CTCP Hà Đô đã giảm hơn một nửa chỉ tiêu lợi nhuận 2011

CTCP Hà Đô đã giảm hơn một nửa chỉ tiêu lợi nhuận 2011

Điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận... để làm gì?

(ĐTCK-online) Ngày càng có nhiều doanh nghiệp thực hiện việc điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2011. Việc điều chỉnh này trước hết phản ánh việc ban lãnh đạo DN và các cổ đông nhìn thấy trước viễn cảnh DN không thể đạt được lợi nhuận như kế hoạch vì những khó khăn chung từ nền kinh tế.

CTCP Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (MCG) vừa quyết định điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2011. Cụ thể, doanh thu giảm 15%, xuống còn 1.550 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 44%, xuống 74,6 tỷ đồng. CTCP Viglacera Tiên Sơn (VIT) cũng vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc điều chỉnh giảm 44,4% lợi nhuận trước thuế, từ 36 tỷ đồng xuống còn 20 tỷ đồng. CTCP Tập đoàn Hà Đô điều chỉnh kế hoạch doanh thu năm 2011 từ 1.200 tỷ đồng xuống 730 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng được điều chỉnh xuống 136 tỷ đồng, giảm 159 tỷ đồng, tương đương giảm 54%. CTCP Xây lắp và địa ốc Vũng Tàu (VRC) còn điều chỉnh lợi nhuận sau thuế giảm gần 60% so với kế hoạch, xuống còn 33,7 tỷ đồng. CTCP đầu tư và xây dựng HUD3 (HU3) giảm chỉ tiêu tổng giá trị sản xuất - kinh doanh từ 1.163 tỷ đồng xuống 755 tỷ đồng; vốn đầu tư chỉ còn 221 tỷ đồng, giảm 64% so với chỉ tiêu đầu năm và lợi nhuận trước thuế còn 70 tỷ đồng, giảm 30% so với kế hoạch…

Ông Phạm Kinh Luân, chuyên gia chứng khoán cho rằng, việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trên thực tế không có nhiều ý nghĩa, suy cho cùng chỉ là điều chỉnh về mặt con số, để nhìn vào đó, kết quả thực tế đạt được không quá "lọt thỏm" so với kế hoạch và đây đơn thuần chỉ về mặt kỹ thuật. Cũng theo ông Luân thì việc các DN "hứa" nhưng không làm được thì đã "mất uy tín" trong mắt cổ đông, thể hiện "trình độ" hoạch định chiến lược kinh doanh còn non yếu. Nếu đến gần hết quý III/2011 DN mới công bố việc điều chỉnh kế hoạch năm thì thông tin này càng trở nên vô nghĩa. Thậm chí, có những DN gần kết thúc năm tài chính mới công bố điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.

N.V.Tuấn, một nhà đầu tư trên sàn SSI cho biết, việc DN điều chỉnh kế hoạch kinh doanh chỉ có lợi đối với ban lãnh đạo DN, bởi nếu DN hoàn thành kế hoạch thì đến cuối năm, ban điều hành sẽ được thưởng..., còn cổ đông chẳng được hưởng lợi gì. Có thể thấy, ý kiến của ông Luân cũng như nhà đầu tư Tuấn "có lý" với một số DN nhất định khi kế hoạch kinh doanh của DN được điều chỉnh mà không cần thông qua đại hội đồng cổ đông. Khi đó, việc điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận hầu như không có ý nghĩa gì đối với các cổ đông DN nói riêng và các nhà đầu tư nói chung.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, việc điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận có thể có những ý nghĩa tích cực khi nó cho biết triển vọng ngắn hạn về kết quả kinh doanh của DN, giúp cổ đông và nhà đầu tư chuẩn bị trước phương án đầu tư thay thế hoặc tăng cường (nếu có).

Trong ý nghĩa tích cực nói trên, việc một số DN qua nửa năm mới chỉ hoàn thành 20% kế hoạch lợi nhuận năm nhưng không điều chỉnh kế hoạch cho thấy DN vẫn có triển vọng lợi nhuận tốt trong phần còn lại của năm. Nhiều DN bất động sản nằm trong diện này.

Tính đến hết 2 quý đầu năm 2011, CTCP Xây dựng hạ tầng Sông Đà (SDH) chỉ đạt lợi nhuận trên 3,4 tỷ đồng trong khi kế hoạch lợi nhuận năm là 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo SDH vẫn khẳng định sẽ không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm bởi dự kiến trong quý IV, SDH sẽ bán thêm 2 dự án, mang về phần lợi nhuận kế hoạch chưa đạt được. Một số DN bất động sản khác như CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL), CTCP đầu tư và phát triển Du lịch Vinaconex (VCR)… cũng chưa có ý định giảm các chỉ tiêu kế hoạch mà đang nghiên cứu, theo dõi tình hình diễn biến trên thị trường để có kế hoạch bán hàng phù hợp nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận trong năm.

Ngoài ra, có trường hợp DN biết trước viễn cảnh lợi nhuận không như mong muốn, song cũng không điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận, vì thấy… chẳng để làm gì. Chẳng hạn, tại CTCP Hoàng Hà (HHG), mặc dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2011 đạt thấp (1,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch 8 tỷ đồng), nhưng DN cho biết chưa định điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận cả năm. Hơn nữa, để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, DN phải gửi văn bản xin ý kiến cổ đông và không phải lúc nào cũng nhận được phản hồi, nên việc này càng thêm tốn kém. Có lẽ, thay vì tổ chức các cuộc họp xin điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, lãnh đạo DN cần tìm ra phương hướng để kết quả đạt tốt nhất có thể.