Điều trị nấm họng không khó

Điều trị nấm họng không khó

Nấm họng là bệnh lý nhiễm trùng do nấm men candida gây ra. Loại nấm này thường sống trong đường tiêu hóa và trên da. Khi nấm candida gia tăng, gây nhiễm trùng môi trường bên trong miệng, họng hay do thanh quản thay đổi sẽ kích thích nấm phát triển.

Triệu chứng

Theo Viện Răng miệng và Bệnh lý hàm mặt Hoa Kỳ, nấm họng có thể không tìm thấy triệu chứng, nên khó nhận biết. Tuy nhiên, ở một số người, khi có những triệu chứng như xuất hiện các đốm trắng hay tổn thương trên lưỡi và vòm miệng, thường là liên quan đến nhiễm nấm.

Các triệu chứng dễ nhận biết khác là nứt và mẩn đỏ ở góc miệng và một vùng màu đỏ, mềm ở chính giữa lưỡi. Trong nhiều trường hợp, nhiễm trùng sẽ gây bỏng rát hay ngứa ngáy trong miệng hoặc họng, gây khó khăn khi nuốt hoặc có cảm giác mắc nghẹn trong cuống họng.

Các đối tượng có nguy cơ

Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh (CDC), những người có hệ miễn dịch yếu, trẻ nhỏ và người lớn tuổi có nhiều khả năng mắc bệnh, tuy tỷ lệ không cao.

Dữ liệu của CDC cho thấy, có từ 5 - 7% trẻ dưới 1 tháng tuổi nhiễm nấm họng miệng, và khoảng 20% bệnh nhân ung thư bị nhiễm trùng do nấm. Riêng các bệnh nhân AIDS, tỷ lệ nhiễm nấm cao hơn, dao động từ 9 - 31%.

Ngoài ra, còn có những người đeo răng giả, người bị bệnh tiểu đường, dùng thuốc xịt corticosteroid chữa bệnh hen suyễn, khô miệng hay có dùng thuốc chữa khô miệng, hút thuốc lá.

Chẩn đoán và chữa trị

Nếu phát hiện các triệu chứng của nhiễm nấm họng, miệng, cách tốt nhất là đến gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể chẩn đoán nhiễm trùng bằng cách xem xét các triệu chứng trong miệng và họng. Điều cần lưu ý là có nấm candida trong miệng không hẳn bị nhiễm trùng, bởi vì nấm trong miệng là vô hại, chiếm từ 2 - 70%. Đó là giải thích về bệnh này được đăng trên The Journal of Mycology.

Còn nếu xác định nhiễm nấm, việc điều trị có thể khá đơn giản bằng cách dùng thuốc. Trường hợp nhiễm trùng kháng thuốc, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc kháng nấm mạnh hơn. Nếu nhiễm trùng trầm trọng, có thể dùng amphotericin B để loại bỏ hẳn nhiễm trùng. Tuy vậy, theo khuyến cáo của Viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ, dùng thuốc là giải pháp sau cùng, vì có nguy cơ gây tác dụng phụ nghiêm trọng.

Nhiễm nấm candia và bệnh tâm thần

Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học John Hopkins (Hoa Kỳ) phát hiện: nhiễm nấm candida phổ biến ở đàn ông bị tâm thần phân liệt hay rối loạn lưỡng cực hơn là những người không bị rối loạn này.

Và phụ nữ bị tâm thần phân liệt hay rối loạn lưỡng cực được thử nghiệm dương tính với nấm candida, có trí nhớ kém hơn những người bị hai bệnh này mà không bị nhiễm trùng trước đó.

Tiến sĩ Emily Severance cho biết: "Cần có thêm nhiều nghiên cứu khác về nhiễm nấm candida với bệnh lý tâm thần. Hầu hết trường hợp nhiễm trùng nấm candida được chữa khỏi ở giai đoạn sớm và cần tìm hiểu xem nhiễm trùng nấm có xảy ra ở những bệnh nhân tâm thần hay không".

Phòng ngừa

Một số giải pháp có thể giúp giảm bớt nguy cơ phát triển của nấm candida:

* Nếu cần dùng thuốc xịt corticosteroid, hãy bảo đảm súc miệng sạch sẽ với nước hay chải răng sau khi dùng thuốc.

* Chải răng và dùng chỉ nha khoa ít nhất hai lần mỗi ngày, hay theo khuyến cáo của nha sĩ.

* Kiểm tra răng giả. Hãy tháo răng giả ra vào buổi tối. Bảo đảm dùng răng giả vừa vặn, không gây kích ứng. Vệ sinh răng giả mỗi ngày. Hỏi ý kiến nha sĩ cách tốt nhất để làm sạch răng giả.

* Thường xuyên kiểm tra răng, đặc biệt với người bệnh tiểu đường hay dùng răng giả. Hỏi ý kiến nha sĩ về chu kỳ kiểm tra răng.

* Cố gắng hạn chế tiêu thụ chất đường, vì có thể kích thích phát triển nấm candida.

* Duy trì đường huyết ổn định nếu bị bệnh tiểu đường. Kiểm soát tốt đường huyết có thể làm giảm lượng đường trong nước bọt, giảm sự phát triển của nấm candida.

* Hỏi bác sĩ cách phòng tránh và chữa trị khô miệng.

Nhiễm nấm họng miệng có thể không phổ biến. Nhưng nếu sống trong môi trường có những người có nguy cơ cao phát triển bệnh, thì việc phát hiện các nguyên nhân và triệu chứng bệnh có thể giúp chẩn đoán đúng bệnh và có cách điều trị hợp lý.

Tin bài liên quan