DN tìm cớ loại cổ đông “lắm chuyện”

DN tìm cớ loại cổ đông “lắm chuyện”

(ĐTCK) Những cổ đông dạng này luôn có khả năng gây ra sự “khó chịu” cho ban điều hành DN, nhất là với các DN có tâm lý “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”.

> Khi cổ đông lớn bất đồng 

 

Trong giai đoạn nền kinh tế phát triển tốt, nhiều DN kinh doanh dễ dàng, đua nhau lên sàn, dễ dàng công bố thông tin (vì hầu như đều là tin tốt), đánh bóng hình ảnh để có thể phát hành tăng vốn, thu hút tiền bạc của nhà đầu tư. Cổ đông được chiều chuộng y như thượng khách, những cuộc tự giới thiệu (roadshow) hoành tráng được tổ chức ở cả hai đầu Nam - Bắc trong những khách sạn sang trọng. Lãnh đạo DN luôn sẵn lòng chào đón, giải đáp khi cổ đông muốn tìm hiểu thông tin.

Giờ đây khi kinh tế khó khăn, TTCK và hoạt động của DN ảm đạm kéo dài, DN hờ hững với cổ đông, thậm chí tìm nhiều cách “giúp” cổ đông khỏi phải tham dự ĐHCĐ, đồng thời nghĩ ra rất nhiều chiêu để “cắt giảm” nghĩa vụ công bố thông tin.

CTCP Khoáng sản Khánh Hòa (Minexco) mới đây công bố không còn là công ty đại chúng, bởi lượng cổ đông đã giảm xuống dưới 100 từ con số 200 cổ đông vào thời điểm cổ phần hóa 7 năm trước. Do đó, sẽ không phải thực hiện một số nghĩa vụ của công ty đại chúng như công bố báo cáo kiểm toán, BCTC năm…

DN tìm cớ loại cổ đông “lắm chuyện” ảnh 1

Các cổ đông hiểu biết luôn có khả năng gây ra sự "khó chịu" cho ban điều hành DN - Ảnh: Hoài Nam

Rất khó để biết ai đã thực hiện mua gom cổ phần của Minexco, bởi với công ty chưa niêm yết hay đăng ký giao dịch, danh sách cổ đông chỉ có ban lãnh đạo DN đó hoặc CTCK được thuê quản lý sổ cổ đông biết. Hơn nữa, dù Khoản 3, Điều 98, Luật Doanh nghiệp về danh sách cổ đông và Điều 79 về quyền cổ đông đều có quy định, cổ đông có quyền kiểm tra, tra cứu, trích lục và sao danh sách cổ đông, nhưng thực tế đề nghị được cung cấp danh sách này thường bị từ chối. Do đó, dù công ty công bố không còn là công ty đại chúng thì cổ đông và các bên có liên quan cũng rất khó có điều kiện để xác minh thực hư. Như một cổ đông đã từng chia sẻ với ĐTCK, “đại chúng hay không đại chúng chỉ có ban lãnh đạo DN biết mà thôi”.

Nghi vấn này không phải không có lý khi xét trường hợp của CTCP Tư vấn dịch vụ công nghệ tài nguyên (Tecos). Trước đó, khi ĐTCK tìm hiểu về hoạt động của một số DN đại chúng và nghĩa vụ công bố thông tin của các đơn vị này thì được cho biết, Công ty không còn là công ty đại chúng với lý do lượng cổ đông giảm về dưới 100 người. Tuy nhiên, sau đó vào ĐHCĐ thường niên năm 2012, theo phản ánh của cổ đông, danh sách cổ đông dự họp ghi trên bàn đăng ký cho thấy, lượng cổ đông thực tế vượt 100 người.

Có lẽ không khó hiểu khi DN tìm cách né trách nhiệm của “công ty đại chúng” trong giai đoạn hoạt động khó khăn. Ghi nhận từ thực tế tham dự ĐHCĐ của phóng viên ĐTCK cho thấy, tại một số đại hội, nhiều cổ đông “bên ngoài”, nhất là nhà đầu tư có kinh nghiệm, có hiểu biết nhất định về pháp luật sẽ có những chất vấn rất “gai góc”, đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm và luôn yêu cầu DN thực hiện nghiêm các nghĩa vụ công bố thông tin như: công bố BCTC có kiểm toán, có kèm theo thuyết minh BCTC, công bố báo cáo kiểm toán… Những cổ đông dạng này luôn có khả năng gây ra sự “khó chịu” cho ban điều hành DN, nhất là với các DN có tâm lý ‘tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”.

Một cổ đông “đặc biệt” khác, nhiều trường hợp cũng không được chào đón, đó là cổ đông nhà nước. Tại một DN hàng đầu trong ngành hội chợ, quảng cáo (đang giao dịch trên sàn UPCoM), sau cổ phần hóa và tăng vốn điều lệ, DN chỉ có vốn hơn 10 tỷ đồng nhưng lại có trụ sở trên khu đất vài trăm m2 ngay tại Đinh Lễ, một con phố đắc địa nằm sát Hồ Gươm. Việc thoái vốn và mua lại cổ phiếu từ cổ đông nhà nước mà đại diện là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) của công ty này khiến giới đầu tư quan tâm. Trước đó, SCIC đã thực hiện việc thoái một phần vốn vào sát Tết Nguyên đán năm 2012 ở mức giá 34.000 đồng/CP. Còn lại 41.910 cổ phần thuộc sở hữu của SCIC, công ty này muốn sử dụng nguồn thặng dư vốn để mua nốt với giá 34.000 đồng làm cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, ở mức giá 34.000 đồng/CP, các cổ đông khác đã phản đối, vì thị giá cổ phiếu này trên UPCoM thấp hơn nhiều. Nếu Công ty mua với giá trên, họ cũng muốn bán. Sau đó, phương án mua cổ phiếu quỹ này đã phải dừng lại.

Tại ĐHCĐ năm nay, Ban lãnh đạo công ty một lần nữa bày tỏ quyết tâm muốn “ông” Nhà nước thoái nốt vốn cho đỡ “phức tạp”, bởi cổ đông nhà nước tuy sở hữu số lượng cổ phần không lớn, nhưng lại có rất nhiều yêu cầu, quy định, quy tắc, báo cáo… mà DN phải tuân thủ. Đến tháng 6 vừa qua, SCIC đã thông báo thoái hết vốn tại công ty này trong thời gian từ 10/6 đến ngày 9/7/2013. Đến nay, theo kết quả mà Sở GDCK Hà Nội cập nhật đến trưa 11/7/2013 thì có tới 32.000 cổ phần trong số 41.910 cổ phần thuộc sở hữu SCIC được bán theo phương thức thỏa thuận cho 7 cá nhân thuộc ban lãnh đạo, điều hành Công ty như Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, Kế toán trưởng…