Đây được coi là cứu cánh mà đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự có thể dựa vào để yêu cầu Tòa án áp dụng, nhằm bảo toàn tình trạng tài sản hiện có của bên có nghĩa vụ, bảo đảm cho việc thi hành án và tránh hiện tượng tẩu tán tài sản. Tuy nhiên, Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP mới được ban hành hướng dẫn áp dụng quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời đã khiến một số cá nhân, tổ chức tỏ ra lo ngại về tính khả thi và hiệu quả khi triển khai áp dụng vào thực tiễn.
Chỉ được phong tỏa tài sản, tài khoản ngân hàng có giá trị bằng hoặc thấp hơn so với nghĩa vụ tài sản phải thực hiện
Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định tổng cộng 16 biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể và có thêm quy định mở về các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà luật có quy định. Có thể chia làm các nhóm chính như: các biện pháp buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ, các biện pháp kê biên, cấm chuyển dịch, thay đổi hiện trạng tài sản, biện pháp phong tỏa tài sản, tài khoản ngân hàng, biện pháp cấm hoặc buộc phải thực hiện hành vi nhất định,…
Mỗi biện pháp có thể có điều kiện áp dụng khác nhau. Trong đó, biện pháp phong tỏa tài sản, tài khoản ngân hàng chỉ được áp dụng đối với những tài sản, tài khoản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện. Giá trị tương đương ở đây về nguyên tắc có thể hiểu một cách linh động là thấp hơn, bằng hoặc cao hơn không đáng kể so với nghĩa vụ phải thực hiện. Cách hiểu linh động này nhìn chung cũng đã được nhiều chủ thể áp dụng trong khoảng thời gian khá dài từ Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 đến Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Tuy nhiên, Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP sắp có hiệu lực vào ngày 01/12/2020 lại hướng dẫn về “giá trị tương đương” theo hướng khá hẹp. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 12 Nghị quyết này quy định: “Tòa án chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị bằng hoặc thấp hơnnghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện”.
Xét ở khía cạnh nhất định, đối với biện pháp phong tỏa tài khoản ngân hàng thì quy định này có thể áp dụng được. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền có thể chỉ phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức nghĩa vụ mà chủ tài khoản phải thực hiện.
Tuy nhiên đối với những tài sản khác, đặc biệt là các tài sản không thể phân chia được, không thể phong tỏa một phần tài sản, chẳng hạn như quyền sử dụng đất, nhà ở, xe ô tô,… thì hướng dẫn như trên của Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP có phần đang hạn chế bớt những trường hợp có thể yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản. Đối với những tài sản có giá trị lớn hơn so với phần nghĩa vụ phải thực hiện thì tuyệt nhiên sẽ không được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này nữa, không phân biệt mức độ chênh lệch là lớn hay nhỏ, đáng kể hay không đáng kể.
Những lo ngại về khả năng tẩu tán tài sản của người có nghĩa vụ
Việc thay đổi này đã khiến nhiều cá nhân, tổ chức tỏ ra lo ngại, đặc biệt đối với những tổ chức là các định chế tài chính có nghiệp vụ cấp tín dụng và thường phải khởi kiện, yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để phong tỏa tài sản, tài khoản ngân hàng của người đi vay khi họ không trả được nợ.
Bởi lẽ một trong những ý nghĩa của biện pháp khẩn cấp tạm thời là nhằm tránh việc bên có nghĩa vụ thực hiện hành vi tẩu tán tài sản, thông qua các giao dịch chuyển dịch tài sản cho bên thứ ba để trốn tránh nghĩa vụ với bên có quyền.
Mặc dù về nguyên tắc, khi Tòa án đã tuyên án và chuyển qua giai đoạn thi hành án, nếu có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, thì người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.
Tuy nhiên, để chứng minh một giao dịch có phải là giao dịch nhằm tẩu tán tài sản hay không không phải là điều dễ dàng. Do đó, để tránh trường hợp sự đã rồi, nhiều người khởi kiện lựa chọn phương án nộp đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để phong tỏa tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng ngay từ khi nộp đơn khởi kiện.
Vì vậy, nếu buộc người có yêu cầu chỉ được đưa ra yêu cầu phong tỏa tài sản, tài khoản của người có nghĩa vụ có giá trị bằng hoặc thấp hơn so với nghĩa vụ tài sản phải thực hiện thì sẽ không tạo ra sự linh hoạt cần thiết trong những tình huống nhất định, khiến người có nghĩa vụ có cơ hội thực hiện các giao dịch nhằm tẩu tán tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bên có quyền. Đặc biệt là trong những trường hợp sự chênh lệch giữa giá trị tài sản bị yêu cầu phong tỏa so với nghĩa vụ phải thực hiện là không đáng kể.
Đó là chưa kể đến, để có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản, tài khoản ngân hàng của bên có nghĩa vụ, thì bên yêu cầu đã phải nộp cho Tòa án chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Tòa án ấn định tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng.
Như vậy, thiết nghĩ lẽ ra trong trường hợp nếu người có quyền đưa ra yêu cầu phong tỏa tài sản, tài khoản ngân hàng có giá trị lớn hơn so với nghĩa vụ của người có nghĩa vụ, thì hiển nhiên Tòa án có thể ấn định số tiền mà Tòa án cho rằng tương ứng với mức thiệt hại có thể xảy ra khi phong tỏa tài sản có giá trị chênh lệch so nghĩa vụ có thể phải thi hành.
Nếu có thể thực hiện như vậy, thì qua đó có thể giúp cân bằng quyền lợi giữa bên có quyền và bên có nghĩa vụ, vừa ngăn ngừa khả năng lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía bên có quyền yêu cầu, vừa ngăn ngừa khả năng tẩu tán tài sản từ phía bên có nghĩa vụ.