DN thua lỗ sắp “tắc đường” tái cơ cấu vốn

DN thua lỗ sắp “tắc đường” tái cơ cấu vốn

(ĐTCK-online) Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm này, có khoảng hơn 80 công ty niêm yết có kết quả kinh doanh lũy kế tính đến hết quý III/2011 bị lỗ. Bên cạnh đó, có khá nhiều công ty mặc dù các năm gần đây có lãi, nhưng lũy kế lợi nhuận chưa phân phối là con số âm, tức không đủ điều kiện phát hành chứng khoán ra công chúng.

Một thắc mắc mới phát sinh là, thời gian gần đây, BCTC được lấy làm căn cứ xem xét chi trả cổ tức hoặc được phép giao dịch ký quỹ là BCTC hợp nhất. Như vậy, BCTC làm căn cứ xem xét có được chào bán chứng khoán ra công chúng, trái phiếu riêng lẻ sẽ là BCTC riêng lẻ hay hợp nhất?

Chào bán ra công chúng: khó

Hoạt động tăng vốn của DN được thực hiện chủ yếu bằng 2 con đường: thông qua chào bán chứng khoán riêng lẻ hoặc phát hành ra công chúng. Với những DN có kết quả kinh doanh kém khả quan, việc chào bán ra công chúng giai đoạn này rất khó thành công.

Với những công ty có lỗ năm tài chính liền trước, theo quy định hiện tại, hướng huy động vốn bằng chào bán chứng khoán ra công chúng coi như tắc. Tuy nhiên, ngay cả những DN có kết quả kinh doanh lãi thì huy động vốn bằng cách này cũng không hề đơn giản. Diễn biến trên sàn niêm yết cho thấy, hầu hết các mã có thị giá trên mệnh giá đều có xu hướng giảm trước đợt chốt quyền tăng vốn, do NĐT có tâm lý bán để tránh "được" nhận quyền mua.

Bên cạnh đó là yếu tố thị giá. Khi giá cổ phiếu đang giao dịch ở mức 7.000 - 8.000 đồng/CP thì chẳng có lý do gì NĐT phải nộp thêm tiền để mua với giá 10.000 đồng/CP. Điển hình là trường hợp của CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (THV), với mức giá hiện tại chỉ 5.400 đồng/CP, thanh khoản mỗi phiên thậm chí lên tới trên 1 triệu cổ phiếu, liệu có bao nhiêu NĐT sẵn sàng chấp nhận mua giá 10.000 đồng/CP trong đợt phát hành tăng vốn sắp tới của DN này?

Hoạt động chào bán trái phiếu ra công chúng lúc này còn khó khăn hơn do sự thờ ơ của các NĐT. Chia sẻ với ĐTCK, giám đốc bộ phận tư vấn của một CTCK cho rằng, anh không quan tâm đến tình hình chào bán trái phiếu ra công chúng của DN, bởi chỉ có vài DN thực hiện và trên thực tế cũng chẳng có nhiều kết quả. Hình thức trái phiếu DN chào bán ra công chúng được sử dụng nhiều nhất đến lúc này là phát hành trái phiếu chuyển đổi (có trường hợp là trái phiếu kèm chứng quyền), nhưng chủ yếu là bán cho cổ đông hiện hữu của DN và cũng chỉ phổ biến trong khoảng… 2 năm trở về trước. Thời gian vừa qua, chỉ có một vài ngân hàng áp dụng thành công hình thức này. Với những DN thua lỗ, cửa phát hành chứng khoán chào bán ra công chúng có thể sẽ được mở, nếu dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung được thông qua, với những quy định giống như dự thảo công bố gần nhất, tức là cho phép DN thua lỗ được chào bán ra công chúng. Tuy nhiên, đến giờ này vẫn chưa biết đến bao giờ Nghị định được ban hành với các nội dung cụ thể ra sao.

 

Chào bán riêng lẻ: thách thức

Hiện tại, có sự khác biệt trong quy định về điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ và điều kiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Với trường hợp chào bán cổ phiếu riêng lẻ, công ty có thể lỗ hoặc lãi ở năm tài chính liền trước, nên điều quan trọng nhất với DN là tìm được đối tác sẵn sàng mua. Nếu trước năm 2010, phát hành cổ phiếu riêng lẻ là hướng đi hợp lý với những DN có kết quả kinh doanh thua kém, thì nay việc này trở nên khó khăn, khi Nghị định 01/2010/NĐ-TTg về chào bán cổ phần riêng lẻ lại yêu cầu hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu phát hành dạng này tối thiểu 1 năm. Kể từ thời điểm quy định trên có hiệu lực, tần suất và khối lượng các đợt phát hành riêng lẻ đã giảm đi đáng kể.

Đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ, quy định tại Nghị định 52/2006/NĐ-CP về phát hành trái phiếu DN, áp dụng đối với việc DN chào bán trái phiếu riêng lẻ yêu cầu, DN muốn chào bán trái phiếu riêng lẻ phải có lãi năm tài chính liền trước. Tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP mới ban hành ngày 14/10/2011, tinh thần trên cũng được nhắc lại, kèm theo yêu cầu phải có BCTC kiểm toán năm được chấp thuận toàn phần, đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của luật chuyên ngành. Nếu DN phát hành trước ngày 1/4 của năm tài chính sau đó, thì phải có BCTC của năm trước có lãi, BCTC quý gần nhất có lãi…

Với quy định này, những DN bị lỗ coi như bị tắc đường huy động nợ bằng trái phiếu, huy động vốn chủ bằng phát hành ra công chúng cũng tạm thời bị tắc, còn chào bán cổ phiếu riêng lẻ thì… mò mẫm may rủi.

 

Thua lỗ: tái cơ cấu bằng cách nào?

Trở lại với bài toán, khi DN thua lỗ, cách nào để tái cơ cấu? Không thể huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu, trái phiếu, DN chỉ còn kênh tiếp cận ngân hàng. Nhưng với tình trạng hàng loạt DN đua nhau phát hành trái phiếu với mức lãi suất thậm chí trên 20%/năm vì khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, thì cửa cho những DN thua lỗ tiếp cận vốn ngân hàng càng hẹp.

Chủ tịch HĐQT một DN niêm yết trên HOSE đang hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng và bất động sản cho biết, ông đang đau đầu với bài toán huy động vốn cho năm sau. Đầu năm 2011, công ty này thậm chí còn chủ trương ngừng hoạt động để tiết kiệm chi phí. "Do các dự án bất động sản mới xong khâu thủ tục, nên chúng tôi chủ trương chờ khi nào thị trường tốt mới bắt đầu triển khai đầu tư thêm, vừa tránh tồn vốn, vừa giảm thiểu nguy cơ lỗ", vị này cho biết và nói thêm, nếu tiếp tục đầu tư, công ty có nguy cơ lỗ khoảng trên 20 tỷ đồng trong năm nay, nhưng nếu co lại thì công ty chỉ lỗ khoảng 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề là nếu không đầu tư thì câu chuyện năm 2011 có nguy cơ lặp lại trong năm sau…

Trong bối cảnh năm 2012 cần khoảng 300 - 400 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư, vị chủ tịch này cho hay, Công ty tạm thời chưa nghĩ ra hướng giải quyết. Phát hành cổ phiếu ra công chúng hay trái phiếu đều không đủ điều kiện, phát hành riêng lẻ thì chưa có đối tác, vả lại công ty cũng không muốn phình quá to vốn chủ. Trong khi đó, tiếp cận vốn vay ngân hàng không hề đơn giản, nhất là công ty lại đầu tư vào dự án bất động sản. DN nói trên chỉ là một trường hợp. Trở lại ví dụ của Tập đoàn Thái Hòa, với việc "lệch" cơ cấu vốn khoảng 400 tỷ đồng vì đã trót giải ngân đầu tư cho dự án mở rộng trồng cây cà phê, Thái Hòa rõ ràng đứng trước thách thức rất lớn, nếu như Tập đoàn không thể huy động vốn năm nay. Lý do là, 6 tháng đầu năm nay, Thái Hòa đã lỗ gần 30 tỷ đồng, trong khi vẫn đang "cõng" khoản nợ hơn 700 tỷ đồng. Đến thời điểm này, vẫn chưa hình dung tương lai của Thái Hòa sẽ đi về đâu, nếu đợt phát hành huy động vốn thất bại.

Nhiều ý kiến cho rằng, tái cơ cấu DN lúc này, tốt hơn cả là bán dự án, thay đổi hoạt động, tiết kiệm chi phí… để có được cơ cấu hoạt động tối ưu, tránh được rủi ro. Nhưng nếu đặt trường hợp như của DN niêm yết trên HOSE nói trên, hay Thái Hòa ở năm 2012 nếu đợt phát hành sắp tới không thành công, thì cơ hội tái cơ cấu nào sẽ đến với họ? Có thể nói, những quy định quá chặt trong việc tìm đối tác góp vốn bằng hoạt động phát hành trái phiếu, cổ phiếu đang góp phần đẩy các DN thua lỗ vào tình thế phải "bán mình" qua các công cụ M&A.