Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV.

Định danh người sử dụng mạng xã hội: Không vô danh để không vô trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng trong năm nay, yêu cầu định danh người sử dụng mạng xã hội.

Cuối tuần qua, trong ngày chất vấn đầu tiên tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng là thành viên Chính phủ nhận nhiều chất vấn nhất, phần trả lời của ông có nhiều thông tin đáng chú ý.

Cấp trên 800 giấy phép mạng xã hội Việt Nam

Các chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề cập rất nhiều vấn đề, từ phát triển mạng xã hội nội địa đến quản lý báo chí, phát triển mạng 5G, hạn chế thông tin xấu độc...

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhắc lại, ở kỳ họp thứ 8, đã chất vấn Bộ trưởng về sự phát triển của mạng Lotus và Bộ trưởng đã cam đoan là Lotus sẽ phát triển, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, mạng này vẫn khá im hơi lặng tiếng. Vậy thời gian tới, giải pháp của Bộ trưởng là gì? Khai tử mạng này hay tiếp tục tìm giải pháp để phát triển?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong 2 năm gần đây, các mạng xã hội Việt Nam có sự phát triển bứt phá. Năm 2018, các mạng xã hội Việt Nam có 47 triệu tài khoản, tức là chỉ bằng khoảng 50% so với các mạng lớn của nước ngoài là Facebook và Youtube. Nhưng đến nay, các mạng xã hội Việt Nam đã đạt 96 triệu tài khoản, tương đương hai mạng nước ngoài lớn và đã từng bước đạt được thế cân bằng với các mạng xã hội nước ngoài.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua có nhiều mạng xã hội mới ra đời, hiện cũng đã cấp phép trên 800 giấy phép mạng xã hội Việt Nam. “Tại sao lại nhiều thế? Vì tập trung vào thị trường ngách, trong đó có Lotus và Gapo. Các mạng xã hội này đều được xây dựng từ nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân theo cơ chế thị trường và không sử dụng ngân sách nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông có vai trò hỗ trợ về truyền thông, tháo gỡ cơ chế, chính sách. Hiện nay, mạng Lotus có gần 3 triệu tài khoản, mạng Gapo khoảng 6 triệu tài khoản”, Bộ trưởng trả lời.

Theo Bộ trưởng Hùng, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh phát triển các mạng xã hội trong nước theo hướng chiếm lĩnh các thị trường ngách và đặc biệt là các mạng xã hội thế hệ mới với 4 đặc điểm khác biệt với mạng xã hội Facebook. Đó là, mạng xã hội là nền tảng, do vậy sẽ chia sẻ doanh thu với người dùng; có công cụ chọn lọc ngay từ đầu, đảm bảo nền tảng sạch; công khai thuật toán với người dùng; cho phép phát triển các nền tảng con trên nền tảng mẹ để có thể phát triển các cộng đồng nhỏ mang tính văn hóa riêng biệt. “Tóm lại, Việt Nam là một trong không nhiều nước trên thế giới có các mạng xã hội nội địa tương đương mạng xã hội nước ngoài”, Bộ trưởng khái quát.

Không vô danh để không vô trách nhiệm

Liên quan đến mạng xã hội, trả lời chất vấn của đại biểu về vấn nạn tin giả ở môi trường này, người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông nói, tin sai và tin giả đang là vấn nạn toàn cầu. Tin giả ở Việt Nam chủ yếu trên các nền tảng xuyên biên giới, mà chủ yếu là Facebook và Youtube. “Việt Nam là nước có chủ quyền trên không gian mạng, do vậy, các nền tảng nội dung xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Thời gian qua, Bộ xác định, làm sạch không gian mạng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và làm rất quyết liệt”, Bộ trưởng trả lời.

Về công cụ quản lý, Bộ trưởng cho biết, đã xây dựng và hoàn thành Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, có năng lực xử lý mỗi ngày 300 triệu tin, có thể phân tích, đánh giá, phân loại, phát hiện sớm và cũng đã hình thành các đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về tin giả, tin xấu độc.

Bộ trưởng nêu rõ, đã làm việc cứng rắn với các nền tảng xuyên biên giới, nhất là Facebook và Youtube. Tỷ lệ đáp ứng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook đã tăng từ 10% lên 95% và của Youtube tăng từ 50% lên 90%. Năm 2020, số lượng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook tăng 30 lần và trên Youtube tăng 8 lần so với năm 2017.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, sẽ tiếp tục sửa các quy định của pháp luật có liên quan về mạng xã hội và tin giả. Đồng thời, Bộ sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng trong năm nay, yêu cầu định danh người sử dụng mạng xã hội. “Chúng tôi coi đây là giải pháp căn cơ để người sử dụng không còn nghĩ rằng, lên mạng xã hội là vô danh, vì thế mà vô trách nhiệm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Một giải pháp mạnh được Bộ trưởng nêu là đề nghị Quốc hội thay đổi quy định về xử phạt để có tính răn đe. Hiện nay, xử phạt chủ yếu là con số tuyệt đối mà chưa sử dụng mức phạt dựa trên doanh thu. Nếu phạt 100 triệu đồng là khoảng 5.000 USD thì đối với cá nhân, doanh nghiệp nhỏ là lớn, nhưng với doanh nghiệp hàng chục tỷ USD thì quá nhỏ. Các nước đã áp dụng hình phạt trên doanh thu với các nền tảng xuyên biên giới, ví dụ 4% doanh thu, với Facebook thì mức phạt này là trên 1 tỷ USD.

Tin bài liên quan