Triển vọng lợi nhuận
P/E của VN-Index hiện tương đương với mức định giá trung bình trong 5 năm gần đây và thấp so với mức đỉnh 22 lần năm 2018, trong khi lợi nhuận các doanh nghiệp tiếp tục có triển vọng tăng.
Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, lợi nhuận ròng của VN-Index sẽ tăng trưởng trung bình 25%/năm trong giai đoạn 2021 - 2022, vượt trội so với mức trung bình 12%/năm giai đoạn 2017 - 2020. Bên cạnh đó, ở góc độ khu vực, thị trường Việt Nam cùng với Singapore và Indonesia đang có mức định giá rẻ xét trên triển vọng tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn 2021 - 2023.
“Nhìn xa hơn, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được đưa vào danh sách rút gọn xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI, nhưng cơ hội vẫn còn, bởi một số thị trường được MSCI nâng hạng từ cận biên lên mới nổi có thể được định giá tăng thêm từ 25 - 45% tại thời điểm chính thức nâng hạng so với P/E trung bình lịch sử 3 năm trước đó”, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích VNDIRECT nói.
Theo Công ty Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam), định giá P/E, P/B theo chỉ số trượt 4 quý gần nhất của nhiều nhóm ngành đang ở mức trên trung bình 3 năm gần nhất, nhưng không có nghĩa định giá thị trường đã ở vùng cao, yếu tố quyết định sẽ nằm ở tăng trưởng trong nửa sau năm 2021 và kéo dài sang năm 2022. Trước mắt, 6 tháng cuối năm 2021, nhiều nhóm ngành vẫn có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không cao như nửa đầu năm, bởi mức nền so sánh 6 tháng cuối năm năm 2020 cao hơn so với 6 tháng đầu năm 2020 và tình hình dịch Covid-19 với các biến chủng mới đang tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.
Lưu ý khi so sánh P/E
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hữu Bình cho rằng, khi so sánh P/E với các thị trường trong khu vực, cần nắm rõ đặc tính của mỗi thị trường. Đơn cử, số lượng doanh nghiệp niêm yết và số cổ phiếu trên sàn PSE của Philipines rất thấp so với Việt Nam, vì thế khó có thể nhìn vào P/E của hai thị trường để đánh giá đắt, rẻ. Thay vào đó, nhà đầu tư tập trung đánh giá cổ phiếu của các doanh nghiệp sẽ có so sánh cũng như định giá chính xác hơn.
Thực tế, VN-Index chưa quay lại mức đỉnh, nhưng có những cổ phiếu lập đỉnh giá mới thuộc nhóm bất động sản, cảng biển… P/E của không ít mã ở mức cao vẫn thu hút nhà đầu tư, bởi họ nhìn vào tiềm năng doanh nghiệp.
“Với tình hình hiện nay, tôi chủ yếu quan tâm đến doanh nghiệp hơn là diễn biến thị trường. Có thể trong ngắn hạn, thị trường chịu áp lực điều chỉnh, nhưng sau dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vẫn có đủ sức khỏe để bật lên”, ông Bình nói.
So với mức P/E dự phóng 2021 của các thị trường lớn như Trung Quốc (13 lần), Hàn Quốc (hơn 11 lần), Anh (hơn 12 lần), nhóm các thị trường mới nổi (gần 13 lần)…, thì P/E của thị trường Việt Nam hiện nay không thực sự hấp dẫn.
Quan trọng là dòng tiền
Để đánh giá một thị trường còn hấp dẫn hay không, điều quan trọng vẫn là nhìn vào dòng tiền.
Sau những phiên thanh khoản đạt mức tỷ USD (trên 23.000 tỷ đồng/phiên) trong tháng 6, giá trị giao dịch suy giảm trong tháng 7/2021, nhưng chưa đủ để cho rằng tiền bị rút ra khỏi thị trường. Thực tế, từ đầu tháng 8 đến nay, thanh khoản đã tăng trở lại, có phiên khớp lệnh trên 1 tỷ USD.
Theo thống kê, lượng tiền gửi của nhà đầu tư để tại các công ty chứng khoán tính đến cuối quý II/2021 là 86.000 tỷ đồng, tăng 32,3% so với cuối quý I/2021. Điều này cho thấy, nhà đầu tư chực chờ gia nhập thị trường khi cơ hội xuất hiện.
Ở nhịp hồi phục cuối tháng 7, đầu tháng 8, các ngành có triển vọng như chứng khoán, bất động sản, bán lẻ, cảng biển, hóa chất, dầu khí… vẫn hút dòng tiền.