DN phải làm gì để cứu giá?

DN phải làm gì để cứu giá?

(ĐTCK) TTCK suy giảm kéo dài khiến giá nhiều cổ phiếu rơi xuống mức thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách của DN, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường và vào cả Ban lãnh đạo DN. Nhưng DN phải làm gì để ứng phó với hiện trạng này là một bài toán không dễ giải.

Ngoại trừ một vài mã cổ phiếu vẫn giữ được mức giá ổn định, bất chấp thị trường suy thoái như VNM, GAS…, đa số cổ phiếu còn lại đều bị rơi xuống một mặt bằng giá thấp, dao động từ 20% đến 50% so với thời điểm đầu năm 2012. Nhiều DN có kết quả kinh doanh tốt, nhưng giá vẫn bị giảm mạnh. Trao đổi với ĐTCK, bà Ngô Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (RAL) cho biết, hoạt động kinh doanh của RAL khá ổn định, lợi nhuận duy trì được mức tăng trưởng như các năm, nhưng giá cổ phiếu RAL không “bứt phá” được khỏi xu hướng giảm chung. Theo bà Thanh, ngoài các giá trị nội tại của DN, giá cổ phiếu đang phải chịu nhiều yếu tố khách quan như kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định…, nằm ngoài khả năng kiểm soát của lãnh đạo Công ty. Tuy nhiên, quan điểm của RAL là TTCK càng khó khăn, càng phải làm tốt công tác kinh doanh, đó cũng là một cách hiệu quả để giữ giá cổ phiếu.

DN phải làm gì để cứu giá? ảnh 1

“Giá cổ phiếu có giảm thì cũng sẽ có lúc tăng. Nếu DN kinh doanh tốt, ổn định và có tiềm năng thì nhà đầu tư sẽ đánh giá cao hơn về nỗ lực của DN, sẽ có lúc giá cổ phiếu trở về đúng giá trị của nó”, bà Thanh nói.

Một số DN ngành dược hoạt động khá hiệu quả như CTCP Traphaco (TRA), CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) cũng chịu cảnh giá cổ phiếu giảm mạnh, giảm đến mức thấp hơn cả giá trị sổ sách. Theo lãnh đạo các DN, việc giảm giá là do tình hình ảm đạm chung của thị trường, chứ không xuất phát từ kết quả kinh doanh vẫn ổn định ở mức cao của DN. Lãnh đạo IMP chia sẻ, hiện nay, cổ phiếu của Công ty đã hết room cho nhà đầu tư ngoại, bản thân các quỹ đầu tư cũng muốn giữ cổ phiếu, không muốn bán, trong khi đối tượng mua thì muốn “canh” thời điểm giá xuống mới mua, nên thực tế này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tính thanh khoản của IMP trên TTCK.

Nhiều DN nhìn thấy giá cổ phiếu đang “rơi rụng” từng ngày, nhưng… bất lực. Chia sẻ với ĐTCK, lãnh đạo một DN lớn nói rằng: “Liệu chúng tôi có thể làm được gì để cứu giá? Giá cổ phiếu là do thị trường định đoạt, bản thân DN chỉ biết tập trung sản xuất - kinh doanh ổn định, cân đối được dòng tiền, nếu phải lo thêm gánh nặng giữ giá cổ phiếu nữa thì chúng tôi đành chịu, chắc phải tính việc rời sàn mất thôi”.

Một số công ty muốn tác động trực tiếp đến giá thông qua việc mua cổ phiếu quỹ, nhưng tỷ lệ mua hiện bị khống chế và đặc biệt là phụ thuộc vào nguồn tiền nhàn rỗi của DN. Ông Trần Trọng Hiếu, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư tài chính quốc tế và Phát triển doanh nghiệp IDJ (IDJ), nơi có cổ phiếu IDJ đang giao dịch ở giá 3.200 đồng/CP, chỉ bằng 1/3 giá trị sổ sách cho biết, sau nhiều lần họp bàn, Ban lãnh đạo Công ty quyết định các cổ đông lớn phải đứng ra mua vào để đưa giá về mức hợp lý hơn. Lý do được IDJ thuyết phục cổ đông lớn là các cổ đông lớn hiểu DN nhất, nên cần chung tay giúp cổ phiếu được đánh giá đúng. Bản thân Công ty IDJ, dù có muốn cũng không thể mua cổ phiếu quỹ, vì năm 2011, Công ty bị lỗ (lỗ hơn 11 tỷ đồng), nên theo Luật không được thực hiện nghiệp vụ này. Lãnh đạo IDJ khẳng định, năm 2012, lợi nhuận của Công ty sẽ là con số dương.

Ngoài các lãnh đạo DN xót xa với hiện trạng giá cổ phiếu bị định giá quá thấp và nỗ lực kinh doanh để hy vọng được định giá đúng trong tương lai, thì vẫn có hiện tượng, một số DN hợp tác ngầm với CTCK hay một số nhà đầu tư VIP để “mua tay này, bán tay kia”, vừa tạo thanh khoản, vừa giữ giá cổ phiếu.