Điều kiện kinh doanh tại Việt Nam, nhiều điểm yếu

(ĐTCK) Khảo sát năm 2014 của Chương trình Khởi nghiệp toàn cầu (GEM) được công bố mới đây cho thấy, Việt Nam còn nhiều việc cần làm để cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện tốt hơn cho các DN, nhất là DN mới thành lập.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Định hướng đổi mới của các hoạt động kinh doanh

Đánh giá định hướng đổi mới của các hoạt động kinh doanh, nghiên cứu của GEM dựa vào 3 chỉ tiêu: mức độ đổi mới đối với sản phẩm, với thị trường và đổi mới công nghệ. Theo 3 chỉ tiêu này, các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam đa phần không mang tính đổi mới, ở cả các hoạt động kinh doanh mới và các hoạt động kinh doanh đã ổn định.

Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh ở giai đoạn đầu có định hướng đổi mới nhiều hơn về sản phẩm, đặc biệt về công nghệ, so với các hoạt động kinh doanh đã ổn định. Điều này cho thấy, các hoạt động kinh doanh mới thành lập đã quan tâm và đầu tư nhiều hơn đến việc áp dụng các công nghệ mới như là chìa khóa cho sự thành công.

Ở chiều ngược lại, các hoạt động kinh doanh đã ổn định có định hướng đổi mới về thị trường cao hơn, cho thấy mức độ cạnh tranh ngày càng cao và việc phát hiện những phân đoạn thị trường không có hoặc có ít đối thủ cạnh tranh là rất khó trong thời kỳ toàn cầu hóa, tự do cạnh tranh và bùng nổ thông tin ngày nay. 

Triển vọng tạo việc làm

Triển vọng tạo việc làm trong 5 năm tới có sự khác biệt rõ rệt giữa các hoạt động kinh doanh ở giai đoạn đầu và các hoạt động kinh doanh đã ổn định. Các hoạt động kinh doanh ở giai đoạn đầu có sự kỳ vọng lớn về số lượng việc làm mới được tạo thêm. Tỷ lệ các hoạt động kinh doanh ở giai đoạn này dự kiến tạo thêm từ 20 việc làm trở lên, chiếm 4,3%. Ngoài ra, 12,6% các hoạt động kinh doanh khác dự kiến tạo thêm từ 6 - 19 việc làm. Chỉ có 18,9% hoạt động kinh doanh không tạo thêm được việc làm mới.

So sánh tăng trưởng việc làm ở các quốc gia, GEM đưa ra chỉ số triển vọng tăng trưởng việc làm. Chỉ số này chọn ra các hoạt động kinh doanh dự kiến sẽ tạo ra ít nhất 10 việc làm mới và tốc độ tăng trưởng việc làm ít nhất 50% trong 5 năm.

Dựa theo chỉ tiêu này, đối với các hoạt động kinh doanh ở giai đoạn đầu, triển vọng tăng trưởng việc làm mới cùng chiều với trình độ phát triển của nền kinh tế, trong khi đối với các hoạt động kinh doanh đã ổn định thì ngược lại. Tuy nhiên, ở Việt Nam, triển vọng tăng trưởng việc làm đối với các hoạt động kinh doanh ở giai đoạn đầu hay hoạt động kinh doanh đã ổn định đều thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các nước cùng trình độ phát triển.

3 điểm yếu về điều kiện kinh doanh

Theo đánh giá của các chuyên gia, điều kiện kinh doanh ở Việt Nam năm 2014 hầu như không thay đổi so với năm 2013 cả về mức độ và thứ tự xếp hạng của các chỉ số. Cơ sở hạ tầng tiếp tục là yếu tố được đánh giá cao nhất trong điều kiện kinh doanh ở Việt Nam. Hai yếu tố tiếp theo được đánh giá cao là sự năng động của thị trường nội địa và văn hóa chuẩn mực xã hội.

Sự năng động của thị trường ở Việt Nam diễn ra với cả thị trường hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng và thị trường hàng hóa, dịch vụ cho DN. Trong 12 chỉ số về điều kiện kinh doanh, chỉ có 3 chỉ số nêu trên là đạt mức trung bình, trong đó ở 3 vị trí cuối cùng lần lượt là chương trình hỗ trợ của Chính phủ, chuyển giao công nghệ và giáo dục về kinh doanh ở bậc phổ thông.

Khi so sánh điều kiện kinh doanh ở Việt Nam với các nước tham gia vào nghiên cứu GEM năm 2014, thứ tự của các điều kiện kinh doanh có sự khác biệt. Ba chỉ số của Việt Nam có thứ hạng cao nhất là năng động của thị trường nội địa, văn hóa và chuẩn mực xã hội, chính sách của Chính phủ. Các chỉ số về điều kiện kinh doanh có thứ hạng thấp nhất của Việt Nam là giáo dục về kinh doanh sau phổ thông, chương trình hỗ trợ của Chính phủ, độ mở của thị trường nội địa.

Nhìn chung, điều kiện kinh doanh có xu hướng tốt dần lên cùng với trình độ phát triển kinh tế, nghĩa là nền kinh tế càng phát triển, điều kiện kinh doanh càng có xu hướng được cải thiện.

Ba yếu tố có thể coi là thuận lợi cho phát triển kinh doanh ở Việt Nam so với các nước khác chính là ba chỉ số có thứ hạng cao nhất của Việt Nam: năng động của thị trường nội địa, văn hóa và chuẩn mực xã hội, chính sách của Chính phủ. Ngược lại, bốn yếu tố có thể coi là kém thuận lợi cho phát triển kinh doanh ở Việt Nam so với các nước khác là giáo dục về kinh doanh ở bậc phổ thông, giáo dục về kinh doanh sau phổ thông, tài chính cho kinh doanh và chương trình hỗ trợ của Chính phủ.

So sánh với các nước ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Philipinnes, Thái Lan và Việt Nam), trong số 12 chỉ số, sự năng động của thị trường nội địa là chỉ số mà Việt Nam được đánh giá tốt hơn 4 nước còn lại, nhưng có 3 chỉ số khác của Việt Nam kém hơn, đó là tài chính cho kinh doanh, giáo dục về kinh doanh ở bậc phổ thông, giáo dục về kinh doanh sau phổ thông. Ngoài ra, chỉ số về dịch vụ hỗ trợ kinh doanh của Việt Nam chỉ cao hơn Philippines - nước có chỉ số này thấp nhất.

Tin bài liên quan