Diễn biến lạ trên thị trường vàng và ngoại tệ

Diễn biến lạ trên thị trường vàng và ngoại tệ

Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới nới rộng thêm cả triệu đồng mỗi lượng, tỷ giá chợ đen lao nhanh qua mốc 21.000 đồng sau nhiều tháng yên sóng.

Cảnh rồng rắn xếp hàng mua vàng lẻ, nhẫn tròn trơn trong ngày 10 tháng Giêng Âm lịch (tức 19/2) gây ngạc nhiên cho không ít người. Lệ mua cầu may các năm trước chỉ phổ biến trong Nam , nay lan ra cả Hà Nội. Nhân viên các cửa hàng làm việc không ngơi tay, khách chen nhau chờ đợi đến phờ phạc để mua cho được một hai chỉ cầu may. Nhiều nơi tới tận 6-7h tối vẫn nườm nượp khách, càng khiến một số con phố thêm tắc nghẽn vào giờ tan tầm.

 

Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố vẫn ở mốc cố định suốt nhiều tháng qua, nhưng niêm yết mua bán tại các ngân hàng thương mại ngày 19/2 tăng 30-40 đồng mỗi đôla so với phiên giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết. Các điểm thu đổi không phép sau thời gian yên ắng vì lệnh cấm và kiểm tra gắt gao của cơ quan quản lý nay cũng rôm rả báo giá trở lại, bán ra đắt thêm hơn 100 đồng.

 

Dân buôn đô chợ đen phỏng đoán giá tăng có thể do các gia đình đang lo nguồn ngoại tệ cho con du học hoặc trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết. Một số ý kiến cho rằng tâm lý trên thị trường bị xáo trộn khi có nhiều chuyên gia đề xuất nên phá giá tiền đồng 2-3% để hỗ trợ xuất khẩu, cho dù Ngân hàng Nhà nước không đề cập tới chuyện này.

 

Giới kinh doanh vàng lấy lý do cung cầu bất hợp lý để giải thích hiện tượng giá trong nước tiếp tục bỏ xa thế giới. Đại diện SJC cho rằng hai ngày giao dịch đầu năm, sức mua vàng tăng lên nhưng ít người bán ra, doanh nghiệp khó cân đối trạng thái nên không thể giảm giá nhanh theo thế giới. "Nguồn vàng miếng hiện nay chỉ có giới hạn nên giá trong nước khó giảm xuống", vị này nói.

Diễn biến lạ trên thị trường vàng và ngoại tệ ảnh 1

Giá vàng trong nước đắt hơn thế giới gần 5 triệu đồng

 

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ cho hay Ngân hàng Nhà nước đã cho các doanh nghiệp và ngân hàng tạm xuất vàng phi SJC và tái nhập vàng nguyên liệu về, nhưng đến nay vẫn chưa thể dập sang vàng miếng SJC vì chờ hoàn tất thủ tục. Trong khi đó, lực mua những ngày đầu năm gia tăng khiến cung cầu căng thẳng cục bộ, đẩy giá tăng cao.

 

Tuy nhiên, thị trường sôi động trong ngày Thần Tài không phải lý do chính khiến chênh lệch giá trong nước và thế giới nới rộng từ quanh vùng 3 triệu đồng mỗi lượng trước Tết, lên 4,3 triệu đồng trong ngày 18/2 và gần 5 triệu đồng trong ngày 19. Lượng khách đến cửa hàng đông, nhưng mỗi người chỉ mua một hai chỉ, nên tính chung doanh số tại các hệ thống lớn như SJC, DOJI hay PNJ cũng chỉ hơn 1.000 lượng, tương đương với một ngày giao dịch trung bình của vàng miếng thời còn sôi động.

 

Theo Chủ tịch Tập đoàn DOJI Đỗ Minh Phú, thị trường thế giới giảm quá nhanh trong những ngày Việt Nam đang nghỉ giao dịch Tết. Khi mở cửa trở lại, doanh nghiệp trong nước không dám điều chỉnh mạnh theo vì lo ngại đà giảm của thế giới không bền. Trong khi đó các nguồn cung ứng vàng cho thị trường trong nước hiện còn khá mơ hồ. Ngân hàng Nhà nước sau những tuyên bố mạnh mẽ về việc tham gia mua bán can thiệp và bình ổn thị trường, nay vẫn chưa có động thái rõ ràng vì phải chờ thông qua các văn bản liên quan.

 

"Các bên hiện nay đều có tâm lý chờ đợi và nghe ngóng. Lực bán ra hầu như không đáng kể bởi giá hiện nay vẫn còn thấp so với mức các ngân hàng phải mua vào để tất toán trạng thái trước đó", ông nói.

 

Một thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng giá vàng trong nước chênh lệch tới 5 triệu đồng một lượng so với thế giới là không thể chấp nhận, dễ dẫn đến hiện tượng đầu cơ, làm giá, gây bất ổn thị trường. Không chỉ thế, nếu để tình trạng này tồn tại lâu, sẽ rất khó tránh khỏi việc gom USD nhập lậu vàng, gây áp lực lên tỷ giá.

 

"Diễn biến hiện nay không giống với những gì Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực làm và thành công trong năm 2012, đó là ngăn biến động từ thị trường vàng lan tỏa tới tỷ giá", một chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực tài chính tiền tệ bình luận. Vị chuyên gia này không đưa ra lý giải của mình về đà tăng tỷ giá, chỉ cho biết đang phân tích một loạt các dữ kiện về cung cầu ngoại tệ thực trên thị trường, động thái cho xuất vàng miếng để nhập vàng nguyên liệu, xu hướng dịch chuyển vốn của các nhà đầu tư tài chính quốc tế tại Việt Nam...

 

Ngân hàng Nhà nước hiện chưa đưa ra thông điệp chính thức về tình hình tỷ giá, giá vàng hai ngày qua. Một đại diện của cơ quan này chỉ cho biết trạng thái ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại hiện vẫn rất ổn, thị trường vàng không xuất hiện các lực mua lớn bất thường.

 

"Quyết định về việc Ngân hàng Nhà nước mua bán vàng miếng đang chờ thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi được Thủ tướng thông qua. Thông tư hướng dẫn và quy chế đấu thầu cũng sắp hoàn tất khâu lấy ý kiến các bên. Khi các văn bản này được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đủ lực và sẵn sàng can thiệp thị trường", ông nói.