Đó là yêu cầu của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) vừa qua.
Cho rằng hoạt động của ngành hải quan không chỉ tác động lớn đến nguồn thu ngân sách, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận xét, sức cạnh tranh của DN nói riêng và cả nền kinh tế nói chung phụ thuộc rất nhiều vào chính sách, cơ chế thực thi thuế quan.
Thông quan chậm, hàng hóa giảm chất lượng, thủ tục hành chính rườm rà, thậm chí nhũng nhiễu… là những tồn tại của hoạt động hải quan, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Tại một hội thảo được tổ chức trong tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra rằng, thuế và hải quan là hai trong những ngành có nguy cơ tham nhũng cao nhất với 63% DN được hỏi cho biết, họ phải bỏ ra những khoản phí không chính thức để công việc giải quyết nhanh chóng hơn.
Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, việc sửa Luật Hải quan cần hướng đến mục tiêu cốt lõi là giải quyết vấn đề này.
Dự thảo Luật quy định, hải quan Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hoá, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; thống kê hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu...
Theo đại biểu Nghĩa, quy định về nhiệm vụ của ngành hải quan như trên là chưa rõ ràng, chung chung, còn lẫn lộn giữa nhiệm vụ và biện pháp, kiểm tra giám sát là biện pháp, chứ không thể là nhiệm vụ của hải quan.
“Nhiệm vụ đầu tiên là làm sao cho hàng hóa hợp pháp được ra - vào thông suốt, nhanh chóng, thuận lợi và thứ hai là phòng chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép một cách có hiệu quả”, đại biểu Nghĩa nói. Hai nhiệm vụ này phải đồng hành, song song, chứ nhiệm vụ của hải quan không thể chỉ là tập trung vào chống buôn lậu, điều tra, kiểm tra, giám sát.
Đại biểu Lê Đông Phong, Phó giám đốc Công an TP. HCM cũng đồng tình với lập luận này và cho rằng, quy định về hải quan trước hết phải thông thoáng để tạo điều kiện cho hàng hóa thông quan nhanh chóng, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và DN.
Về quản lý rủi ro thông quan, đại biểu Lê Đông Phong cho rằng, quy định tại dự thảo chưa rõ và cần làm rõ nội hàm, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng công chức lợi dụng khi thực thi.
Chia sẻ từ những vụ án thực tế đã tham gia chỉ đạo, đại biểu Phong cho biết, từng có DN nhập vải nguyên liệu để gia công và xuất thành phẩm, nhưng thực tế DN không hề gia công và cũng không có giấy tờ gì để chứng minh quá trình đó. Trong quá trình nhập nguyên liệu, xuất thành phẩm, không hề bị kiểm tra, chỉ sau này cơ quan chức năng mới phát hiện.
“Vậy khi kiểm tra thông quan, ai làm, làm như thế nào mà lại có tình trạng cái kim không lọt, nhưng con voi chui lọt như vậy?”, ông Phong đặt câu hỏi.
Đồng thời, việc quản lý rủi ro với mục đích là nhằm phân loại và nhận diện để tập trung “đánh” vào khu vực có nguy cơ lớn nhất, đối tượng, loại hàng hóa có nguy cơ gian lận, buôn lậu cao để điều tra giám sát. Mặt khác, khuyến khích nguồn hàng, người xuất nhập khẩu có nguy cơ thấp.
Mục đích là tập trung, ưu tiên, tạo điều kiện đối với khu vực rủi ro ít, làm sao hàng hóa thông quan nhanh chóng nhất, chi phí thấp nhất, nhưng đảm bảo không bỏ lọt buôn lậu, hàng giả…
Tuy nhiên, quy định như dự thảo chưa làm rõ được những điều trên và có thể tạo ra những kẽ hở để công chức hải quan lợi dụng nhũng nhiễu.
Vẫn liên quan đến câu chuyện người thừa hành, Dự thảo Luật quy định nghiêm cấm hành vi bao che, thông đồng buôn lậu… vì mục đích vụ lợi.
Các đại biểu yêu cầu bỏ “vì mục đích vụ lợi”, chỉ cần công chức hải quan có hành vi vi phạm điều cấm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm, mà không cần phải chứng minh có vụ lợi hay không để tránh bỏ lọt hành vi vi phạm.
Có đại biểu đề nghị quy định tương đối chi tiết các yêu cầu về hồ sơ hải quan. Bởi bộ chứng từ xuất nhập khẩu là quy định chuẩn theo hệ thống quy tắc quốc tế; các hãng sản xuất đều có bộ tiêu chuẩn về thông số kỹ thuật và hải quan cần tiếp cận được để xây dựng danh mục hồ sơ, giấy tờ phải có trong bộ hồ sơ hải quan tránh phiền nhiễu DN.
Ví dụ như có trường hợp một hãng xe nước ngoài quy định đời xe 2012 có niên độ sản xuất từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013, nhưng cán bộ hải quan không chấp nhận và áp thuế năm 2013. DN nhập khẩu phải mất nhiều thời gian làm việc với hãng xe và cơ quan hải quan để xác định đời xe thì mới được giải tỏa hàng hóa.
Về quy định phân loại hàng hóa, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nhận xét, quy định “trong trường hợp không đồng ý với kết quả phân tích, phân loại của cơ quan hải quan thì người khai hải quan có quyền khiếu nại.
Việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định của pháp luật” là chưa đầy đủ. Theo bà Hương, cần thiết phải ghi rõ ràng, “việc giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại tố cáo”, để làm rõ quyền của người khiếu nại đối với hành vi vi phạm hành chính.
Đáng chú ý, nhiều ý kiến đại biểu đều không đồng tình với việc tổ chức các cục hải quan theo địa phương hành chính, bởi nhiều địa phương không có cửa khẩu, cảng biển, sân bay hoặc nếu có thì cũng hoạt động thưa thớt.
Cho nên, ngoại trừ những tỉnh, thành có nhiều hoạt động xuất nhập khẩu như Hà Nội, TP. HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng…, những tỉnh, thành khác nên tổ chức cục hải quan liên vùng để giảm bớt gánh nặng nhân sự, bộ máy mà lại kém hiệu quả.