Phán quyết khác nhau giữa trọng tài và tòa án
Vụ việc tranh chấp bảo hiểm giữa VCM và các đồng bảo hiểm gồm Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo Việt), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng BIDV (BIC) được giải quyết tố tụng ở cả hai nơi là Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và tòa án. Hai phán quyết có kết quả khác nhau.
Theo hồ sơ vụ việc, năm 2013, VCM ký hợp đồng bảo hiểm cho nhà máy sản xuất clinker Quảng Phúc (Quảng Bình) với Bảo Việt, PTI và BIC (tỷ lệ lần lượt là 70%, 20% và 10%). Bảo Việt đại diện cho các công ty đồng bảo hiểm giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp đồng.
Ngày 30/9/2013 xảy ra sự kiện bảo hiểm là cơn bão số 10 - Wutip đổ bộ vào Quảng Bình, gây tổn thất cho nhà máy của VCM. Báo cáo giám định của Công ty Giám định Crawford Việt Nam xác định, thiệt hại của VCM gồm nhà kho là 2,7 tỷ đồng và hàng hóa trị giá 14,6 tỷ đồng. Khấu trừ số tiền VCM bán thanh lý hàng hóa được 6,2 tỷ đồng thì tổn thất clinker thực tế là 8,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phía bảo hiểm chỉ bồi thường cho VCM số tiền 2,5 tỷ đồng là tổn thất nhà kho, còn tổn thất hàng hóa thì không giải quyết với lý do “mưa to” và “gió lớn” gây ra thuộc điểm loại trừ bảo hiểm. Bảo hiểm đưa ra văn bản từ chối vào ngày 3/9/3014, tức sau khi sự kiện xảy ra gần 12 tháng.
Năm 2015, VCM khởi kiện các nhà bảo hiểm ra VIAC. Quá trình tố tụng tại VIAC, Bảo Việt đề xuất bồi thường số tiền hơn 5 tỷ đồng và sẽ thông báo kết quả cho Hội đồng trọng tài trước khi hết thời hạn ra phán quyết là ngày 28/6/2016. Tuy nhiên, ngày 17/6/2016, VIAC đã ra phán quyết bác yêu cầu khởi kiện của VCM.
Ðến cuối năm 2016, tòa án có quyết định hủy phán quyết trọng tài trên và Bảo Việt có văn bản chính thức từ chối bồi thường.
VCM tiếp tục khởi kiện vụ việc ra tòa án, buộc các nhà bảo hiểm phải bồi thường số tiền 8,3 tỷ đồng và lãi chậm thanh toán là 1,6 tỷ đồng. Năm 2018, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của VCM, buộc các nhà bảo hiểm phải thanh toán số tiền hơn 6,2 tỷ đồng và lãi chậm thanh toán là 2,4 tỷ đồng. Sau đó, phía bảo hiểm kháng cáo. Mới đây, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã giải quyết phúc thẩm vụ án này.
Kết quả xét xử phúc thẩm
Bản gốc tiếng Anh của quy tắc bảo hiểm không liệt kê “bão”, mà chỉ dẫn chiếu đến gió, mưa, mưa đá… là các nguyên nhân bị loại trừ. Ðể giải quyết vụ án, tòa án đã có công văn đến Trung tâm Dự báo khí tượng, thủy văn Quốc gia hỏi ý kiến liên quan đến vấn đề này. Trung tâm trả lời, “bão” không phải là hình thái cực trị của “gió và mưa”, “gió và mưa” là các khái niệm độc lập nhưng “bão” thường đi kèm với gió mạnh và sinh ra mưa lớn.
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, một điều khoản loại trừ phải được hiểu theo nghĩa hẹp và có lợi cho người được bảo hiểm.
Tòa án cho rằng, theo Ðiều 21, Luật Kinh doanh bảo hiểm, một điều khoản loại trừ phải được hiểu theo nghĩa hẹp và có lợi cho người được bảo hiểm. Như vậy, nguyên nhân loại trừ gồm “gió, mưa” phải được hiểu theo nghĩa thông thường và hạn hẹp nhất, nếu không, điều khoản loại trừ sẽ trở nên thiếu rõ ràng và bất lợi cho người được bảo hiểm.
Ðồng thời, theo quy định tại Ðiều 409, Bộ luật Dân sự 2005, nếu có điều khoản không rõ ràng thì phải được giải thích, hay hiểu theo hướng có lợi cho bên yếu thế.
Ngoài ra, phía bảo hiểm cho rằng, hàng hóa clinker để ngoài trời không đúng tiêu chuẩn Việt Nam 7024:2002 nên không thuộc phạm vi bảo hiểm (tức là nằm trong điểm loại trừ bảo hiểm), nhưng hợp đồng bảo hiểm không thỏa thuận về việc này. Thực tế, số lượng hàng hóa bị thiệt hại là rất lớn, hơn 21.515,4 tấn. Nhà kho không còn chỗ chứa nên VCM buộc phải để hàng ở bãi chứa ngoài trời.
Theo tòa án, bên bảo hiểm có quyền ấn định một thời hạn để bên được bảo hiểm (VCM) thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiệt hại theo Ðiều 576, Bộ luật Dân sự 2005. Nếu hết thời hạn mà bên được bảo hiểm không thực hiện thì bên bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, hoặc không bồi thường, nhưng bên bảo hiểm không làm việc này.
Chính vì vậy, tòa án xác định, có cơ sở khẳng định hàng hóa ngoài trời không nằm trong điểm loại trừ của đơn bảo hiểm. Như vậy, bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại là có căn cứ. Do đó, tòa án giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc các nhà bảo hiểm phải thanh toán số tiền 8,5 tỷ đồng cho VCM.