Dự cảm của các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, trong ngắn hạn, năm 2017, TTCK sẽ dồi dào dòng tiền hơn và có cơ hội tăng trưởng cao hơn năm 2016. Trong dài hạn, tương lai 10 năm, 20 năm tới, TTCK sẽ lớn mạnh, định hình rõ nét một thị trường minh bạch, thúc đẩy nền kinh tế vươn lên.
Xin giới thiệu một số ý kiến chia sẻ tại tọa đàm tương lai TTCK Việt Nam, do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức ngày 23/12/2016.
“Tôi luôn có niềm tin, TTCK sẽ phát triển tích cực”
Ông Vũ Bằng,Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK)
Năm 2016, TTCK Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 thị trường có mức tăng trưởng cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Chỉ số VN-Index tăng 15%, HNX-Index tăng 0,8%; mức vốn hóa thị trường đạt 1.765.000 tỷ đồng, tương đương 42% GDP, tăng 30% so với cuối năm 2015.
Tổng mức huy động trên TTCK ước đạt 348.000 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2015. Trong 10 tháng đầu năm, dòng vốn nước ngoài vào ròng với giá trị cao nhất 5 năm qua. Giá trị danh mục liên tục gia tăng, đạt 17,3 tỷ USD vào cuối tháng 10/2016 (tăng 18% so với cuối năm 2015).
Hoạt động cổ phần hóa, hiện tại đã đạt xấp xỉ 30.000 tỷ đồng, cao thứ 2 trong 20 năm qua, đồng thời có những tín hiệu tích cực hơn khi bán cổ phần tại doanh nghiệp lớn, thu hút được dòng vốn nước ngoài bằng “tiền tươi thóc thật”. Chẳng hạn, việc bán cổ phần tại Vinamilk, dù được đánh giá không thực sự thành công nhưng cũng mang về 500 triệu USD, tạo ra sức cầu hỗ trợ cho tỷ giá.
Năm 2017, khó khăn của nền kinh tế còn nhiều, nhưng tôi cho rằng, TTCK sẽ có triển vọng tích cực hơn. Tăng trưởng kinh tế năm tới có thể đạt từ 6,5 - 6,7%, chắc chắn cao hơn năm nay. Việc cổ phần hóa gắn niêm yết sẽ được triển khai mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp lên sàn, nhiều hàng hóa tốt sẽ tiếp tục xuất hiện, từ đó tăng sức hấp dẫn của TTCK với các dòng vốn chuyên nghiệp.
Về phía UBCK, năm tới, chúng tôi sẽ dự thảo thế hệ Luật Chứng khoán mới, nhằm xử lý những điểm vướng mắc trong thực tiễn 20 năm qua. Cùng với đó, đây là năm ngành tập trung vào việc khai mở TTCK phái sinh và vận hành một số sản phẩm mới. Riêng về xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Đề án này đang được xây dựng, với dự kiến triển khai từ năm 2018.
Từ những gì đuợc tạo dựng sau 20 năm, tôi luôn có niềm tin TTCK sẽ phát triển, thúc đẩy nền kinh tế minh bạch và phát triển bền vững. Tôi tin rằng, những gì khó nhất, xấu nhất đã qua và trên con đường tương lai, điểm cần nhất là hợp sức lại để thúc đẩy sự phát triển.
“TTCK đã góp phần thay đổi tư duy và định hình một mô hình tăng trưởng mới”
Ông Trần Văn Dũng,Chủ tịch Sở GDCK TP. HCM
Vì sao Việt Nam cần có TTCK, trong khi nhiều lãnh đạo đặt vấn đề đây là sòng bài, đây là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, nếu xây dựng ở Việt Nam thì tính định hướng xã hội chủ nghĩa ở đâu? Đó là những câu hỏi hóc búa.
Lúc đó, các thế hệ xây dựng TTCK đã giải bài toán này bằng một lý luận: TTCK là thể chế bậc cao của nền kinh tế thị trường mà Việt Nam rất cần để phát triển. Chúng tôi là thế hệ góp sức nhỏ trong đó để 20 năm Việt Nam xây được thị trường, nhưng quan trọng hơn, TTCK đã góp phần thay đổi tư duy và có lẽ định hình một mô hình tăng trưởng, mô hình phát triển mới của đất nước - một mô hình dựa trên nền kinh tế thị trường hay nói đúng hơn là dựa trên nền kinh tế tư nhân.
Những thế hệ đầu tiên đã giải được bài toán này bằng kết quả thực tế của TTCK Việt Nam sau 20 năm. Chẳng hạn, với thị trường trái phiếu, trước đây, không ai dám mơ TTCK Việt Nam có thể là nơi phát hành được trái phiếu kỳ hạn 30 năm. Nhưng năm 2016, chúng ta đã làm được và điểm đáng tự hào là kỳ hạn trái phiếu đã đạt 5,6 năm, vượt qua “giấc mơ” hồi năm 2009, chỉ mơ trái phiếu có kỳ hạn trung bình đến 5 năm, có đường cong lãi suất và chỉ số trái phiếu làm chỉ báo trên thị trường.
Tôi có niềm tin mạnh mẽ vào tương lai TTCK Việt Nam và tin rằng, câu chuyện của 20 năm tới, TTCK sẽ phát huy được vai trò của xứng đáng của nó trong nền kinh tế Việt Nam.
“Mục tiêu tiếp theo đưa TTCK Việt Nam vào Top 3, Top 5 ASEAN”
Ông Nguyễn Sơn,Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD)
Sau 20 năm đầu tiên tạo dựng TTCK, tôi cho rằng, Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển ngang với các nước hàng đầu trong ASEAN. Chúng ta đủ nhân lực, điều kiện tự nhiên và kinh tế để 10 năm tiếp theo đưa TTCK Việt Nam vào Top 3, Top 5 ASEAN.
Ở câu chuyện hiện tại, nhiều người hỏi tôi tại sao Lào, Campuchia xây TTCK sau ta nhiều, nhưng ngay từ đầu họ đã đưa vào những sản phẩm rất mới để vận hành mà chúng ta chưa có? Đây là điểm rất đáng để chúng tôi suy nghĩ để năm 2017-2018, TTCK cần điều chỉnh luật chơi và tạo khung cho các sản phẩm, nghiệp vụ mới.
Thực ra, việc xây dựng khung pháp lý hướng theo các sản phẩm hiện đại đã được UBCK thực hiện và thể hiện trong một số thông tư đã ban hành. Tuy nhiên, đến nay, nhiều ý tưởng chưa triển khai được, chẳng hạn bán chứng khoán trên đường về, bán khống…
Luật chơi đã có nhưng làm sao để Sở, VSD và các thành viên biến từ những quy định như vậy thành hiện thực mà vẫn đảm bảo quản trị được rủi ro, mặt trái của sản phẩm đó. Đây là những thách thức phải giải quyết mà hơn ai hết, tôi với nhiệm vụ mới tại VSD, cần phải chốt lại cách làm.
VSD sẽ cố gắng trong năm 2017 hoặc đầu năm 2018, thúc đẩy nhiều sản phẩm nhà đầu tư chờ đợi đi vào thực tiễn. Với TTCK phái sinh, tôi cũng mong rằng, năm đầu tiên chúng ta sẽ vận hành những sản phẩm cơ bản, nhưng sau bước trải nghiệm đó, thị trường sẽ có thêm sản phẩm phù hợp hơn để nhà đầu tư lựa chọn dùng ví dụ, sản phẩm quyền chọn dựa trên chỉ số hay sản phẩm option dựa trên cổ phiếu…
“Chúng ta có quyền mơ TTCK Việt Nam sánh vai với các thị trường hàng đầu khu vực bây giờ”
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành HNX
Năm 2016, khi chúng tôi nói chuyện với bạn bè quốc tế về thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam tại sự kiện họp CEO các Sở GDCK ASEAN tại Hà Nội, lãnh đạo một số sở GDCK như Malaysia, Thái Lan chia sẻ, họ ước mơ có một thị trường như thế.
Thị trường đã giúp Chính phủ huy động vốn cho đầu tư phát triển một cách trơn tru, với chi phí vốn ngày càng giảm và kỳ hạn bình quân có sự cải thiện rõ nét.
Để có được lời khen từ bạn bè quốc tế, đó là kết quả của một quá trình tư duy, từ những lớp người đi trước, những lớp người đầu tiên tạo dựng TTCK khi Chính phủ ra quyết định phải xây dựng một TTCK trong lòng nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thế hệ chúng tôi mang trong mình niềm tin và khát vọng xây dựng một thị trường mới, minh bạch và hiệu quả trong lòng nền kinh tế Việt Nam.
TTCK đã vững bước gần 20 năm qua và tôi tin sẽ tiếp tục vững bước trong năm 2017 cũng như các năm tới. Nếu như niềm tin và khát vọng xây dựng TTCK lành mạnh từ thế hệ đi trước được tiếp tục truyền tải đến các thế hệ tiếp bước, tôi nghĩ rằng, chúng ta có quyền mơ TTCK Việt Nam sánh vai với các TTCK hàng đầu khu vực bây giờ.
Với việc ra đời TTCK phái sinh vào năm 2017, cấu trúc TTCK Việt Nam đã khá hoàn chỉnh, quy mô vốn hóa đủ sức đạt 70% GDP vào năm 2020 như mục tiêu của Chính phủ, thậm chí có thể đạt đến 100% GDP.
“TTCK năm 2017 sẽ bình ổn”
TS. Lê Xuân Nghĩa,chuyên gia kinh tế
Nền kinh tế thế giới đang trong xu thế thoát đáy còn tại Việt Nam, trong ngắn hạn, đáy đã được hình thành từ quý II/2016 để bắt đầu đi lên từ quý III/2016 và đạt đỉnh vào quý II/2017. Sự chuyển động này nằm trong chu kỳ dài hạn từ năm 2014 đến 2023, nền kinh tế theo xu hướng đi lên.
Điểm cần chú ý là lãi suất có xu hướng tăng do áp lực của lạm phát. Lạm phát trong năm 2017 dự báo sẽ ở mức 4,4-5%. USD sẽ tăng giá do Mỹ tăng lãi suất, Trung Quốc có thể tiếp tục còn điều chỉnh tỷ giá. Tôi rất nhất trí với kiến nghị Chính phủ giữ ổn định tỷ giá hối đoái trong năm 2017, nếu cần thiết thì điều chỉnh linh hoạt theo thị trường, nhưng không phá giá tiền đồng, không thắt chặt, không nới.
Với bối cảnh hiện nay, theo tôi, TTCK Việt Nam trong năm 2017 sẽ bình ổn hơn, ít cú sốc hơn năm 2016, tăng trưởng dần đều hơn.
“Năm 2017 là năm cực kỳ khó khăn, nhưng có giải pháp”
Ông Nguyễn Duy Hưng,Chủ tịch CTCK SSI
Trong suy nghĩa của tôi, năm 2017 là năm cực kỳ khó khăn, nhưng chúng ta có giải pháp và là cơ hội để những tổ chức bền vững phát triển. Cái làm cho nền kinh tế bao năm nay phát triển không bền vững, nợ xấu trở thành căn bệnh trầm kha là việc không dịch chuyển được từ đầu cơ tài sản sang sản xuất hàng hóa. Đấy là nguyên lý cơ bản nhất dẫn đến nền kinh tế không bền vững và mong manh như ngày hôm nay. Đấy cũng là lý do tồn tại nợ xấu, cứ mãi loay hoay tìm hướng giải quyết.
Nếu như vậy, trong hoạch định chính sách vĩ mô, thị trường nội địa 90 triệu dân mới là cái quan trọng nhất vì nền kinh tế chỉ phát triển được khi chính trị ổn định.
Theo tôi, Nhà nước không nên đóng vai trò huy động nguồn lực và phân bổ nguồn lực, mà Nhà nước hãy định hướng nguồn lực để cho các thành phần kinh tế tự huy động nguồn lực và triển khai nguồn lực. Như thế, tự cơ chế thị trường sẽ tạo nên hiệu quả.
“Năm 2017 sẽ là năm bận rộn với các CTCK, công ty quản lý quỹ”
Ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ VFM
Năm 2017 sẽ là một năm bận rộn đối với các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ khi dòng tiền trong nền kinh tế dồi dào hơn, tìm cách sinh lợi. Nguồn tiền này đến từ các hoạt động bán tài sản của nhà nước tại các doanh nghiệp lớn, dòng tiền này sẽ tạo sự cân đối trên thị trường.
Với nhiều biến số vĩ mô như hiện nay, điều mà thị trường đang quan tâm nhất là liệu Ngân hàng Nhà nước có tiếp tục được duy trì được trạng thái ổn định về tỷ giá và dồi dào thanh khoản trong hệ thống ngân hàng trong năm 2017 hay không? Điều này sẽ tác động rất lớn đến thị trường chứng khoán.