TS. Nguyễn Đình Cung

TS. Nguyễn Đình Cung

DNNN, sẽ không thể “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

(ĐTCK) “Đề án đổi mới quản trị DN theo thông lệ kinh tế thị trường mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, với nhiều tư tưởng mớitheo thông lệ quốc tế, là bước đi dài trong cải cách DNNN".

TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận khi trao đổi với ĐTCK.

Đâu là những điểm mới trong Đề án, mà theo đó ông cho rằng, đã tạo ra “bước tiến dài” trong tiến trình cải cách DNNN?

Sở dĩ nói việc Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tạo ra “bước tiến dài” trong cải cách DNNN là bởi văn bản này thể hiện nhiều tư tưởng mới, đặt nền móng cho cải cách DNNN đi vào những vấn đề có tính cốt lõi, hệ thống. Trong đó, Đề án đưa ra một loạt giải pháp về công bố thông tin, cải cách quản trị DN…, để buộc DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước phải hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn. Mức độ đóng góp cho an sinh xã hội hay ổn định kinh tế vĩ mô của các DN này được “hạch toán” rõ ràng, để đánh giá xác thực hiệu quả kinh doanh, chứ không lẫn lộn giữa hoạt động công ích và nhiệm vụ kinh doanh như hiện tại. Đề án còn tạo ra thay đổi căn bản, có tính hệ thống về khung quản trị DNNN, chứ không phải là những thay đổi cắt khúc, đơn lẻ như trước. Ngoài ra, Đề án đưa ra những nội dung cụ thể, nhằm làm thay đổi cách ứng xử giữa các đối tượng liên quan, từ đại diện chủ sở hữu đến ban điều hành DN, ban kiểm soát…

 

Để nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của DNNN, nhất là các TĐ, TCT, Đề án buộc các DN này ngoài việc định kỳ công bố thông tin (CBTT), còn phải CBTT bất thường tương tự như DN niêm yết trên TTCK. Tính khả thi của những quy định này đến đâu, thưa ông?

Để bước cải cách này đảm bảo tính khả thi cao, Đề án yêu cầu trong quý III/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế CBTT về hoạt động của các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Quy chế cần được xây dựng theo hướng chi tiết các loại thông tin mà DNNN, đặc biệt là các TĐ, TCT phải công bố, với các chuẩn mực tương tự như DN niêm yết trên TTCK. Trong đó, ngoài việc phải công bố báo cáo thường niên, báo cáo tài chính quý, DNNN còn phải công bố các thông tin bất thường như: biến động nhân sự cấp cao, quyết định đầu tư lớn, các thay đổi chính sách tác động lớn đến ngành nghề và hiệu quả hoạt động của DN…

 

Một nội dung đáng chú ý trong Đề án là chủ tịch HĐTV DNNN không được kiêm nhiệm chức danh tổng giám đốc, giám đốc. Điều này tạo ra thay đổi gì trong đổi mới quản trị DNNN, thưa ông?

Đây là thông lệ quản trị DN tốt của thế giới và sẽ được áp dụng phổ biến tại nước ta trong thời gian tới. Việc tách bạch này sẽ tránh được tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong hoạt động quản lý, giám sát DNNN. Cơ chế này đảm bảo cho chủ tịch HĐTV với tư cách là đại diện cho chủ sở hữu thuận lợi hơn trong giám sát hoạt động điều hành của tổng giám đốc, giám đốc. Chủ tịch HĐTV thực hiện chức năng chính là giám sát nhiều hơn, qua đó tránh lẫn lộn giữa giám sát và quản lý như hiện tại. Để cơ chế giám sát ban điều hành DN đi vào thực chất, Đề án trao cho HĐTV và chủ tịch HĐTV tại các DNNN có toàn quyền chọn và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn, bổ nhiệm và miễn nhiệm tổng giám đốc, giám đốc… Khi đó, vai trò điều hành được phân định rạch ròi hơn cho tổng giám đốc, giám đốc.

 

Thực tế, ban kiểm soát tại nhiều DNNN hoạt động không hiệu quả, nặng tính hình thức. Theo ông, muốn cải thiện tình trạng này cần làm gì để đáp ứng yêu cầu của Đề án là tạo điều kiện để kiểm soát viên hoạt động thực sự độc lập, trở thành cơ quan giám sát của chủ sở hữu tại DN?

Thực hiện Đề án, quý IV/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản trị công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Để tạo thay đổi về chất trong hoạt động giám sát DN như Đề án hướng đến, thì ban kiểm soát phải do chủ sở hữu bổ nhiệm, nhằm đảm bảo hoàn toàn độc lập với hoạt động điều hành và quản lý DN. Nếu chủ sở hữu tại DNNN là một bộ, thì bộ đó bổ nhiệm thành viên ban kiểm soát, đồng thời quyết định cơ chế trả lương, thưởng cho các thành viên này. Họ không phải là người thừa hành chỉ đạo của ban điều hành DN, càng không phải là người nói hay thì được trọng dụng, phê bình trái tai thì bị ban điều hành ghét bỏ, thậm chí trù úm. Nếu cần, ban kiểm soát chỉ trao đổi, tham vấn với ban điều hành DN trong việc kết luận hoạt động giám sát hoặc công bố kết quả giám sát tại DN, chứ không có nghĩa vụ “phục vụ” ban điều hành DN. Thành viên ban kiểm soát chỉ có nghĩa vụ báo cáo hoạt động giám sát cho chủ sở hữu, đồng thời có quyền công bố rộng rãi kết quả giám sát DN, qua đó tạo sức ép thay đổi quản trị DNNN.