng qua, DGW đã thực hiện được 47% kế hoạch doanh thu và 44% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Theo đó, DGW đang có kết quả kinh doanh tốt nhất kể từ trước tới nay nhờ sự linh hoạt ở từng mảng ngành hàng.
FPT Retail: Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.003 tỷ đồng, tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, doanh thu mảng thương mại điện tử tăng trưởng ở mức 40,6% so với cùng kỳ, đạt 1.649 tỷ đồng. Doanh thu ngành hàng phụ kiện là 374 tỷ đồng, tăng 25%. Bên cạnh đó, số lượng SIM bán ra trong nửa đầu năm nay là 460.000, tăng mạnh 91%.
Lợi nhuận trước thuế của FRT đạt 201 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế theo đó ở mức 158 tỷ đồng, tăng trưởng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Từ đầu năm đến nay, FPT Retail đã không ngừng tăng thêm số lượng cửa hàng, góp phần tăng trưởng doanh thu và thị phần. Tổng số cửa hàng tính đến tháng 6/2019 là 558, tăng 25 cửa hàng so với đầu năm nay.
Theo Euromonitor và Retail Asia Publishing, với doanh số/m2 vượt trội so với các đối thủ trong Top 10 nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam, cụ thể là 14.523 USD/m2, FPT Shop duy trì vị trí nhà bán lẻ hiệu quả nhất tính trên diện tích mặt sàn kinh doanh.
Năm 2019, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu 17.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến sẽ đạt 418 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng lần lượt 16% và 20% so với năm 2018. Kế hoạch tăng trưởng bình quân (CAGR) của FPT Retail trong giai đoạn 2019 - 2021 là 15%/năm cho doanh thu và 20%/năm cho lợi nhuận trước thuế.
Tiết lộ về kế hoạch trong nửa cuối năm 2019, FPT Retail cho biết, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư phát triển mạnh chuỗi nhà thuốc Long Châu. Hướng đi này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò dẫn dắt chính trong tăng trưởng chung của FPT Retail trong tương lai. Công ty đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ phát triển được hệ thống 470 nhà thuốc Long Châu và mảng dược phẩm đạt doanh thu 4.400 tỷ đồng.
MWG: Mở rộng kinh doanh bán lẻ đồng hồ
Chưa công bố kết quả 6 tháng nhưng con số của 5 tháng đầu năm 2019 cũng cho thấy Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG) đã có bước tiến đáng kể khi hoàn thành 39% kế hoạch doanh thu và 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của MWG đạt 42.784 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.792 tỷ đồng (tăng 39%). Mảng online đóng góp 16% tổng doanh thu, tăng trưởng 52%.
Theo MWG, tất cả các nhóm sản phẩm chính bao gồm điện thoại, điện tử, điện lạnh và gia dụng đều ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Nhóm điện lạnh tiếp tục là động lực quan trọng, tăng hơn 2.300 tỷ đồng doanh thu, chiếm 40% tổng giá trị doanh thu tăng thêm của Công ty trong 5 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018. Với sản phẩm điện thoại, theo số liệu ước tính của GFK, MWG đã gia tăng thị phần lên 47% so với mức 45% cuối năm trước và duy trì mức tăng trưởng dương trong bối cảnh toàn thị trường giảm.
Về hoạt động kinh doanh bán lẻ đồng hồ, MWG cho biết, Công ty đã thử nghiệm mô hình shop-in-shop tại 18 cửa hàng Thế giới di động và Điện máy xanh với kết quả khả quan. Trung bình mỗi tháng, một cửa hàng bán ra trên 500 đồng hồ, tương ứng với mức doanh thu từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng. Với kết quả này, MWG sẽ tiếp tục nhân rộng số cửa hàng kinh doanh mặt hàng đồng hồ trong thời gian tới.
Tính tới ngày 31/5, MWG có 2.371 cửa hàng, tăng thêm 47 cửa hàng so với cuối tháng 4. Riêng Bách hóa xanh, Công ty cho biết đang có những triển vọng tích cực, doanh thu trung bình lên đến hơn 1,4 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, tăng 75% so với mức 800 triệu đồng/cửa hàng/tháng cùng kỳ năm ngoái. Mới đây, Bách hóa xanh đã khởi động việc đưa đồ dùng nhà bếp và một số sản phẩm gia dụng thiết yếu vào mô hình Double Shop (Bách hóa xanh kết hợp Gia dụng), cửa hàng thử nghiệm đầu tiên đặt tại tỉnh Tây Ninh.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn (Savills Hà Nội) cho biết, câu chuyện thành bại của một doanh nghiệp bán lẻ nằm ở chiến lược kinh doanh, cũng như việc tích hợp công nghệ để phù hợp với thói quen tiêu dùng hiện đại. Hiện tại, các doanh nghiệp Việt đang chứng minh sức mạnh của mình trong lĩnh vực chuỗi cửa hàng bán lẻ, tiện ích nhờ có chiến lược bán hàng linh hoạt và chủ động thích ứng với các xu hướng mới.
Triển vọng của thị trường bán lẻ 6 tháng cuối năm được đánh giá khả quan với sự phát triển trên nhiều mặt cả về số lượng mặt bằng bán lẻ, quy mô ở từng địa phương… Dù có nhiều tay chơi lớn trên đường đua, những đây vẫn là môi trường thuận lợi để phát triển đối với các mô hình bán lẻ hiện đại, tiện lợi.