Điều gì sẽ xảy ra nếu khu vực đồng euro tan rã?

Điều gì sẽ xảy ra nếu khu vực đồng euro tan rã?

Khủng hoảng nợ lây lan, những vấn đề tài chính khiến lo ngại nguy cơ tan rã khu vực đồng euro lớn hơn bao giờ hết.

Kịch bản cho những thiệt hại khi khu vực đồng euro tan rã

 

Chi phí để cứu đồng euro được khẳng định là lớn ngoài sức tưởng tượng. Tuy vậy, lịch sử kinh tế đã từng trải qua một vài ví dụ về sự tan rã của các liên minh tiền tệ, dù hiếm, nhưng vẫn xảy ra. Vậy so sánh chi phí duy trì đồng euro với chi phí từ bỏ đồng tiền này thì như thế nào?

 

Câu trả lời không hề đơn giản. Để bắt đầu, có nhiều cách tan rã khác nhau: giải thể toàn bộ và quay trở lại đồng tiền gốc; chia đôi thành 2 nhóm: nhóm đồng tiền mạnh ở phía Bắc và đồng tiền yếu ở phía Nam ; hoặc loại bỏ một số nước, hay chỉ 1. Phức tạp hơn nữa là những lựa chọn bảo vệ cho nước rời đi và những nước còn lại sau khi tan rã. Tất cả những điều này không chỉ liên quan tới kinh tế mà còn là chính trị và luật pháp.

 

Lựa chọn 2 kịch bản cụ thể. Đức có thể rời bỏ, một mình hoặc với một nhóm các nền kinh tế nhỏ - Áo, Phần Lan và Hà Lan - như đề xuất gần đây của cựu lãnh đạo Liên đoàn Công nghiệp Đức Hans-Olaf Henkel. Thứ hai, nhiều khả năng hơn, Hy Lạp có thể tách ra hoặc bị buộc phải rời khỏi nhóm đồng tiền chung euro.

 

Trong mỗi trường hợp, những hậu quả tàn phá để lại cho nền kinh tế vẫn đang được nhiều chuyên gia phân tích tranh cãi. Nếu Đức rời bỏ, đồng Deutschmark mới sẽ trở thành đồng tiền quốc tế đáng sợ đe dọa tới đồng tiền lớn hơn, tốt hơn của Thụy Sĩ, và các doanh nghiệp sản xuất Đức sẽ bị ảnh hưởng.

 

Các ngân hàng Đức có thể đối phó với việc chuyển các khoản vay và tiền gửi trong nước sang đồng tiền mới, nhưng họ sẽ phải được tái cấp vốn bởi tài sản bằng đồng euro sẽ có giá trị thấp hơn tài sản bằng đồng nội tệ.

 

Nếu Hy Lạp ra đi, đồng drachma hồi sinh của nước này sẽ lao dốc - có thể tốt cho các nhà xuất khẩu nhưng sẽ khởi đầu cho những gì mà chuyên gia lịch sử tiền tệ gọi là "khởi nguồn của tất cả các cuộc khủng hoảng tài chính". Việc đồng drachma mất giá so với euro sẽ biến mọi khoản nợ bằng đồng euro thành gánh nặng ghê gớm. Cùng lúc, những người gửi tiền sẽ bắt đầu cuộc rút chạy khỏi hệ thống ngân hàng của Hy Lạp.

 

Một nghiên cứu gần đây của các chuyên gia kinh tế tại ngân hàng UBS Thụy Sĩ cho thấy chi phí cho những tình huống có thể xảy ra đều cao tới mức đáng sợ. Nếu Đức rời bỏ, nước này sẽ chịu chi phí từ 20% - 25% GDP trong năm đầu tiên và sau đó giảm xuống khoảng một nửa cho những năm tiếp theo. Nếu Hy Lạp ra đi, chi phí cho năm đầu tiên sẽ là 40% - 50% GDP và cho những năm tiếp theo là khoảng 15%.

 

Chi phí đó chỉ là rất nhỏ so với khoản mà Đức phải chi để giải cứu Hy Lạp , Ireland và Bồ Đào Nha nếu các nước này vỡ nợ. Nhưng báo cáo dựa trên giả định cực đoan rằng các nước rời bỏ khu vực đồng euro cũng sẽ phải ra khỏi Liên minh châu Âu. Các nhà chính trị chắc chắn sẽ loại bỏ tình huống này, bởi châu Âu sẽ chẳng lợi lộc gì nếu có người hàng xóm phía đông Địa Trung Hải khó khăn hay loại bỏ nền kinh tế Đức.

 

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu sẽ khăng khăng giữ gìn một thị trường duy nhất hơn là xóa bỏ đồng euro. Điều này cho thấy tác động kinh tế của sự tan rã sẽ không quá bi quan như những gì UBS dự kiến.

 

Bài học Argentina - tương lai nào cho Hy Lạp?

 

Bài học lịch sử ở đây là gì? Các liên minh tiền tệ có xu hướng sụp đổ như một phần của sự sụp đổ chính trị rộng lớn hơn. Khu vực đồng rúp đã không thể tồn tại lâu hơn Liên Xô, liên minh tiền tệ của Cộng hòa Czech và Slovakia cũng chỉ kéo dài được thêm vài tuần. Những tình huống này không hoàn toàn tương đương. Tuy nhiên, có một tiền lệ chỉ dẫn cho Hy Lạp trong việc Argentina cắt đứt liên hệ của đồng peso với USD trong khủng hoảng nợ và tiền tệ cuối 2001 và đầu 2002.

 

Argentina đã thiết lập một hình thức tương tự liên minh tiền tệ với Mỹ trong năm 1991 khi cố định tỷ giá đồng tiền của mình với USD, hỗ trợ liên kết thông qua dự trữ ngoại hối của một hội đồng quản lý tiền tệ. Những gì Argentina trải qua trong 1 thập kỷ sau đó tương tự như Hy Lạp sau khi gia nhập khu vực đồng euro năm 2001. Cả hai nước ban đầu phát triển mạnh mẽ nhưng sau đó giảm khả năng cạnh tranh và gặp vấn đề trong tài chính công. Sự suy giảm gần đây của nền kinh tế Hy Lạp tương tự như những gì Argentina đã trải qua trước khi vỡ nợ và phá giá.

 

Đó là cuộc khủng hoảng "đẫm máu", bao gồm hạn chế việc rút tiền ngân hàng và thiệt hại to lớn cho những người gửi tiền và các ngân hàng khi tài sản và các khoản nợ của họ bị thay đổi, với các tỷ giá hối đoái khác nhau. Nhưng đó được chứng minh là một bước ngoặt thật sự.

 

Sau khi giảm sản lượng mạnh mẽ, Argentina tăng trưởng 9% trong năm 2003, và tiếp tục duy trì quay mức đó cho tới khi được thử thách bởi khủng hoảng tài chính 2008 và suy thoái toàn cầu 2009. Hiện Argentina tăng trưởng gần 10%. Sự thịnh vượng hồi sinh của quốc gia này, có được nhờ nhu cầu thế giới bùng nổ với hàng hóa nông sản, diễn ra dù thực tế rằng tranh cãi về việc vỡ nợ đã khiến nước này đóng cửa thị trường vốn quốc tế.

 

Điều đó có thể là một tương lai đáng khích lệ cho Hy Lạp, nếu nước này buộc phải rời bỏ khu vực đồng euro. Thay vì kéo dài thời gian giảm tiền lương để khôi phục cạnh tranh, việc phá giá sẽ là biện pháp khắc phục nhanh chóng.

 

Tuy nhiên, tiền lệ Argentina cũng cho thấy khủng hoảng có thể khủng khiếp thế nào: tình trạng bất ổn xã hội lớn, một loạt các tổng thống bị lật đổ và nhiều hơn nữa. Khủng hoảng Hy Lạp có thể sẽ còn tồi tệ hơn. Thực tế là Hy Lạp có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn hơn nhiều Argentina, và việc cấm rút tiền ngân hàng cũng như kiểm soát vốn khiến Hy Lạp cũng sẽ đối mặt với vấn đề cực lớn khi đưa ra đồng tiền mới. Tất cả mọi thứ, từ máy tính ở bãi đỗ xe sẽ phải được cài đặt lại, hàng ngàn thứ phức tạp mới nảy sinh sẽ khiến tình hình nghiêm trọng hơn.

 

Dù vậy, lo lắng thực sự, với nhà đầu tư và các lãnh đạo châu Âu, là sự khởi đầu từ Hy Lạp có thể gây hoảng loạn tại những nơi khác, tới các ngân hàng Bồ Đào Nha, Ireland và có thể cả Italia và Tây Ban Nha. Hy Lạp có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới tài chính châu Âu so với những gì mà Argentina gây ra với chính mình.

 

Khu vực đồng euro có thể chứng minh những gì đáng thất vọng về hội nhập kinh tế, nhưng hội nhập tài chính đã diễn ra nhanh chóng - và giờ đây đang thể hiện mặt trái của điều đó. Khủng hoảng lây lan nhanh chóng mà mạnh mẽ chưa từng có, khiến rắc rối ngày càng lớn hơn và khó giải quyết hơn.