Tái cơ cấu nợ, giảm lãi vay
Trong nửa đầu năm 2021, hầu hết nhà băng đều ghi nhận lợi nhuận tốt như TPBank, Techcombank, MSB, LienVietPostBank, VPBank, trong đó có một số ngân hàng gần hoàn thành kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, dư địa tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm 2021 không còn nhiều khi ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn ra trên diện rộng và kéo dài. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới tín dụng khi khu vực sản xuất gặp khó khăn, mà các ngân hàng còn phải chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng.
Lợi nhuận ngân hàng có nguy cơ giảm do các khoản nợ tái cơ cấu cho các doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch Covid-19 và giảm lãi suất cho vay.
Kết quả hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 14/6/2021, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 241.443 khách hàng, với dư nợ 326.299 tỷ đồng. Các ngân hàng miễn, giảm, hạ lãi suất cho 679.877 khách hàng, với dư nợ 1.053.808 tỷ đồng. Lũy kế số tiền lãi miễn, giảm cho khách hàng từ 23/1/2020 đến 14/6/2021 là 18.279 tỷ đồng. Cho vay mới có lãi suất thấp hơn so với trước dịch lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 3.700.754 tỷ đồng cho 506.151 khách hàng.
Sau khi cam kết với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã giảm 1 - 2%/năm lãi suất cho vay. Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, giảm 1% lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu khoảng 9,6 triệu tỷ đồng thì con số lợi nhuận ngân hàng có thể bị ảnh hưởng vào khoảng 96.000 tỷ đồng, tương đương với 1/2 lợi nhuận của toàn ngành năm 2020.
Đáng lưu ý, lợi nhuận nửa đầu năm 2021, thậm chí cả năm ngoái của ngành ngân hàng chưa phản ánh đúng hiệu quả hoạt động, vì những con số lợi nhuận phần nào đến từ việc giãn, hoãn trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 01, Thông tư 03 và rất có thể nợ xấu sẽ tăng lên trong nửa cuối năm 2021. Điều này sẽ tác động lên lợi nhuận của ngành trong năm nay.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, dịch Covid-19 không chỉ tác động tới doanh nghiệp mà cả ngân hàng, nhất là trong bối cảnh hàng loạt tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, các tổ chức tín dụng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép kéo dài thời hạn trích lập bổ sung (có thể 5 năm) và giảm tỷ lệ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro để giảm tải áp lực tài chính, có thêm nguồn lực phát triển kinh doanh, hỗ trợ khách hàng.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn hệ thống, tại dự thảo sửa đổi Thông tư 03, Ngân hàng Nhà nước không đề cập đến việc giãn thời gian trích lập dự phòng rủi ro. Theo quy định tại Thông tư 03, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro cho toàn bộ nợ cơ cấu lại trong 3 năm, thực hiện từ năm nay.
Lãi dự thu và dự phòng
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta nhận định, lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2021 sẽ phần nào phụ thuộc vào khả năng thu hồi nợ từ những khoản nợ vay tái cơ cấu. Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) thấp sẽ phải tăng thêm dự phòng, từ đó làm giảm lợi nhuận trong thời gian tới.
Thực tế, trong quý II/2021, hầu hết ngân hàng đều tăng trích lập dự phòng do rủi ro liên quan đến đại dịch gia tăng. Tổng dự phòng quý II đạt 33.400 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, đồng nghĩa với nền tảng vững mạnh hơn, có thể hạn chế tình trạng suy giảm chất lượng tài sản do ảnh hưởng của đại dịch, là Vietcombank với 352%, Techcombank với 259%, MB với 237%, ACB với 208% tính đến cuối tháng 6/2021.
Ngược lại, không ít ngân hàng có tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu ở mức thấp. Chẳng hạn, PGBank có tỷ lệ này là 33%, giảm 3%; Viet Capital Bank là 45%, giảm 7%; VPBank là 45%, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước...
Bên cạnh đó, một số ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản tương đối cao, có thể khiến lợi nhuận chưa được phản ánh chính xác và làm tăng rủi ro tiềm ẩn nếu không thu được các khoản lãi dự thu. Trong mọi trường hợp, lãi dự thu chưa thu được có thể làm giảm lợi nhuận.
Để đánh giá chính xác về chất lượng lợi nhuận của ngân hàng, giới phân tích cho rằng, cần chú ý nhiều hơn đến các ngân hàng có lãi dự thu và chênh lệch thu nhập lãi âm ở mức cao. Bởi lẽ, lãi dự thu là khoản lãi ngân hàng dự kiến thu trong tương lai từ các tài sản sinh lời, trong đó bao gồm các sản phẩm cho vay. Trong khi đó, ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này, nhưng vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập và từ đó tính ra lợi nhuận. Đây là phương thức hạch toán bình thường trong kế toán ngân hàng và thực tế, lãi dự thu thường tăng theo tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.
Lãi dự thu càng lớn có thể tác động tới lợi nhuận của ngân hàng trong tương lai, khi giả sử một phần lãi dự thu trở thành nợ xấu không thể thu hồi được. Báo cáo tài chính quý II/2021 cho thấy, nhiều nhà băng ghi nhận các khoản phải thu, lãi dự thu tăng khá mạnh trong nửa đầu năm 2021.
Tại Techcombank, trong khi nợ xấu tiếp tục giảm xuống thấp nhất hệ thống, chỉ ở mức 0,4%, thì lãi dự thu tăng khá mạnh. Tính đến 30/6/2021, các khoản phải thu của Ngân hàng là 23.489 tỷ đồng, tăng 42% so với đầu năm, đồng thời các khoản lãi, phí phải thu khác tăng 11%, lên 5.736 tỷ đồng.
Tương tự, tại VietinBank, các khoản phải thu tăng 35%, lên 30.868 tỷ đồng, còn phí, lãi phải thu tăng 24%, lên 9.694 tỷ đồng; tại VIB, các khoản phải thu là 8.176 tỷ đồng, gấp 4,5 lần đầu năm; tại Vietcombank, các khoản phải thu tăng 53%, lên 10.176 tỷ đồng...
Báo cáo tài chính cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm nay ở mức cao, song ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng. Đặc biệt, khi con số dư nợ tái cơ cấu tăng dần sẽ tác động lên lợi nhuận, do ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro trong thời gian 3 năm.