Điện mặt trời mái nhà, người tiêu dùng chưa sẵn sàng vì chính sách hỗ trợ quá ngắn, chi trả chậm,...

Điện mặt trời mái nhà, người tiêu dùng chưa sẵn sàng vì chính sách hỗ trợ quá ngắn, chi trả chậm,...

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù còn những băn khoăn về chính sách, nhưng tiềm năng phát triển và sự cần thiết của việc sử dụng năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng luôn được khẳng định. 

Đó là chia sẻ của các chuyên gia tại Tuần lễ Năng lượng tái tạo 2020 do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Hành động vì khí hậu Việt Nam (VCCA), Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và các đối tác tổ chức từ ngày 25 đến 28/8, khai mạc sáng nay (25/8).

Theo các chuyên gia, Covid 19 khiến giá dầu lao dốc, giá than giảm ở mức kỷ lục tại Úc, nhưng năng lượng tái tạo là nguồn duy nhất vẫn tăng trưởng. Đầu tư cho xây dựng các nhà máy nhiệt điện than dự báo giảm 11% trong khi tính đến hết năm 2019, công suất điện mặt trời và điện gió đã tăng 15% so với năm 2018.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành các chính sách và cơ chế để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế hỗ trợ giá mua điện sinh khối, mặt trời, gió cũng như gia tăng bổ sung vào quy hoạch điện các dự án điện gió, điện mặt trời và chuẩn bị cho cơ chế đấu thầu điện mặt trời, điện gió trong giai đoạn tới.

Tính đến tháng 6/2020, tổng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo đã đi vào vận hành đạt khoảng 5.500MW, trong đó điện mặt trời áp mái đạt trên 31.750 dự án với tổng công suất là 657,88MWp. Năng lượng tái tạo hiện chiếm khoảng 10% công suất của cả hệ thống điện và Việt Nam được biết đến như một quốc gia đang dẫn đầu về tăng trưởng năng lượng tái tạo trong khu vực ASEAN.

Đáng chú ý, cơ chế giá khuyến khích đã giúp Việt Nam đạt được 1.000 MW cho điện mặt trời mái nhà chỉ trong vòng 2 năm qua, đồng thời đã tạo điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối, lắp đặt, dịch vụ, đến tài chính, bảo hiểm…, góp phần làm cho thị trường điện mặt trời tại Việt Nam sôi động hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, kết quả đạt được còn nhỏ so với tiềm năng kỹ thuật lớn ước tính tổng công suất lên tới 48.000 MW của điện mặt trời mái nhà. Nhiều người tiêu dùng vẫn chưa thực sự sẵn sàng bởi chính sách hỗ trợ quá ngắn, cách thức chi trả cho việc bán điện vẫn còn chậm, chưa có hướng dẫn tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn nên dẫn đến tâm lý lo ngại và chần chừ. Và vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ đặc biệt liên quan đến chính sách, tài chính và sáng kiến giải pháp để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tương xứng với tiềm năng.

Đây là lý do tại Tuần lễ Năng lượng tái tạo 2020, đại diện nhiều nhóm tiên phong sử dụng năng lượng mặt trời mái nhà đã có những chia sẻ về trải nghiệm thực tế tại Việt Nam.

Điện mặt trời mái nhà, người tiêu dùng chưa sẵn sàng vì chính sách hỗ trợ quá ngắn, chi trả chậm,... ảnh 1

“Cơ hội của Việt Nam cho thị trường điện áp mái là rất lớn. Đây là thị trường bán lẻ, cũng là bán buôn với thị trường rộng mở cho các ngân hàng”, Ths Phạm Xuân Hoè, Phó viện trưởng Viện Chiến lược NHNN Việt Nam chia sẻ.

Trong khi đó, ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà cho biết, Công ty đã bán được trên hơn 1 triệu sản phẩm Thái Dương năng và mới đây phát triển dòng sản phẩm FreeSolar dành cho các hộ sử dụng điện mặt trời áp mái. Tập đoàn Sơn Hà đã phối hợp với EVN, cũng như các ngân hàng để có được những chính sách tốt nhất trong việc sử dụng điện mặt trời mái nhà.

“Cần phải có cơ chế giá riêng đối với giá điện mặt trời áp mái, cũng như có chính sách để cổ vũ việc sử dụng năng lượng tái tạo. Chẳng hạn, có chính sách phân loại công trình để xác định công trình sử dụng năng lượng tái tạo. Đối với các hộ gia đình, nếu như chương trình “gia đình văn hoá” tạo nên niềm tự hào cho mỗi hộ dân, thì tại sao không đưa thêm các yếu tố về năng lượng tái tạo, sử dụng điện mặt trời áp mái để dần phổ cập rộng rãi hơn. Việc sử dụng năng lượng tái tạo biến thành niềm tự hào đối với mỗi người”, ông Tân chia sẻ.

Tin bài liên quan