Chia sẻ được đưa ra tại buổi Tọa đàm trực tuyến sáng ngày 28/7 để lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương tổ chức.
Các đại biểu tham dự đều cho rằng, việc xây dựng được các quy định khả thi, hợp lý về các nội dung này sẽ tạo một dấu ấn quan trọng giúp nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước cũng như cho sự phát triển bền vững của toàn ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số điều khoản trong bản Dự thảo Nghị định cần phải được cân nhắc và sửa đổi để các quy định của luật được áp dụng “trơn tru” trong thực tế.
Tọa đàm trực tuyến để lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp |
Cần công nhận kết quả kinh doanh của mạng lưới tuyến dưới ở nước ngoài
Ông Võ Đan Mạch - Tổng thư ký Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam cho biết, dự thảo lần này các cơ quan chức năng đã đưa vào rất nhiều quy định mới chẳng hạn như bảo trợ quốc tế là vấn đề đột phá đã được đưa vào luật.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển và hội nhập toàn cầu, hoạt động bảo trợ quốc tế là thực tiễn tất yếu ở tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, ông Mạch cho rằng, cơ quan quản lý còn khá cẩn trọng trong quy định này.
Để đảm bảo tính hợp lý, khả thi cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định, tại Tọa đàm, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Ban soạn thảo xem xét sửa đổi quy định hạn chế bảo trợ quốc tế áp dụng cho nhà phân phối Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Phương Sơn, Giám đốc Đối ngoại Amway Việt Nam, việc không cho phép công nhận kết quả kinh doanh của mạng lưới tuyến dưới ở nước ngoài để tính thành tích và quyền lợi cho họ, làm ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của nhà phân phối Việt Nam, những người đang nỗ lực nâng cao trình độ để có thể tiếp cận được những khách hàng nước ngoài, mang lại thu nhập cho họ và có thể đóng thêm thuế thu nhập cho nhà nước Việt Nam.
Bên cạnh đó, quy định này chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc cốt lõi của hoạt động bán hàng đa cấp đã được Nghị định 40 ghi nhận, đó là người bảo trợ được quyền được hưởng hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác phát sinh từ hoạt động của mình và của hệ thống tuyến dưới của mình.
Để giải quyết quan ngại về tình trạng cấu kết, tạo dựng khống mạng lưới nước ngoài để nâng khống danh hiệu và hoa hồng của nhà phân phối tại Việt Nam, làm chiêu bài để thu hút nhà phân phối mới, ông Sơn cho rằng thay vì quy định như hiện tại, có thể xem xét sửa đổi theo hướng quy định: “Doanh số từ hoạt động của tuyến dưới ở thị trường nước ngoài không vượt quá 50% doanh số yêu cầu để đạt được cấp bậc tương ứng tại Việt Nam”.
Song song với việc này, Ban soạn thảo cũng có thể xem xét bổ sung quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện về hoạt động bảo trợ quốc tế đối với cả doanh nghiệp và nhà phân phối.
Đồng tình với quan điểm của đại diện Amway Việt Nam, PGS., TS. Ngô Trí Long cho rằng, đối với hoạt động bảo trợ từ Việt Nam ra nước ngoài, vấn đề trọng tâm mà quy định này cần nhắm tới để điều chỉnh là làm thế nào để đảm bảo tính minh bạch của nguồn tiền vào Việt Nam, đồng thời giảm thiểu các thất thu về thuế từ hoạt động bảo trợ nước ngoài cho ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, khi xây dựng các quy định liên quan thì cần được thiết kế để tập trung điều chỉnh các vấn đề trọng tâm này.
Với nhìn nhận đó, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng cũng cần nghiêm túc xem xét các đề xuất từ phía doanh nghiệp, bởi các đề xuất đó vừa có thể giúp cho cơ quan nhà nước đạt được các mục tiêu quản lý, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, vừa giúp tạo điều kiện cải thiện thu nhập cho công dân Việt Nam đồng thời cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế.
Đối với hoạt động bảo trợ quốc tế từ nước ngoài vào Việt Nam, hiện nay, Dự thảo Nghị định đang quy định theo hướng không cho phép người tham gia tại Việt Nam nhận bảo trợ từ các nhà phân phối ở nước ngoài.
Các ý kiến tại tọa đàm ủng hộ mục tiêu của Ban soạn thảo trong việc ngăn chặn hoạt động “tiền thị trường” - hoạt động xây dựng mạng lưới bất hợp pháp tại Việt Nam của các nhà phân phối nước ngoài.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại Việt Nam đã có đầy đủ công cụ pháp luật, kể cả biện pháp xử lý hành chính, thậm chí chế tài hình sự để xử lý các hoạt động “tiền thị trường” này, vì vậy việc bổ sung quy định cấm như Dự thảo Nghị định là không có nhiều ý nghĩa.
Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp đang hoạt động tại thị trường Việt Nam thì quy định cấm nêu trên làm cho thị trường Việt Nam trở nên biệt lập.
Một mặt, quy định này đã làm mất đi cơ hội để người tham gia tại Việt Nam học hỏi các kiến thức, tận dụng kinh nghiệm quốc tế, nắm bắt các chuẩn mực, đạo đức kinh doanh để từ đó có thể phát triển kỹ năng bán hàng và xây dựng mạng lưới tốt hơn.
Mặt khác, việc buộc doanh nghiệp tại Việt Nam cấm nhà phân phối được nhận bảo trợ từ nước ngoài là không khả thi trong nhiều trường hợp, và không phù hợp với nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận theo quy định của pháp luật về dân sự.
Từ các đánh giá trên, các đại biểu đã kiến nghị cho phép hoạt động bảo trợ quốc tế vào Việt Nam đối với nhà phân phối trong mạng lưới của các doanh nghiệp đã được cấp phép.
Đối với các quan ngại về thuế, có thể bổ sung các hạn chế, ví dụ không cho phép doanh nghiệp Việt Nam chi trả cho người bảo trợ ở nước ngoài bất kỳ khoản lợi ích kinh tế nào phát sinh từ doanh số của mạng lưới tuyến dưới ở Việt Nam…
Xem xét lại quy định trả thưởng, quy định đại diện tại địa phương
Đối với hoạt động bán lẻ của nhà phân phối để hạn chế biểu hiện của hoạt động đầu tư bất chính, Dự thảo quy định Kế hoạch trả thưởng của doanh nghiệp phải quy định khoản hoa hồng dành cho việc bán lẻ của nhà phân phối có giá trị tối thiểu 20% tổng hoa hồng trả ra của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo bà Đinh Thị Thanh Huyền, đại diện Herbalife Việt Nam, quy định nêu trên nếu được thực hiện nhiều khả năng sẽ đẩy các doanh nghiệp vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, gây khó khăn cho công tác tuân thủ.
Từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp bà Huyền cho rằng, việc áp dụng tỷ lệ hoa hồng cá nhân 20% đối với hoa hồng dành cho hoạt động bán hàng sẽ làm cho tỷ lệ hoa hồng tiền thưởng vượt mức trần 40% quy định tại Điều 48 Nghị định 40 hiện hành.
Chính vì vậy, trong nỗ lực ủng hộ mục tiêu thúc đẩy bán lẻ của cơ quan soạn thảo, các doanh nghiệp đề xuất 2 lựa chọn chính sách để vừa đảm bảo tính khả thi, vừa hạn chế xáo trộn hoạt động kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp.
Với giải pháp thứ nhất, cơ quan soạn thảo có thể quy định yêu cầu doanh nghiệp dành lợi ích đáng kể cho hoạt động bán lẻ của nhà phân phối nhưng không buộc phải điều chỉnh kế hoạch trả thưởng mà có thể linh hoạt áp dụng thông qua các chương trình khuyến mại; đồng thời, nâng mức trần chi trả hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế cho nhà phân phối từ 40% lên 48% để cơ quan thuế có cơ sở công nhận các khoản chi trả dành cho mục đích thúc đẩy bán lẻ.
Một lựa chọn chính sách thay thế mà cơ quan soạn thảo cũng có thể cân nhắc là xây dựng quy định buộc doanh nghiệp phải đảm bảo tỷ lệ doanh số tối thiểu bán cho khách hàng tiêu dùng - là người mua sản phẩm không nhằm mục đích hưởng hoa hồng từ tuyến dưới, ví dụ khách hàng do nhà phân phối giới thiệu mua hàng từ doanh nghiệp và các nhà phân phối không được hưởng hoa hồng từ doanh số mua hàng của nhà phân phối tuyến dưới.
Về quy định đối với đại diện tại địa phương, Nghị định 40 đòi hỏi doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải cử một cá nhân cư trú tại địa phương làm người đại diện tại địa phương để làm việc, báo cáo cơ quan quản lý tại địa phương.
Trong lần sửa đổi này, Ban soạn thảo đã bổ sung thêm điều kiện theo đó đòi hỏi các cá nhân phải được cấp xác nhận kiến thức về bán hàng đa cấp thì mới có thể được uỷ quyền làm đại diện tại địa phương cho doanh nghiệp.
Các ý kiến tại Tọa đàm cho rằng quy định này là một thủ tục hành chính mới sẽ có hiệu lực áp dụng cho hàng ngàn đại diện tại địa phương trên phạm vi 63 tỉnh/thành của các doanh nghiệp hiện tại, và đương nhiên nó sẽ làm phát sinh chi phí rất lớn cho các doanh nghiệp.
Chính vì vậy, đại diện nhiều doanh nghiệp đã đề xuất, xác nhận kiến thức về pháp luật không nên được coi là “điều kiện đầu vào” đối với người đại diện tại địa phương; đồng thời ủng hộ việc cơ quan soạn thảo sẽ cân nhắc phương án thực hiện đào tạo và kiểm tra kiến thức trực tuyến để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp và yêu cầu di chuyển cho người đại diện tại các địa phương, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Về quy định tổ chức hội nghị, hội thảo Nghị định 40 chỉ cho phép doanh nghiệp bán hàng đa cấp được tổ chức các hội nghị, hội thảo về bán hàng đa cấp. Nhà phân phối muốn tổ chức phải được doanh nghiệp ủy quyền và doanh nghiệp phải chịu toàn bộ trách nhiệm đối với hoạt động của nhà phân phối.
Quy định này đã đặt doanh nghiệp vào vị trí rất rủi ro, thậm chí có thể bị rút giấy phép hoạt động. Mặc dù, việc tổ chức các buổi gặp mặt để giới thiệu về sản phẩm và cơ hội kinh doanh hoạt động cốt yếu của ngành, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp đã “không dám” ủy quyền cho nhà phân phối tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo.
Xét dưới góc độ quản lý, có thể nhận thấy rằng quy định hiện tại của Nghị định 40 dường như đang làm cho quy định về trách nhiệm giám sát nhà phân phối của doanh nghiệp không còn mang nhiều ý nghĩa.
Thay vì thực hiện giám sát chặt chẽ và có biện pháp xử lý nghiêm các sai phạm của nhà phân phối về tổ chức hội nghị, hội thảo mà họ đã được ủy quyền thực hiện, doanh nghiệp sẽ cân nhắc kỹ lưỡng bởi việc này có thể dẫn tới hậu quả “rút giấy phép” hoạt động của doanh nghiệp.
Quy định hiện tại vô hình chung đẩy các nhà phân phối của doanh nghiệp vào tình thế khó có thể thực hiện đúng và đẩy doanh nghiệp vào tình thế không thể mạnh tay xử lý các sai phạm của nhà phân phối để làm gương cho toàn hệ thống.
Để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của nhà phân phối, đồng thời giải quyết những bất cập hiện tại, các doanh nghiệp đã đề xuất ban soạn thảo điều chỉnh quy định, cho phép nhà phân phối được tự tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp và tự chịu trách nhiệm về việc tổ chức, đồng thời, nhấn mạnh, doanh nghiệp luôn có trách nhiệm trong việc giám sát và đảm bảo tuân thủ của nhà phân phối như được quy định tại Khoản 5 Điều 40.
Việc tách bạch vai trò của doanh nghiệp và nhà phân phối trong tổ chức hội nghị, hội thảo do nhà phân phối tổ chức cũng giúp phá vỡ “sự hợp tác” bất đắc dĩ giữa hai đối tượng này.
Doanh nghiệp vì vậy cũng sẽ chủ động, quyết liệt hơn khi thực hiện vai trò giám sát và xử lý vi phạm đối với nhà phân phối của mình, qua đó tạo điều kiện để thị trường phát triển lành mạnh.
Cần cho phép áp dụng hợp đồng bán hàng đa cấp dưới dạng điện tử
Về vấn đề yêu cầu cập nhật hệ thống công nghệ thông tin quản lý nhà phân phối, các doanh nghiệp đồng tình với ban soạn thảo trong việc cần phải quy định một khoảng thời gian nhất định để cập nhật thông tin về nhà phân phối, giao dịch và thông tin có liên quan trên hệ thống.
Tuy nhiên, với mục đích đảm bảo tính minh bạch và chính xác của thông tin cập nhật thì không nhất thiết phải cung cấp “ngay khi phát sinh giao dịch” hoặc “trong vòng 1 ngày kể từ khi kết thúc kỳ tính thưởng” như Dự thảo Nghị định.
Trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đều là các công ty đa quốc gia, đã có hệ thống quản lý nhà phân phối toàn cầu đặt ở quốc gia khác; hệ thống quản lý nhà phân phối trên máy chủ đặt tại Việt Nam chỉ có chức năng lưu trữ và cung cấp các thông tin theo yêu cầu của Nghị định 40. Vì vậy, thời gian đồng bộ dữ liệu cần một khoảng thời gian hợp lý để đáp ứng các yêu cầu về mặt kỹ thuật và phù hợp với hoạt động của từng doanh nghiệp.
Theo đó, các ý kiến tại Tọa đàm đã đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh quy định về thời gian cập nhật thông tin để phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, qua đó giảm bớt chi phí đầu tư và vận hành, trong khi vẫn đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý.
Ngoài ra, đối với việc ứng dụng công nghệ, hiện tại, Nghị định 40 chỉ cho phép ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp bằng văn bản giấy.
Trước những lợi ích to lớn của phương thức giao dịch điện tử, các đại biểu tham dự tọa đàm đã đề xuất cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cho phép áp dụng hợp đồng bán hàng đa cấp dưới dạng điện tử.
Đặc biệt, khi đại dịch Covid đã và đang thay đổi thói quen giao dịch, từ trực tiếp thành trực tuyến, thì việc nghiên cứu ứng dụng hợp đồng điện tử là một đòi hỏi hết sức cấp thiết.
Theo thống kê về hoạt động của ngành trong giai đoạn 2015 - 2020, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam có xu hướng giảm mạnh, từ 67 doanh nghiệp vào thời điểm cuối năm 2015, xuống chỉ còn 22 doanh nghiệp vào cuối năm 2020.
Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp mỗi năm ở mức trung bình khoảng 800.000 người, năm 2018 ghi nhận số lượng người tham gia cao nhất ở mức gần 1,25 triệu người.
Đồng thời mức đóng góp thuế vào ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2015 - 2020, với tốc độ gia tăng bình quân 29%.