“Trợ thủ” đường dây mua bán hóa đơn 2.000 tỷ đồng xin hưởng án treo

(ĐTCK) Ngày 17/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét đơn kháng cáo của 3 bị cáo trong đường dây mua bán hóa đơn hơn 2.000 tỷ đồng ở Hà Nội.
Các bị cáo tại tòa.

Các bị cáo tại tòa.

Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, bị cáo Nguyễn Thị Sáng (SN 1953, ở quận Hai Bà Trưng) rút đơn kháng cáo. Do đó, tòa chỉ xem xét kháng cáo của bị cáo Ngạc Tiến Hoàn, Nguyễn Đức Tàu và Nguyễn Duy Phượng đều ở Hà Nội. Các bị cáo đồng loạt kháng cáo xin hưởng án treo.

Tòa phúc thẩm cho rằng, bị cáo Tàu xuất trình thêm tình tiết mới là có bố đẻ tham gia quân ngũ, có thành tích tố cáo tội phạm ma túy, nhân thân tốt… nên tuyên bị cáo 22 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Còn bị cáo Hoàn là trợ thủ đắc lực cho bị cáo Sáng. Bị cáo Hoàn và Phượng đều có nhân thân xấu, không có chứng cứ mới nên không được giảm án.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Hoàn lĩnh án 24 tháng tù, Phượng 21 tháng tù. Chủ mưu trong vụ án là Nguyễn Thị Sáng lĩnh án 36 tháng tù. 14 bị cáo còn lại bị xử phạt 9 tháng tù - 24 tháng tù nhưng được hưởng án treo.

Quá trình tố tụng thể hiện, quá trình bán hàng tại chợ Trời, Phố Huế, Nguyễn Thị Sáng đã mua các quyển hóa đơn chưa ghi nội dung của 72 công ty, sau đó bán lại cho khách để thu lời bất chính.

Để thực hiện hành vi trên, Sáng đã thuê, hướng dẫn và chỉ đạo vợ chồng Hoàn viết hóa đơn, giao hóa đơn cho khách, thu tiền về cho Sáng. Ngoài ra, Sáng còn để cho vợ chồng Hoàn mang về nhà cất giấu để thuận tiện cho việc mua bán hóa đơn và che giấu hành vi phạm tội.

Với hành vi trên, trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 1/8/2018, Nguyễn Thị Sáng đã bán trái phép tổng số 1.610 số hóa đơn có nội dung với tổng doanh số tiền hàng trước thuế hơn 212 tỷ đồng, tiền thuế VAT hơn 21 tỷ đồng và 15.563 số hóa đơn dạng phôi.

Ngoài ra, Sáng còn thuê và chỉ đạo Nguyễn Đức Tàu thực hiện các giao dịch chuyển, rút tiền để hợp thức việc mua bán hóa đơn.

Trong khoảng thời gian trên, Sáng, Tàu và các đơn vị sử dụng hóa đơn đã thực hiện hơn 5.000 giao dịch chuyển tiền qua tài khoản, trong đó có hơn 4.600 giao dịch chuyển tiền có giá trị tiền hàng trên 20 triệu đồng với tổng số tiền hàng trước thuế hơn 1.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ xác định được 131 giao dịch rút tiền để bán trái phép 163 hóa đơn…

Cơ quan chức năng xác định trong vụ án này, Nguyễn Thị Sáng đã thu lợi bất chính hơn 9,2 tỷ đồng.

Ngoài nhóm của Sáng, cơ quan chức năng còn xác định từ đầu năm 2017 đến tháng 10/2018, Nguyễn Duy Phượng và 10 đồng phạm đã có hành vi mua bán trái phép 416 số hóa đơn có nội dung, hưởng lợi 40 triệu đồng.

Tin bài liên quan