Tầm nhìn mới
Một thông tin vừa chính thức được công bố tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2018, đó là tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm tiếp tục khả quan, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Với đà này, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ đạt mục tiêu 6,7%, thậm chí cao hơn.
Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người dự kiến chạm mốc 2.540 USD/năm. Kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát dưới 4%, bội chi ngân sách được duy trì ở mức dưới 4%, nợ công, nợ Chính phủ được quản lý và giải quyết tốt…
Đây là một kết quả rất đáng khích lệ, tiếp tục đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trên toàn cầu. Khoảng cách phát triển giữa Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới nhờ vậy đã có sự thu hẹp một cách tương đối. Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, so với thế giới và khu vực, thì Việt Nam “vẫn ở một khoảng cách khá xa về kinh tế”.
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng thu nhập quốc dân (GNI) của Việt Nam hiện chỉ bằng 12% tổng GNI của khu vực Đông Nam Á. GNI bình quân đầu người của Việt Nam cũng chỉ cao hơn của Campuchia, Myanmar và Đông - Timo trong số 11 nước trong khu vực.
Điều này đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong quá trình phát triển, nhất là khi Báo cáo Việt Nam 2035 đã đặt ra khát vọng về một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, với mục tiêu Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao, đạt 10.000 USD/người/năm tính theo giá hiện hành.
Và không chỉ là con số về thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam trong khát vọng thịnh vượng còn có kết cấu hạ tầng phát triển, có hệ thống đô thị hiện đại, rộng mở cho quá trình hội nhập và phát triển, có môi trường tự nhiên được bảo vệ bền vững, có kinh tế phát triển nhanh và bền vững…
Tầm nhìn đó, khát vọng đó là to lớn và có thể đạt được. Tuy nhiên, theo ông Sudhir Shetty, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cũng đang đối mặt với những rủi ro, thách thức mới. Chẳng hạn, xu hướng giảm tốc của kinh tế toàn cầu, sự leo thang của chủ nghĩa bảo hộ, sự biến động của các thị trường tài chính thế giới… Tất cả sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Bởi vậy, ông Sudhir Shetty cho rằng, Việt Nam phải có những định hướng chính sách mới, để làm sao giảm bớt mức độ dễ bị tổn thương trong ngắn hạn, cũng như tiếp tục cải cách nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, trong đó có cải cách về chính sách thương mại và đầu tư…
Không chỉ những thách thức đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nhắc đến những thách thức, cũng như cả các cơ hội của Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang biến đổi toàn cầu.
Theo Bộ trưởng, vấn đề của Việt Nam hiện nay chính là một số yếu tố cấu thành năng lực đổi mới sáng tạo vẫn còn yếu kém; hệ thống pháp lý và hạ tầng chưa đủ hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển một nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; nguồn lực trong nước cũng hạn chế; khu vực tư nhân trong nước chưa đủ mạnh để thực sự trở thành một động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế đất nước…
Thách thức của Việt Nam còn là làm sao để duy trì tăng trưởng cao trong dài hạn, điều kiện tiên quyết để có thể bắt kịp và vượt lên trong tiến trình phát triển chung của thế giới.
Cùng với đó là cải thiện chất lượng tăng trưởng, điều kiện tiên quyết để có thể tăng trưởng ở mức cao và duy trì trong dài hạn. Tất cả các yếu tố này đòi hỏi Việt Nam phải tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, để biến tầm nhìn mới, khát vọng thịnh vượng nói trên trở thành hiện thực.
Động lực mới
Không phải ngẫu nhiên VRDP lần thứ nhất lại lấy chủ đề là “Tầm nhìn mới, động lực tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới”. Tầm nhìn mới đã được nhấn mạnh, nhưng câu hỏi đặt ra là, đâu là động lực mới trong tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0?
Tài nguyên thiên nhiên - trên thực tế đang dần cạn kiệt và nguồn lao động giá rẻ chắc chắn không thể tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Bởi thế, theo các chuyên gia kinh tế, có 4 động lực quan trọng cần được nhắc tới. Đó là phát triển khu vực tư nhân, năng lực đổi mới sáng tạo, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và thể chế hiện đại, hiệu quả.
Trong số này, có 2 động lực tăng trưởng mới được đặc biệt nhấn mạnh là đổi mới sáng tạo trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân. Đây cũng chính là nội dung được các chuyên gia, các đối tác phát triển, khu vực tư nhân và các nhà hoạch định chính sách tập trung thảo luận tại VRDP.
“Ở các nền kinh tế phát triển, kinh tế tư nhân thường chiếm tới 80-90% GDP, còn tại các nền kinh tế đang phát triển, con số này thường thấp hơn”, ông Rich Mc Clellan, Công ty McKinsey bày tỏ quan điểm và cho biết, ở Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân chính thức chiếm ít hơn 10% GDP, trong khi khu vực tư nhân phi chính thức chiếm 1/3 GDP, đưa tổng con số đóng góp của khu vực tư nhân trong GDP lên 42%.
Tuy vậy, điều quan trọng, theo ông Rich Mc Clellan, là phải tiếp tục phát triển khu vực tư nhân trong nước, làm sao để thúc đẩy sự chuyển dịch của khu vực phi chính thức thành chính thức, tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước và tăng cường hệ sinh thái xung quanh các doanh nghiệp FDI.
Trong khi đó, ông Huỳnh Thế Du (Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright) lại đặc biệt nhấn mạnh đến năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về năng lực đổi mới sáng tạo, nhưng khoảng cách với thế giới vẫn còn rất lớn.
Và mặc dù đầu vào năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam khá tốt, Việt Nam cũng có cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mang lại, nhưng năng lực và nhu cầu đổi mới sáng tạo của Việt Nam lại đang cản trở khả năng bước lên các nấc thang giá trị cao hơn.
“Vấn đề đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có thể cất cánh dựa trên nền tảng này”, ông Huỳnh Thế Du nhấn mạnh.
Một cách khá rõ ràng, các đơn vị đồng chủ trì VRDF, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đang đặt kỳ vọng vào các ý kiến đóng góp, thảo luận của các đại biểu tham dự Diễn đàn, làm sao để Việt Nam có thể vượt qua thách thức, nắm bắt thành công các cơ hội phát triển và phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng mới của đất nước.
Hiện thực hóa khát vọng
Đã xác định được động lực tăng trưởng mới trong kỷ nguyên mới, thì quan trọng là Việt Nam sẽ phải hành động chính sách như thế nào?
Trên thực tế, thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp chính sách, cũng như thực hiện nhiều cải cách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Một trong số đó là, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cũng chính Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành các nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về tiếp tục cơ cấp lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước…
Chính phủ, cộng đồng và người dân đã và đang có những hoạt động cụ thể hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia.
Bên cạnh đó, Chính phủ, cộng đồng và người dân đã và đang có những hoạt động cụ thể hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có sáng kiến thành lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0…
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong trung và ngắn hạn, các hành động ưu tiên để thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững nên tiếp tục hướng vào việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống đổi mới, sáng tạo quốc gia… Đồng thời, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy và nâng cao chất lượng tăng trưởng…
“Các hoạt động ưu tiên nói trên cần được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả do mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, có những hành động mang tính nhân quả. Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới môi hình tăng trưởng là tiền đề để có thể tăng trưởng nhanh và bền vững trong dài hạn, trong khi phát triển khu vực tư nhân sẽ tạo ra lực lượng to lớn tham gia trực tiếp vào các hoạt động cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, cải cách doanh nghiệp nhà nước không chỉ giúp khu vực này hoạt động hiệu quả hơn, mà còn đảm bảo cơ chế thị trường vận hành hiệu quả, góp phần tích cực vào phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Những hành động để vượt qua thách thức, hiện thực hóa khát vọng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất dự kiến sẽ được tập trung thảo luận tại VRDP.