Định hình biểu phí cho chứng khoán phái sinh

Định hình biểu phí cho chứng khoán phái sinh

(ĐTCK) Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Thông tư quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, "barem" giá các dịch vụ trên thị trường này đang được định hình.

Sẽ quy định giá trần và sàn dịch vụ chứng khoán

Bản dự thảo Thông tư quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thay thế Thông tư số 242/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Điểm mới trong dự thảo này là về giá dịch vụ môi giới mua, bán Hợp đồng tương lai trong chứng khoán phái sinh.

Cụ thể, áo dụng tối đa 30.000 đồng/hợp đồng với Hợp đồng tương lai chỉ số và tối đa 35.000 đồng/hợp đồng với Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Giá dịch vụ quản lý vị thế cũng được quy định tối đa 15.000 đồng/hợp đồng/tài khoản/ngày và giá dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ tối đa 0,015% số dư giá trị tài sản ký quỹ lũy kế (tiền + giá trị chứng khoán tính theo mệnh giá)/tài khoản/tháng (tối đa không quá 10.000.000 đồng/tài khoản/tháng, tối thiểu không thấp hơn 1.500.000 đồng/tài khoản/tháng).

Trong thời gian qua, do chưa có quy định chính thức nên mỗi công ty chứng khoán áp dụng một mức giá khác nhau.

Theo lãnh đạo Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), việc đưa ra quy định trên là cần thiết để các công ty chứng khoán có cơ sở thực hiện. Đối với HSC, Công ty đang áp dụng đối với khách hàng có nhân viên quản lý tài khoản ở mức phí giao dịch qua đêm và đáo hạn hợp đồng là 20.000 đồng/hợp đồng và phí giao dịch mở và đóng trong ngày 15.000 đồng/hợp đồng.

Trong trường hợp khách hàng tự đặt lệnh, HSC giảm 10% trên tổng phí giao dịch và hoàn vào cuối tháng; mức giá sẽ thấp hơn đối với các khách hàng không có nhân viên quản lý tài khoản.

Ra đời từ tháng 8/2017, TTCK phái sinh đang dần thu hút đầu tư vào thị trường này, bên cạnh thị trường cơ sở. Sau giai đoạn miễn phí giao dịch để nhà đầu tư làm quen với thị trường cũng như thu hút khách hàng, các công ty chứng khoán đã tính phí giao dịch từ tháng 11/2017. Nguồn thu từ nghiệp vụ phái sinh đang được kỳ vọng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tương lai.

4 tháng đầu năm 2018, thanh khoản toàn thị trường tăng cao và tăng liên tục qua các tháng, trong đó, tính riêng trong quý I/2018, khối lượng giao dịch bình quân đạt 22.884 hợp đồng/phiên.

Phái sinh còn nhiều cơ hội 

Giao dịch chứng khoán phái sinh đã dần trở thành một phần quan trọng của TTCK, nhiều nhà đầu tư đã quen với tốc độ giao dịch cao của hợp đồng tương lai và thực tế đã xuất hiện lớp những nhà đầu tư chuyên nghiệp chỉ tập trung giao dịch hợp đồng tương lai, đặc biệt là giao dịch trong ngày.

Như chia sẻ của ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS) thì nghiệp vụ phái sinh đã bắt đầu mang lại nguồn thu cho ổn định cho MBS. Với hơn 4.000 tài khoản phái sinh, doanh thu từ nghiệp vụ này mang lại khoảng 2 tỷ đồng/tháng và dự báo sẽ tăng hơn trong tương lai khi Công ty mở rộng thị phần chứng khoán trong thời gian tới.

"Đối với HSC, chứng khoán phái sinh sẽ là một mảng quan trong trong tương lai và Công ty đang tập trung mọi nguồn lực để đầu tư cho mảng này, đi từ việc tư vấn trực tuyến cho khách hàng. Trong thời gian tới, nhà quản lý sẽ phát triển thêm một số sản phẩm phái sinh mới, thị trường phái sinh có triển vọng phát triển mạnh mẽ hơn.

Nhà đầu tư có thêm công cụ để phòng ngừa rủi ro cũng như tìm kiếm lợi nhuận, cả trong thị trường giá lên và xuống”, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chiến lược thị trường khối khách hàng cá nhân, phụ trách phân tích phái sinh, HSC cho biết.

Giám đốc môi giới của một công ty chứng khoán tại Hà Nội chia sẻ, với áp lực điều chỉnh đều đặn diễn ra trên chỉ số VN30-Index vừa qua khiến việc thực hiện vị thế bán mang lại nhiều lợi nhuận cho giới đầu tư. Chứng khoán phái sinh đang có mối liên hệ mật thiết với thị trường cơ sở và sản phẩm phái sinh đã tác động rất lớn đến thị trường cơ sở. Thậm chí, để chuẩn bị cho kịch bản ngày chốt các hợp đồng phái sinh, các nhà tạo lập đã chuẩn bị cả chục phiên trước đó.

Ở góc độ nhà đầu tư, anh N.H cho biết, mức phí giao dịch không quan trọng bằng việc cải thiện thanh khoản cũng như có thêm sự lựa chọn về chiến lược cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư mong có quy định về cách tính số ký quỹ ban đầu để có thể thực hiện nhiều vị thế hơn, từ đó tạo sự chủ động và có nhiều sự kết hợp các chiến lược khi giao dịch.

Tin bài liên quan