Ưu tiên công ty được quản trị tốt hơn
Ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc đầu tư Dragon Capital
Nếu hai công ty trong cùng một ngành có quy mô và mức lợi nhuận giống nhau, công ty nào được quản trị tốt hơn thì sẽ có định giá P/E cao hơn. Chúng tôi có chính sách đánh giá cho điểm quản trị công ty và ESG tại các doanh nghiệp với các mức độ như xấu, tương đối tốt và tốt. Chúng tôi đã xây dựng một bộ chỉ số đánh giá quản trị công ty cho riêng mình.
Trong đó, có những trọng số cao như quyền của cổ đông chiếm 35%, đối xử công bằng giữa các cổ đông chiếm 20%, giao dịch với các bên có liên quan chiếm 5%, công bố thông tin minh bạch chiếm 30%... Thường có 5 tiêu chí lớn để đánh giá quản trị công ty.
Bảng tổng hợp các tiêu chí này sẽ cho ra tổng số điểm ở doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đạt dưới 55% sẽ xếp vào nhóm có rủi ro cao, từ 55 - 75% thuộc nhóm bình thường, còn lại là nhóm có rủi ro thấp. Nhóm rủi ro thấp thường là các công ty có quản trị công ty tốt.
Trước khi đầu tư, chúng tôi tiến hành chấm điểm. Sau khi đầu tư, cứ 6 tháng, chúng tôi đánh giá một lần, công ty nào có điểm thấp sẽ được bộ phận đầu tư đánh dấu lại, từ đó quỹ đầu tư có các chương trình tác động để doanh nghiệp có những thay đổi, đi đúng hướng và áp dụng các thông lệ tốt nhằm cải thiện hoạt động và hiệu quả kinh doanh.
Quan trọng là tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp
Ông Hubert Kim, Tổng giám đốc Asam Việt Nam, chuyên quản lý vốn cho nhà đầu tư Hàn Quốc
Các nhà đầu tư Hàn Quốc rất chuộng thị trường Việt Nam do tính ổn định của môi trường vĩ mô và tiềm năng tăng trưởng có thể cải thiện của doanh nghiệp. Mới đây, chúng tôi đã đầu tư 200 tỷ đồng trái phiếu (có thể chuyển đổi) vào Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG. Doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng 10%/năm từ nay đến năm 2020, nhưng theo khảo sát của Asam, doanh nghiệp này có khả năng tăng trưởng khoảng 20%/năm trong các năm tới.
Tổng lượng vốn mà Asam quản lý đạt khoảng 1 tỷ USD. Hiện các khách hàng của Asam có kế hoạch chuyển đổi sang đầu tư 1/3 số vốn trên vào TTCK Việt Nam. Những lĩnh vực mà Công ty quan tâm gồm các ngành sản xuất cơ bản, hàng tiêu dùng, loại trừ hoặc xem xét kỹ bất động sản do chưa đáp ứng yêu cầu về tính minh bạch đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc. Ngoài khoản đầu tư vào TNG, Asam dự kiến trong 1 năm tới sẽ giải ngân ít nhất 300 triệu USD vào thị trường Việt Nam, với khoảng 6 thương vụ đầu tư.
Với hàng chục năm kinh nghiệm ở các thị trường châu Á, Asam tin tưởng, sẽ không gặp trở ngại nào đáng kể khi bỏ vốn vào thị trường Việt Nam.
Không cần sở hữu đa số, chỉ cần lợi nhuận cao
Ông Peter T.Meyer, Tổng giám đốc Lodgis Hospitality Holding, thuộc danh mục đầu tư của Warburg Pincus
Warburg Pincus có mặt khắp châu Á và đang hoạt động tích cực tại Việt Nam. Tại Trung Quốc, chúng tôi có mặt từ năm 1994 với vốn đầu tư cho đến nay là hơn 8 tỷ USD, hơn 100 công ty được rót vốn đầu tư và hiện tại danh mục có 53 công ty. Tại Ấn Độ, trong cùng thời gian đó, Quỹ quyết định rót vốn đầu tư và cho đến nay, hơn 4 tỷ USD đã được rót vào đây, với hơn 50 công ty được rót vốn, hiện danh mục còn 16 doanh nghiệp.
Chúng tôi quyết định đầu tư vào Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam từ năm 2013, hiện tại, số vốn đạt hơn 1,5 tỷ USD và có 8 công ty được rót vốn. Đây là những công ty ở Việt Nam, Indonesia và Singapore. Các khoản đầu tư của chúng tôi tập trung vào lĩnh vực bất động sản, năng lượng, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng, dịch vụ công nghiệp và kinh doanh công nghệ - truyền thông - viễn thông.
Quan điểm của Warburg Pincus là Quỹ không cần sở hữu đa số, mà chỉ tập trung vào tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong giai đoạn ban đầu, dự đoán trước hoạt động kinh doanh số phát triển mạnh sẽ đem lại lợi nhuận cho Quỹ, nhờ đội ngũ chuyên gia tại địa phương với sự thấu hiểu sâu sắc doanh nghiệp và cơ chế thị trường.
Hiện quy mô của Quỹ đạt trên 60 tỷ USD, đầu tư xấp xỉ 800 công ty tại hơn 40 quốc gia.
Phát triển bền vững là một trong những yêu cầu tối thiểu
Ông Vũ Quang Thịnh, CEO Dynam Capital, Công ty Quản lý quỹ của Vietnam Holding
Một doanh nghiệp tốt phải có sản phẩm tốt trong một ngành đang tăng trưởng. Khi tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhà đầu tư sẽ đặt ra những câu hỏi như tỷ lệ tăng trưởng của ngành, vị thế của công ty trong chuỗi giá trị sản phẩm/ngành, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận, biên lợi nhuận, cách thức tổ chức kênh phân phối/logistic. Theo đó, doanh nghiệp sở hữu sản phẩm được ưa chuộng và xây dựng một chiến lược sản phẩm/thị trường rõ ràng với tầm nhìn dài hạn luôn được đánh giá cao.
Yếu tố không thể thiếu của một doanh nghiệp tốt là có đội ngũ quản lý và hệ thống tốt. Đội ngũ quản lý tốt là những người lãnh đạo am hiểu thị trường, sản phẩm, khách hàng, có tầm nhìn dài hạn, tâm huyết, trung thực, cởi mở, biết lắng nghe. Đây cũng là những người quản lý gắn bó, năng động, ham học hỏi, áp dụng những công cụ quản lý tiên tiến phù hợp để quản lý các hệ thống vận hành của doanh nghiệp.
Thực tế, có những doanh nghiệp cởi mở, tâm huyết, hết lòng mời mọc nhà đầu tư. Nhưng cũng có những doanh nghiệp mà muốn tiếp cận, chúng tôi phải sử dụng nhiều mối quan hệ khác, thậm chí việc xin thông tin cũng rất khó khăn. Thông thường, nhà đầu tư thấy doanh nghiệp thiếu minh bạch thì sẽ rút lui, bởi họ cho rằng, có quá nhiều rủi ro.
Đáng chú ý, phát triển bền vững (ESG) đang là xu hướng lớn và trở thành một trong những yêu cầu tối thiểu của các nhà đầu tư có trách nhiệm. 10 năm trước, chỉ 200 quỹ đầu tư cam kết coi ESG là yếu tố ưu tiên để đưa ra quyết định đầu tư. Hiện tại, con số này đã lên tới hàng chục nghìn quỹ, với quy mô đầu tư hàng tỷ USD. Chúng tôi có đầu tư vào một doanh nghiệp, khi nhận được thông tin về việc phá rừng, chúng tôi đã gọi điện tới đặt vấn đề liệu công ty có giải pháp nào cho câu chuyện này không? Họ trả lời rằng, không có giải pháp nào, ngay lập tức, Hội đồng đầu tư của chúng tôi đã ra quyết định bán.
ESG được quan tâm trên các khía cạnh: E (môi trường) - doanh nghiệp cần có chính sách và thực tiễn quản lý ở mức chấp nhận được trong quản lý nước thải, rác thải và khí thải, tối thiểu đạt các yêu cầu của pháp luật Việt Nam và hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế; S (trách nhiệm xã hội) - các chính sách và hoạt động liên quan đến người lao động và cộng đồng; G (quản trị công ty) - các chính sách và thực tiễn về quản trị công ty, bao gồm cơ cấu hội đồng quản trị, các thông lệ về báo cáo và công bố thông tin, các hoạt động quan hệ với nhà đầu tư. Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm rất nhiều để cải thiện thực tiễn ESG.