Thêm cựu lãnh lãnh đạo doanh nghiệp lớn bị bắt liên quan đến nhận lãi ngoài từ OceanBank

Thêm cựu lãnh lãnh đạo doanh nghiệp lớn bị bắt liên quan đến nhận lãi ngoài từ OceanBank

(ĐTCK) Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với 2 bị can Nguyễn Xuân Sơn - cựu Tổng giám đốc và Vũ Trọng Hải - cựu Kế toán trưởng của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil, mã OIL).

Việc bắt giữ nhằm điều tra hành vi nhận tiền ngoài lãi suất tiền gửi (lãi ngoài) của Ngân hàng TMCP Ðại Dương (OceanBank) có liên quan đến vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm.

Trong giai đoạn điều tra vụ án Hà Văn Thắm, cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Minh Thu được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc OceanBank từ 14/1/2011 đến 25/11/2014.

Trong thời gian này, Thu thực hiện theo chỉ đạo của Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HÐQT OceanBank) và Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc OceanBank) trực tiếp chỉ đạo các khối nghiệp vụ thuộc Hội sở và giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch chi lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng gửi tiền.

Nguyễn Minh Thu đã trực tiếp phê duyệt, nhận và chi tiền lãi ngoài gần 126 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn cho các khách hàng, trong đó trực tiếp nhận và chi gần 58 tỷ đồng cho PVOil.

Bị cáo này khai, đối với khách hàng do mình phụ trách như PVOil, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro (VSP), khi đi công tác tại TP.HCM, Vũng Tàu, Ðà Nẵng, Quảng Ngãi, bị cáo báo cho bộ phận kế toán chuyển tiền vào tài khoản của nhân viên chi nhánh để lấy tiền chi cho các khách hàng.

Với PVOil, bị cáo chi cho Nguyễn Xuân Sơn và Vũ Trọng Hải, tổng tỷ lệ là 50% theo yêu cầu của cựu lãnh đạo này.

Tuy nhiên, đại diện của PVOil được triệu tập tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 7/2017 trình bày, đơn vị rà soát lại toàn bộ hệ thống tiền thì khẳng định rằng không nhận bất kỳ khoản tiền nào từ bị cáo Nguyễn Minh Thu và từ OceanBank.

Người đại diện cũng cho hay, đã xác minh lại sự việc từ các cán bộ, lãnh đạo của của đơn vị này.

Cho đến nay, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hơn 10 vụ án độc lập có liên quan đến nhận tiền lãi ngoài của OceanBank tại các công ty như BSR, PVEP, Vinashin, PVPower, PVC...

Ðầu năm 2018, phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của PVOil được tiến hành tại Sở GDCK TP.HCM (HOSE) được xem là thành công với hàng nghìn nhà đầu tư tham gia, giá đặt mua cao nhất lên tới 40.000 đồng/cổ phần.

Tuy nhiên, sau IPO, lợi nhuận và giá cổ phiếu của PVOil đều sụt giảm. Giá cổ phiếu OIL đã từng đạt đỉnh 24.200 đồng/cổ phiếu, hiện chỉ giao dịch quanh mức 6.000-7.000 đồng/cổ phiếu.

4 tháng sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần, từ 8/2018-12/2018, PVOil lỗ 184 tỷ đồng. Công ty đã giải trình nguyên nhân lỗ do xử lý tài chính khi cổ phần hóa, phải hoàn nhập vào kết quả kinh doanh các khoản dự phòng giảm giá đầu tư tài chính, các khoản phải thu khó đòi hơn 269 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính Công ty mẹ, năm 2019, PVOil đạt doanh thu 31.773 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 1.074 tỷ đồng, lãi ròng 316 tỷ đồng - khá khiêm tốn nếu so với vốn chủ sở hữu 10.342 tỷ đồng, cũng như ưu thế của PVOil.

Tính đến 31/12/2019, PVOil có 1.594 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, bao gồm cả khoản 243 tỷ đồng là tiền gửi tại OceanBank.

Khoản tiền này đang bị hạn chế chi trả theo quyết định của ngân hàng về việc tạm dừng cung cấp dịch vụ thanh toán cho các khách hàng thuộc Tập đoàn Dầu khí (PVN) để rà soát, thẩm định hồ sơ thanh toán.

Hiện Oceanbank đã chuyển thành ngân hàng 100% vốn nhà nước. Theo PVOil, khoản tiền này sẽ được giao dịch trở lại sau khi có quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

Báo cáo kiểm toán có nội dung ngoại trừ về khoản đầu tư vào CTCP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVEP) với giá trị 285 tỷ đồng, trích lập dự phòng 6 tỷ đồng. Vấn đề ngoại trừ này có liên quan đến vụ án xảy ra tại PVEP.

Theo giải trình của PVOil, Công ty đã trình PVN về phương án phá sản PVEP, xác định khoản đầu tư này về 0 đồng khi thực hiện quyết toán cổ phần hóa.

Ðến nay, PVN và Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa phản hồi đề xuất này.

PVOil dự kiến tổ chức Ðại hội đồng cổ đông vào ngày 27/4 tới, nhưng đã lùi sang cuối tháng 5 hoặc chậm nhất là ngày 30/6 như quy định do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện Công ty chưa công bố tài liệu đại hội.

Ðược biết, trên thị trường xăng dầu, PVOil là nhà bán lẻ lớn thứ 2, với hơn 20% thị phần, đứng sau Petrolimex với hơn 50% thị phần.

Ðến hết năm 2018, PVOil vận hành và quản lý hơn 3.500 cửa hàng xăng dầu trên cả nước, trong đó có 550 cửa hàng trực thuộc sở hữu và hơn 3.000 đại lý/nhượng quyền thương mại.

PVN hiện sở hữu 80,53% vốn PVOil, cổ đông lớn SK Energy nắm giữ 5,23%, còn lại là các cổ đông khác.

Sau cổ phần hóa, PVOil từng tìm kiếm cổ đông chiến lược để chào bán theo phương thức đấu giá và đã có 4 nhà đầu tư xác nhận tham gia.

PVOil xin gia hạn thời gian thực hiện thêm 4 tháng để các nhà đầu tư có thời gian đánh giá, nhưng không được cấp có thẩm quyền chấp thuận, nên đã dừng việc chào bán. Song, PVN khẳng định, sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thoái vốn tại đây.                     

Theo hồ sơ vụ án Hà Văn Thắm, từ năm 2010 đến ngày 31/11/2014, tổng số tiền OceanBank đã chi trả lãi ngoài cho các khách hàng gửi tiền là 1.576 tỷ đồng. Có 51.468 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tiết kiệm tại OceanBank và nhận các khoản tiền chi lãi ngoài lãi suất hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm do ngân hàng này chi trả. Trong đó chi cho VSP hơn 24 tỷ đồng; BSR hơn 19 tỷ đồng, PVEP hơn 76 tỷ đồng...

Tin bài liên quan