Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, hàng thủy sản, trong đó có con tôm đang rất có tiềm năng xuất sang thị trường Úc vì 70% nhu cầu tại thị trường này đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, hàng thủy sản, trong đó có con tôm đang rất có tiềm năng xuất sang thị trường Úc vì 70% nhu cầu tại thị trường này đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Đoàn doanh nghiệp Úc sang Việt Nam tìm hiểu về chuỗi sản xuất tôm xuất khẩu sang Úc

Từ ngày 26/2-2/3/2018, Đoàn công tác của Úc sẽ sang Việt Nam để tìm hiểu về chuỗi sản xuất tôm xuất khẩu sang Úc.

Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đoàn công tác của Úc sẽ sang Việt Nam để tìm hiểu về chuỗi sản xuất tôm xuất khẩu sang Úc từ 26/2 đến 2/3/2018.

Nội dung làm việc của Đoàn công tác của Úc tập trung vào vấn đề chính, gồm: Công tác phòng, chống và giám sát dịch bệnh thủy sản; Việc cấp chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu tôm;

Thăm các phòng thử nghiệm chịu trách nhiệm xét nghiệm bệnh đốm trắng và bệnh đầu vàng trên tôm trước khi xuất khẩu;  Thăm các cơ sở có chuỗi sản xuất tôm xuất khẩu sang thị trường Úc, gồm các trại giống, cơ sở nuôi, cơ sở chế biến tại Sóc Trăng, Bạc Liêu hoặc Kiên Giang, Cà Mau...

Theo đó, để chuẩn bị cho việc đón Đoàn Úc kịp thời hiệu quả nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này, Cục Thú y  đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện một số công việc trong đó đề nghị Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Úc hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp đón và làm việc với Đoàn Úc; cử người tham gia trong suốt thời gian làm việc của Đoàn.

Trong đó, các doanh nghiệp cần chủ động rà soát lại toàn bộ chuỗi sản xuất thủy sản xuất khẩu sang Úc gồm: điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hệ thống quản lý chất lượng, hồ sơ, số liệu, quy trình liên quan đến chuỗi sản xuất, điều kiện an toàn sinh học.

Bố trí lãnh đạo có thẩm quyền quyết, giải thích và các cán bộ liên quan để tiếp, làm việc và trả lời các câu hỏi liên quan đến xuất khẩu sang Úc.

Rà soát và hoàn thiện hồ sơ, dữ liệu của các cơ sở chế biến gồm hồ sơ của các cơ sở thu gom và cơ sở nuôi tôm cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến của doanh nghiệp nhằm đảm bảo có hệ thống, dễ truy xuất nguồn gốc.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, hàng thủy sản đang rất có tiềm năng xuất sang thị trường Úc vì hàng năm thị trường này tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn hải sản.

Tuy nhiên, sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, phải nhập khẩu 70% từ nước ngoài, gồm các loại như cá hộp, phi lê cá, tôm, mực, bạch tuộc… Xu hướng nhập khẩu ngày càng tăng theo quy mô dân số và thị hiếu tiêu dùng hải sản.

Hiện nay, Việt Nam là nhà cung cấp thuỷ sản lớn thứ tư của Úc sau Thái Lan, New Zealand và Trung Quốc nhưng chỉ chiếm khoảng 11% thị phần.

Riêng với mặt hàng tôm, Việt Nam là nguồn cung lớn nhất cho Úc với kim ngạch chiếm khoảng trên 35% thị phần.

Thương vụ Việt Nam tại Úc cũng khuyến cáo, Úc là thị trường xuất khẩu thủy sản tiềm năng của Việt Nam, nhưng doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Úc về vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn sinh học.

Hàng thuỷ sản của Việt Nam vẫn còn vài trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm của Úc và điều này ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam nếu không loại trừ triệt để.

Năm 2017 là năm ngành thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay với 8,3 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD so với năm 2016.

Giá trị sản xuất và sản lượng đều tăng góp phần đưa thủy sản xếp vị trí cao nhất trong những ngành xuất khẩu của nông nghiệp trong năm qua, trong đó, đóng góp lớn nhất vào xuất khẩu thủy sản vẫn là mặt hàng tôm với mức tăng trưởng trên 21% với giá trị xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD.

Tin bài liên quan