Vị trí thứ bậc của văn bản pháp luật chuyên ngành quy định về điều lệ mẫu thấp hơn Luật Doanh nghiệp. Phải chăng, ý kiến cho rằng chỉ cần áp dụng Luật Doanh nghiệp trong xây dựng điều lệ mẫu là có lý?
Về nguyên tắc, cần ưu tiên áp dụng luật trên nghị định và thông tư. Trong trường hợp cụ thể là công ty cổ phần đại chúng xây dựng điều lệ, trước tiên phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp.
Luật sư Hồ Hữu Hoành.
Tuy nhiên, Ðiều 3, Luật Doanh nghiệp 2014 có nêu rõ việc áp dụng Luật Doanh nghiệp và luật chuyên ngành. Cụ thể: trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, thì áp dụng quy định của luật đó. Ðiều này có nghĩa, Luật Doanh nghiệp đã dẫn chiếu và cho phép áp dụng luật chuyên ngành đối với một số doanh nghiệp đặc thù về một số nội dung cụ thể.
Như vậy, đối với việc xây dựng điều lệ của công ty cổ phần đại chúng, theo Luật Doanh nghiệp, phải thực hiện theo quy định của pháp luật chứng khoán và các văn bản pháp quy hướng dẫn Luật Chứng khoán liên quan về vấn đề đó.
Thông tư số 95/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành điều lệ mẫu đối với công ty đại chúng có ghi: công ty đại chúng tham chiếu, áp dụng điều lệ mẫu để xây dựng điều lệ công ty. Trên thực tế xảy ra trường hợp, cổ đông yêu cầu công ty phải áp dụng điều lệ mẫu, nhưng công ty viện dẫn chữ tham chiếu, cho rằng điều lệ mẫu chỉ để tham khảo. Theo ông, quy định trên nên được hiểu như thế nào?
Tham chiếu không có nghĩa là tham khảo, mà tham chiếu là sự đối chiếu đối với cái đang có, đang soạn thảo. Khi có hai cụm từ tham chiếu, áp dụng đi cùng, thì phải hiểu là "và", chứ không phải là "hoặc". Nghĩa là, tham chiếu điều lệ mẫu để áp dụng.
Cần nói thêm, Thông tư 95 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 71/2017/NÐ-CP của Chính phủ về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng. Về cơ bản, toàn bộ nội dung của hai văn bản pháp luật này không trái với Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp. Nó là sự cụ thể hóa trong phạm vi mà Luật Doanh nghiệp cho phép. Do đó, vấn đề ở đây là cách hiểu, cách diễn dịch của người áp dụng Thông tư, Nghị định so với Luật.
Khi có những cách hiểu văn bản pháp luật khác nhau, cần phải có một cơ quan giải thích, làm rõ nội dung để tránh xảy ra tranh cãi, kiện tụng. Trong trường hợp này, cơ quan nào có trách nhiệm giải thích pháp luật?
Về nguyên tắc pháp chế, chỉ có Quốc hội, hoặc cơ quan được Quốc hội ủy quyền là Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có tư cách để giải thích pháp luật. Hiện nay, một số ý kiến đề nghị nên để Tòa án làm chủ thể giải thích pháp luật.
Ðây là một trong những vấn đề lớn của pháp luật Việt Nam. Việc làm luật ở Việt Nam theo kiểu luật khung, luật ống, luật ban hành chưa áp dụng được, phải chờ nghị định của Chính phủ hướng dẫn. Trong khi đó, về nguyên tắc, Chính phủ là cơ quan chấp pháp, chứ không phải là cơ quan giải thích pháp luật.
Thực tế, khi xảy ra bất đồng về cách hiểu luật, đa phần các chủ thể trông chờ công văn, văn bản hướng dẫn, giải thích của Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ để áp dụng. Tuy nhiên, vấn đề này nếu dẫn chiếu pháp chế thì không ổn.
Do đó, khi một trong các chủ thể không đồng thuận với văn bản giải thích của cơ quan liên quan, thì họ khởi kiện ra tòa. Có lẽ, bản án của Tòa án chính là văn bản giải thích, hướng dẫn áp dụng văn bản luật, văn bản pháp quy cuối cùng mà các bên có thể (hoặc phải) chấp nhận.