Sáng 19/5, phiên tòa xét xử vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Quân chủng Hải quân tiếp tục với phần xét hỏi về hành vi chiếm đoạt khu đất 7-9 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
Trả lời HĐXX, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn BQP) khai nhận, Vũ Thị Hoan gọi bị cáo là cậu. Bị cáo quen biết Phạm Văn Diệt qua quan hệ xã hội. Bị cáo không biết, không quan hệ với Công ty Yên Khánh, Công ty Yên Khánh Hải Thành.
Tại tòa, bị cáo Hệ nhiều lần khẳng định không có lợi ích, không tác động, giúp đỡ bị cáo Hoan, Diệt cũng như các công ty trên.
Đối chất tại tòa, bị cáo Hoan khai nhận, bị cáo làm Giám đốc Công ty Yên Khánh từ năm 2005-2017. Khi đó, bị cáo 21 tuổi là sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Công nghiệp TP.HCM.
“Bị cáo ở nhà của cậu là Đinh Ngọc Hệ. Cậu có nói là chuẩn bị thành lập công ty, nhờ bị cáo đứng tên giám đốc giùm”, bị cáo Hoan khai.
Tương tự, bị cáo Phạm Văn Hoan cũng khai nhận được Hệ bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Đức Bình. Tuy nhiên, bị cáo Hệ phủ nhận toàn bộ lời khai trên.
Chủ tọa hỏi bị cáo tác động Công ty Yên Khánh, giúp đỡ bị cáo Hoan, Diệt nội dung gì?
Bị cáo Hệ khai nhận: “Bị cáo có quan hệ rộng nhưng đều là quan hệ xã hội, có tình nghĩa với mọi người. Khi cơ quan điều tra hỏi, bị cáo mới biết có hỗ trợ Công ty Yên Khánh bằng tài sản của bị cáo, nhưng đó là hỗ trợ giữa con người với con người, công việc với công việc”.
Tòa đã cho trình chiếu chứng thư bảo lãnh cho Công ty Yên Khánh có chữ ký của bị cáo. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng “chữ ký đó chỉ gần giống”. Bi cáo khai do năng lực điều hành kém, nên có người hỗ trợ và bị cáo ký.
Chủ tọa tiếp tục vặn hỏi bị cáo về mối quan hệ đặc biệt với Công ty Yên Khánh, bị cáo Hệ nói: “Bất cứ ai nhờ vả, nếu có tình nghĩa, niềm tin bị cáo vẫn làm. Quan hệ không cần đặc biệt vẫn hỗ trợ”.
Bị cáo cũng phủ nhận mối liên quan với Công ty Đức Bình.
Trước những lời khai trên, tòa tra hỏi: Vì sao Công ty Yên Khánh lại đặt trụ sở tại nhà bị cáo? Bị cáo nói “Hoàn toàn không biết. Mẹ bị cáo quản lý nhà này”.
Theo cáo buộc, ngoài Công ty Yên Khánh, bị cáo Hệ còn nhờ người nhà, người thân, bạn bè đứng tên trên danh nghĩa là người đại diện theo pháp luật, cổ đông hoặc thành viên góp vốn để thành lập nhiều công ty như Công ty Đức Bình, Công ty Cái Mép, Công ty An Hiền, Công ty Xăng Dầu Thái Sơn BQP…
Năm 2006, bị cáo biết Quân chủng Hải quân có chủ trương chuyển mục đích sử dụng khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng. Bị cáo chỉ đạo nhân viên lập tờ trình số 10 ngày 8/3/2006 để Vũ Thị Hoan ký, xin liên kết đầu tư xây dựng Tòa nhà cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại. Thời điểm đó, Công ty Yên Khánh mới thành lập, không có cơ cấu tổ chức, nhân sự, chưa thi công dự án này.
Trong buổi đàm phán đầu tiên, Hệ xuất hiện, tự giới thiệu là chủ của Công ty Yên Khánh, những người tham gia đàm phán là người của Hệ, sau đó Hệ xin vắng mặt, không tham gia đàm phán và đề nghị tạo điều kiện để Công ty Yên Khánh sớm được ký hợp đồng với Công ty Hải Thành.
Các bị cáo trong Quân chủng Hải quân không kiểm tra năng lực Công ty Yên Khánh song vẫn chấp thuận việc liên doanh, thành lập Công ty Yên Khánh Hải Thành.
Ngày 18/3/2010, sau khi có được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng mang tên Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành, Hệ chỉ đạo Diệt, Hoan sử dụng Biên bản họp HĐTV, HĐQT Công ty Yên Khánh Hải Thành ký giả mạo chữ ký của Trần Trọng Tuấn (Phó giám đốc Công ty Hải Thành - là người đại diện pháp luật phần vốn góp của Công ty Hải Thành trong liên doanh), đem Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 7-9 Tôn Đức Thắng bảo lãnh thế chấp cho các Công ty của Hệ vay tiền tại Ngân hàng BIDV.
Giá trị khu đất tại thời điểm tháng 2/2010 là 525 tỷ đồng.
Với hành vi trên, các bị cáo Hệ, Hoan và Diệt bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.