Tây Bắc - Miền hoa ban nở
Nhớ lần đầu tiên tôi gặp nàng ban là vào đầu tháng 2 của 1 năm trước, trên đường từ Sơn La qua đèo Pha Đin về Tuần Giáo (Điện Biên).
Ở dưới chân đèo mới chỉ thấy nhõn một cây hoa lẻ loi đứng ven đường. Đến đoạn cua tay áo dốc ngược thì có thêm vài cây, hoa đang nở từng chùm che lấp hết cả lá, trông xa như một một cây kẹo bông cỡ lớn vô cùng đẹp mắt. Nhưng sau khi vượt qua khúc cua này, tôi cảm tưởng như mình đang bị hút vào một cõi tiên cảnh với cả rừng hoa trắng muốt ẩn hiện dưới thung lũng sâu.
Ngơ ngẩn chưa rõ hoa gì thì anh lái xe thì thầm, đây là hoa ban - linh hồn của xứ Tây Bắc đấy.
Mùa Đông cây ban thường trụi hết lá, e ấp như người thiếu nữ khiêm nhường quanh năm suốt tháng, nhưng cứ sang Xuân, sau khi hoa mơ, hoa mận đã tàn, thì ban mới bắt đầu lung linh khoe sắc như một tấu khúc thanh xuân giữa núi rừng. Đoàn chúng tôi thật may khi gặp đúng dịp hoa ban đang nở trắng trời trắng đất.
Nghe anh giới thiệu vậy, tôi cũng tò mò nên xin dừng lại đôi chút ngắm cảnh. Lại gần hơn với rừng hoa, tôi nhận thấy có hai loại hoa ban. Ban tím cánh nở ra tím ngát, nhạt hơn linh lan, nhưng không đậm bằng hoa bằng lăng. Ban trắng thì khác, chúng nở hoa trắng muốt và trong hơn cả bạch ngọc. Cái màu trắng đơn sơ mà hồn nhiên vô tỷ như nhân vật Tiểu Long Nữ trong truyện Thần điêu đại hiệp.
Đặc biệt nhất là hoa ban không nằm gọn trong sân nhà, không che ngang mái hiên như hoa giấy, không gần gũi, dung dị như hoa đào, mà thênh thang, nghêu ngao giữa đất trời lộng gió.
Từng chùm ban trắng cứ thế kéo nhau ùa xuống ngập thung lũng sâu, rồi lại vút lên cao bồng bềnh như mây vắt ngang đỉnh núi. Tính nết loài ban kín đáo đến nỗi ánh nắng mặt trời ngó nghiêng rất lâu tôi mới chợt nhận ra dáng vẻ thướt tha, yêu kiều của chúng.
Những nụ hoa thon thon như búp tay người con gái dắt lối kẻ tò mò lạc sâu vào rừng. Bên những nếp nhà sàn, cánh hoa trắng mỏng manh cứ lẫn vào hàng cúc bướm bạc cài trên ngực áo người con gái Thái. Chân bước vội dưới những nhành hoa lả lơi để rồi lại thấy cái màu trắng hồng lấp ló sau nếp váy đen. Ngỡ như ban vừa nở ra người con gái sơn nữ, đẹp rực rỡ mà mộc mạc, khiêm nhường.
Và lạ một điều, hễ chỗ nào có hoa ban là có người Thái. Người Thái coi hoa ban là một trong những loại hoa biểu trưng cho tình yêu. Chẳng biết từ khi nào, loài hoa này đã tự nhiên đi vào đời sống văn hóa của cả một vùng Tây Bắc.
Không chỉ tô điểm cho cảnh quan của cả vùng, hoa ban còn có thể sử dụng làm thức ăn. Người Thái hái hoa ban đem về làm nộm, làm món xào, làm canh… Quả ban già trông như quả bồ kết, hạt của nó mang đồ chín thì ăn ngọt như đậu.
Quanh bếp lửa hồng, mỗi gia đình vừa cùng nhau tận hưởng hương vị hoa ban để nghe dư âm mùa Xuân còn bồi hồi trong huyết quản, vừa cùng lắng nghe người già kể lại câu chuyện xúc động về nàng Ban.
Chuyện kể rằng, xưa kia vùng Tây Bắc có một người con gái tên Ban nết na, xinh đẹp. Tiếng hát của nàng làm mê đắm bao chàng trai, nhưng trái tim nàng đã sớm dành trọn cho chàng Khum.
Vì chê Khum nghèo mà cha nàng Ban ép gả cô cho con trai một gã trọc phú trong vùng. Nàng trốn chạy khỏi nhà đi tìm người yêu, nhưng lúc này, chàng Khum đã đi xa. Không quản xa xôi cách trở, cô vượt đèo suối tìm Khum cho đến khi kiệt sức chết bên một con suối.
Từ đó, mỗi độ Xuân sang, con suối này lại mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt và chẳng bao lâu đã mọc lan ra cả vùng Tây Bắc. Tuy hương không đậm, sắc không sâu, chỉ hoang dại khép mình, nhưng lại làm say đắm lòng người. Dân làng liền gọi là hoa ban và coi đó là tượng trưng của tình yêu chung thủy. Đến bây giờ lên vùng Tây Bắc, người dân vẫn còn truyền nhau câu hát từ ngàn năm qua:
Hoa ban ơi hoa ban
Hoa cứ nở thắm trời hoa nhé
Hoa của tình yêu ngàn đời vẫn trẻ
Tình yêu không có tuổi bao giờ…
Trong phút chốc, mảnh đất nơi địa đầu Tổ Quốc trong mắt tôi dường như đẹp hơn, tươi trẻ hơn bên những tháng năm xuân thì.
Hoa ban xuống phố
Những ngày cuối tháng Giêng Âm lịch, Thủ đô mưa phùn lất phất, bầu trời lúc nào cũng xám xịt triền miên khiến lòng tôi sũng nước. Sáng nay đi làm, ngang qua đường Bắc Sơn, ngước mắt nhìn lên vô tình lại thấy sắc tím nhạt quen thuộc giữa lòng Hà Nội. À, thì ra đất trời đã lại vào mùa hoa ban.
Năm 1960, người Hà Nội nảy ra sáng kiến đưa hoa ban từ Tây Bắc về trồng, tập trung nhất là các con đường quanh hồ Tây. Những cây ban được bứng gốc thận trọng để vượt hàng ngàn cây số về với Hà thành.
Trên vùng đất mới đồng bằng, loài hoa được coi là linh hồn Tây Bắc không phụ lòng người chăm sóc, vỗ về như mẹ yêu con nên mỗi mùa Xuân đến, ban lại phô sắc trên phố phường Hà Nội, dâng cho đời những nụ hoa đẹp.
Dù thời tiết mưa gió, ẩm ướt cũng không ngăn được từng đoàn người tấp nập chụp ảnh bên hàng hoa. Họ xuýt xoa ngắm ban, ngồi cạnh ban, chụp ảnh với ban ở mọi tư thế, rồi hí hửng khoe phây (facebook).
Đặc biệt, mấy góc phố hoa ban nở đẹp lúc nào cũng có đến năm bảy đôi uyên ương xếp hàng chụp ảnh cưới. Mọi thứ diễn ra rất rộn ràng và xôm tụ. Thế rồi từ đâu đó, một cơn gió nhẹ thoáng qua bỡn đùa làm hàng ngàn cánh hoa mỏng như sương rụng xuống, đậu hết cả lên tóc lên mi người con gái. Một cảnh đẹp đến xuyến xao lòng người.
Ngồi trong quán cà phê vỉa hè nhìn ra, tôi ngỡ như một tảng mây vừa rơi xuống từ bầu trời. Và thật lòng, lúc đó, cả hoa và người đều làm cho tôi thấy được an ủi vạn phần trước những xô bồ của cuộc sống phố thị.
Không thể phủ nhận, đã có lúc tôi phải ghen tị với cái vẻ kiêu sa, rực rỡ của những chùm ban nơi đây. Bởi so với nó, sao mà tôi nhỏ bé và le lói quá chừng. Bao nhiêu năm sống ở nơi đất khách quê người mà vẫn còn nguyên những bỡ ngỡ, ngạc nhiên của một con bé nhà quê ngày nào. Còn ban thì khác, ban về thành phố chưa lâu nhưng đủ đẹp để phụ nữ của cả cái phố thị này xiêu lòng. Hoa ban đã giúp làm nên những góc nhìn đẹp, tươi sáng, tĩnh tại cho Hà Nội những ngày Mặt trời đi vắng.
Và tự nhiên trong giây phút ấy, tôi lại muốn được yêu, muốn được cuốn mình vào nghi lễ thiêng liêng nhất của tình yêu.
Dường như ban cũng hiểu tâm sư thầm kín tôi giấu trong lòng, nên cứ rực lên như người con gái e thẹn. Còn tôi thì trộm nghĩ, chắc lúc mình suy tư đã có ông họa sĩ rảnh tay nào đi ngang qua, đem màu đổ thêm vào.