Công ty Goldleaf Jewelry Co. sẽ dùng nguồn tiền từ một vụ phát hành riêng lẻ với giá trị kỳ vọng lên tới 5,69 tỷ CNY (937,9 triệu USD) để thực hiện thương vụ. Vụ phát hành riêng lẻ này chỉ có chưa đầy 10 nhà đầu tư tham gia, công ty này tiết lộ trong một văn bản gửi tới Sở giao dịch Thâm Quyến hôm thứ Hai. Sau giao dịch, Goldleaf sẽ nắm giữ 95% cổ phần hãng năng lượng ERG Resources LLC.
Theo báo cáo, Goldleaf đạt 127 triệu CNY (20,9 triệu USD) lợi nhuận ròng trong 3 quý đầu năm 2013, doanh thu đạt khoảng 6,25 tỷ CNY.
Giám đốc tài chính của ERG Kelly Plato cho biết, thương vụ sẽ đem lại nguồn tiền để giúp Công ty tăng trưởng, và Công ty sẽ vẫn duy trì bộ máy lãnh đạo hiện tại. Ông này từ chối trả lời về việc, liệu thương vụ này có buộc phải được sự cho phép của cơ quan quản lý Mỹ hay không, khi mà đây là thủ tục pháp lý đối với các thương vụ có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia?
Tài sản chính yếu nhất của ERG hiện tại chính là việc đang là đơn vị nhượng quyền sản xuất dầu ở Calif. ERG cũng từng hoạt động mạnh tại bờ biển Gulf of Mexico tại bang Texas và Louisiana, nhưng sau đó đã bán lại phần lớn tài sản ở đây vào năm 2011 - số tài sản này bao gồm một số mỏ dầu ngoài khơi.
“Bằng việc giữ được một vị trí ở mỏ dầu tại California và Texas oil fields, Goldleaf từ chỗ ‘quá tập trung’ vào ngành kinh doanh vàng bạc đá quý, giờ đây có thể đa dạng hóa ngành nghề”, công ty này tuyên bố.
Thương vụ diễn ra khi hoạt động sản xuất dầu thô và khí đá phiến của Mỹ đang tăng cao, giảm đi sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn dầu ở nước ngoài. Điều này đã gây áp lực khiến giá dầu khí giảm trong những năm gần đây, mặc dù nhu cầu tiêu thụ dầu đã hồi phục lại nhờ vào sự hồi phục của kinh tế toàn cầu.
Cùng lúc đó, các công ty Trung Quốc, do Nhà nước quản lý, đã tăng cường đầu tư hơn vào ngành năng lượng. Cụ thể, năm ngoái, các công ty Trung Quốc đã mua lại khoảng 37,4 tỷ USD cổ phần của các hãng dầu khí ở ngoài lãnh thổ nước này, theo hãng cung cấp số liệu Dealogic, cao hơn gấp đôi tổng giá trị thực hiện trong năm 2012.
“Trong năm 2013, những hãng này đã không thể tạo ra nhiều lợi nhuận, bởi họ không thể chuyển chi phí cao sang cho người tiêu thụ cuối cùng, trong khi giá của vàng và đá quý gắn chặt với giá thị trường vàng toàn cầu”, Jiang Shu, chuyên viên phân tích cao cấp của Industrial Bank nhận xét.
“Các nhà chế tác đá quý Trung Quốc như Goldleaf đã vừa trải qua một năm không thuận lợi”, ông Jiang nhận xét và phân tích, các công ty mua một lượng lớn vàng hồi đầu năm ngoái khi giá vàng đang cao hơn mức 1.600 USD/ounce rất nhiều, nhưng sau đó giá đã tụt xuống chỉ còn 1.300 - 1.400 USD/ounce. Và “họ đã thua lỗ”.
Các chuyên gia phân tích nhận xét rằng, việc Goldleaf, doanh nghiệp đang đặt trụ sở tại tỉnh Tây Bắc Trung Quốc - Hắc Long Giang, sẽ thu được lợi ích gì từ thương vụ ERG vẫn chưa rõ ràng.
“Việc muốn có một phần nhỏ trong ngành kinh doanh dầu khí là có thể hiểu được”, Sang Yongliang, một chuyên viên tại Guotai Junan Securities nhận xét. “Nhưng sở hữu đến tận 95%, tôi nghi ngờ về việc một hãng chế tác vàng bạc đá quý sẽ có năng lực để điều hành các mỏ dầu và khí ở Mỹ”.
ERG đến nay đã mua và phát triển các mỏ ở Texas, California và Louisiana. Một đơn vị liên kết của một ngân hàng ở bang Texas hồi tháng này đã cho biết, sẽ cấp cho ERG một khoản tín dụng lên tới 450 triệu USD để tái cấu trúc lại các khoản nợ và phát triển tiếp một mỏ dầu ở Nam California.