Kiến nghị điều tra hình sự sai phạm tại Đạm Hà Bắc (DHB)

Kiến nghị điều tra hình sự sai phạm tại Đạm Hà Bắc (DHB)

(ĐTCK) Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra tại CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (mã DHB - UPCoM) về việc chấp hành quy định trong thực hiện dự án cải tạo mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc; hoạt động đầu tư tài chính; tái cơ cấu, cổ phần hóa và quản lý vốn tài sản, nguồn vốn…

Theo kết luận, khi đầu tư dự án cải tạo mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc có vi phạm. Theo đó, khi đấu thấu, mặc dù đã mở thầu nhưng DHB vẫn chấp nhận cho liên danh nhà thầu WEC-CECO bổ sung giấy ủy quyền tham dự thầu và bổ sung giấy đăng ký kinh doanh. Điều này vi phạm Điều 17, Nghị định 111/2016/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu năm 2005.

Khi nghiệm thu hồ sơ, tài liệu do liên doanh lập, nhà thầu cung cấp thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng làm cơ sở để xác định tổng mức đầu tư như thiếu thỏa thuận với nhà chế tạo về giá thiết bị chính, tài liệu tính toán chi tiết vốn đầu tư cho từng hạng mục công trình, thiếu báo giá chi phí bản quyền công nghệ…

Do vi phạm về lựa chọn nhà thầu, tổng mức đầu tư của dự án được xác định không có căn cứ, cơ sở, không sát thực tế.

Thanh tra xác định đây là nguyên nhân chính dẫn đến sau nay DHB không chọn được nhà thầu EPC, phát sinh chi phí 3,5 tỷ đồng, phải điều chỉnh dự án, tăng chi phí đầu tư, mất cơ hội khi giá đạm tăng cao, bổ sung 10% thuế GTGT thiết bị nhập khẩu… dẫn đến dự án thua lỗ.

Khi thẩm định, phê duyệt dự án lần 1 (năm 2008), Tổng công ty Hóa chất Việt Nam chỉ thẩm định tổng mức đầu tư dự án, không thẩm định các nội dung khác là vi phạm Nghị định số 112/2006.NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ. Tổng mức đầu tư của dự án thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng nhưng vẫn được Tổng công ty Hóa chất Việt Nam thẩm định phê duyệt (tại quyết định số 212 ngày 19/3/2008 là 392,375 triệu USD) là thiếu căn cứ.

Dự án đầu tư bằng ngoại tệ, nhưng thẩm định, phê duyệt dự án không phân tích ảnh hưởng của yếu tố tỷ giá, quyết định phê duyệt khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Khi điều chỉnh dự án năm 2009, DHB không đủ điều kiện, năng lực nhưng vẫn tự lập dự án điều chỉnh và được thẩm định, phê duyệt là không đúng (568,646 triệu USD, tăng 44,9%).

Dự án khởi công khi chưa có giấy phép xây dựng, quá trình thi công một số tiêu chuẩn, hạng mục phụ chưa hoàn thành, các nhà thầu trong liên danh không thực hiện đúng tỷ lệ công việc đã thỏa thuận.

Đến thời điểm thanh tra, các nội dung tranh chấp của hợp đồng EPC chưa được các bên giải quyết, chi phí đầu tư của dự án chưa được quyết toán.

“Tổng mức đầu tư của dự án là 568,646 triệu USD, tỷ lệ vốn tự có của công ty chỉ chiếm 17,9%, còn lại chủ yếu là vốn vay dẫn đến chi phí lãi vay lớn, thua lỗ kéo dài”, thanh tra nêu. Theo thanh tra, số lỗ lũy kế đến 30/6/2019 là 2.887,713 tỷ đồng, có dấu hiệu hình sự trong đấu thầu lập dự án và thiếu trách nhiệm trong lập, thẩm định, quyết định phê duyệt, điều chỉnh dự án.

Thanh tra cho rằng, những vi phạm, khuyết điểm trên thuộc về Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Ban lãnh đạo Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, người đại diện phần vốn nhà nước tại DHB; Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, ban lãnh đạo DHB, các đơn vị, phòng ban, cá nhân có liên quan.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an điều tra, xác minh, xử lý theo quy định với những vi phạm có dấu hiệu hình sự.

Ngoài ra, Thanh tra cho rằng, hoạt động đầu tư tài chính của DHB nhìn chung hiệu quả không cao. Việc tái cơ cấu, cổ phần hóa còn có một số nội dung chưa đúng. Việc Tập đoàn Hóa chất quyết định tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại DHB là 97,66% là không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (chỉ sở hữu từ trên 50% đến dưới 65%), chỉ đạo không xử lý khoản lỗ khi cổ phần hóa DHB là không đúng quy định.

Về quản lý vốn, năm 2012-2014, DHB bảo toàn được vốn chủ sở hữu, nhưng từ năm 2015, Công ty thua lỗ, đến ngày 31/12/2016, tổng số nợ phải trả và vay ngân hàng chiếm 89,7% tổng tài sản và gấp 8,7 lần vốn chủ sở hữu, công ty mất cân đối dòng tiền,  khó khăn tài chính, nợ quá hạn ngân hàng.

Tin bài liên quan