Điện Gia Lai (GEC): Công ty đa dạng năng lượng tái tạo duy nhất niêm yết trên HOSE

Điện Gia Lai (GEC): Công ty đa dạng năng lượng tái tạo duy nhất niêm yết trên HOSE

(ĐTCK) Ngày 19/9/2019, Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC) chính thức niêm yết gần 204 triệu cổ phiếu với mã GEG trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển của Công ty. 

Sở hữu 14 nhà máy thủy điện, 5 nhà máy điện mặt trời

Ðến 16/9/2019, HOSE có 447 mã cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, với giá trị vốn hóa gần 144 tỷ USD, tương đương 60% GDP năm 2018.

GEC trở thành thành viên thứ 378 của HOSE, thành viên thứ 25 phân ngành dịch vụ tiện ích, trong đó 14 mã năng lượng thủy điện, nhiệt điện, khí; 10 mã là dịch vụ năng lượng và GEC là mã duy nhất hoạt động đa dạng danh mục thuộc năng lượng tái tạo.

Tổng giá trị chứng khoán niêm yết của cổ phiếu GEG đạt trên 2.038 tỷ đồng, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 27.490 đồng/cổ phiếu, biên độ giao động giá là +/-20%.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên, GEG đạt mức giá 28.000 đồng/cổ phiếu. 

Niêm yết là cột mốc quan trọng, đưa GEC đến gần hơn với các nhà đầu tư lớn, tiềm năng, tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, tăng tính minh bạch và củng cố thương hiệu GEC trên thị trường năng lượng cũng như thị trường tài chính.

GEC đang sở hữu 19 nhà máy điện với tổng công suất 286 MW, trong đó 14 nhà máy thủy điện chiếm 31% và 5 nhà máy điện mặt trời chiếm 69%.

Chiến lược đến năm 2022, GEC đẩy mạnh phát huy các loại hình đầu tư hiện hữu gồm điện mặt trời, thủy điện, đồng thời tiếp tục đa dạng các loại hình đầu tư, tập trung vào điện gió, điện áp mái.

Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) là cổ đông chiến lược tại GEC từ năm 2016, sở hữu 15,95% cổ phần và duy trì tỷ lệ này sau nhiều lần GEC tăng vốn điều lệ thông qua phát hành thêm cổ phần.

Điện Gia Lai (GEC): Công ty đa dạng năng lượng tái tạo duy nhất niêm yết trên HOSE ảnh 1

Tháng 8/2019 vừa qua, trong chuyến thăm Việt Nam để gặp gỡ các đối tác chiến lược, Tổng giám đốc IFC đã chọn Nhà máy điện mặt trời TTC Phong Ðiền, công suất 49 MWp của GEC tại tỉnh Thừa Thiên - Huế làm điểm dừng chân đầu tiên như là một trong những nhà máy kiểu mẫu thuộc danh mục đầu tư của IFC.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo GEC, Tổng giám đốc IFC đánh giá cao quá trình xây dựng nhà máy hiệu quả, vận hành chuyên nghiệp, tuân thủ các mục tiêu phát triển bền vững, qua đó góp phần cung cấp năng lượng sạch vào hệ thống năng lượng Việt Nam.

Nhà máy điện mặt trời TTC Phong Ðiền đi vào hoạt động ước tính giúp cắt giảm lượng khí CO2 khoảng 49.000 tấn/năm, góp phần bảo vệ môi trường.

Tính chung, 5 nhà máy điện mặt trời đang hoạt động của GEC giúp tổng lượng CO2 cắt giảm đạt 311.270 tấn/năm.

Cơ hội lớn với các chứng chỉ năng lượng tái tạo

GEC là nhà tiên phong trong lĩnh vực điện mặt trời tại Việt Nam, việc vận hành các nhà máy điện mặt trời không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, giảm phát thải ra môi trường, mà từng MWh điện phát ra bên cạnh việc bán cho Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) như thông thường còn có thể được bán dưới dạng chứng chỉ năng lượng tái tạo - REC hoặc I-REC hay TIGR.

Chứng chỉ năng lượng tái tạo được phát hành khi 1 MWh điện được tạo ra và cung cấp cho lưới điện từ một nguồn năng lượng tái tạo.

Trao đổi với Đầu tư chứng khoán tại lễ niêm yết, ông Tân Xuân Hiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị GEC cho biết, hiện GEC đang có kế hoạch M&A 2 dự án thủy điện với tổng công suất 52,5 MW tại Huế rất tiềm năng để có thể mở rộng danh mục Thủy điện lên gần 140 MW với 16 nhà máy. 

Năm 1990, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã có báo cáo chỉ ra tính nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và mối liên hệ giữa phát thải từ hoạt động con người đến hiện tượng nóng lên của bề mặt trái đất.

Năm 2013, IPCC công bố kết quả đo đạc nhiệt độ trung bình toàn cầu từ năm 1850 đến năm 2012, kết quả cho thấy, nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2012 cao hơn 0,85 độ C so với năm 1985.

Trên cơ sở đó, cộng đồng quốc tế đã có những hoạt động tích cực nhằm đối phó với biến đổi khí hậu thông qua các thỏa thuận như Nghị định thư Kyoto năm 2005, Thỏa thuận chung Paris năm 2015.

Ðây chính là cơ sở để những công ty có ảnh hưởng nhất thế giới cam kết 100% năng lượng tái tạo tìm kiếm các chứng chỉ năng lượng tái tạo để tuân thủ chiến lược phát triển bền vững.

Ðối với GEC, Nhà máy điện mặt trời Phong Ðiền đã thu được tiền bán chứng chỉ I-REC, Nhà máy Krông Pa đã ký xong hợp đồng và đang tiến hành đăng ký dự án lên hệ thống theo chuẩn I-REC.

GEC đang tiếp tục làm việc với các đơn vị tư vấn khác để tìm kiếm thêm đối tác mua toàn bộ chứng chỉ REC do các nhà máy thủy điện và điện mặt trời tạo ra.

Với mức phí ước tính khoảng 0,8 USD/MWh điện mặt trời và 0,35 USD/MWh thủy điện, kỳ vọng hơn 100.000 REC điện mặt trời và 230.000 REC thủy điện của GEC sẽ được bán ra thị trường.

Ðây là một trong những phương án đa dạng hóa doanh thu hiệu quả của Công ty trong năm 2019.

Bên cạnh đó, với việc trở thành đối tác lớn của Sharp tại Việt Nam qua nhiều dự án trang trại điện mặt trời, GEC đang hợp tác với Công ty cổ phần Năng lượng TTC (TTCEnergy) để cung cấp các thiết bị bao gồm tấm pin năng lượng mặt trời đạt tiêu chuẩn G7 để phát triển các dự án điện mặt trời áp mái, một trong những loại hình năng lượng mà GEC sẽ phát triển.       

Tin bài liên quan