* MBS khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu NT2
Chúng tôi đưa ra khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 23.900 đồng/CP (tiềm năng tăng giá bao gồm tỷ suất cổ tức đạt 19%) dựa trên 2 phương pháp DCF và EV/EBITDA với tỷ trọng tương đương. NT2 là cổ phiếu có tính phòng thủ cao, rủi ro tài chính thấp và có triển vọng lợi nhuận phục hồi rõ rệt từ 2025. Theo đó, NT2 phù hợp với chiến lược đầu tư ngành phòng thủ nhờ tỷ suất cổ tức hợp lý. Tiềm năng tăng giá bao gồm 1) Các khoản lỗ tỷ giá được EVN thanh toán; 2) Có cơ chế dài hạn để các nhà máy khí nội địa được cấp LNG từ 2025. Rủi ro giảm giá: 1) Tình trạng thiếu khí trầm trọng hơn dự kiến; 2) Tăng trưởng nhu cầu điện không cao như dự kiến.
Không được như kỳ vọng của MBS, sau tuần giao dịch khởi sắc cuối cùng của năm 2024, cổ phiếu NT2 đã giao dịch rung lắc nhẹ trong tuần ngắn ngày đầu tiên của năm mới. Cụ thể, với 2 phiên tăng và 2 phiên giảm đều trong biên độ hẹp, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu NT2 không có biến động và giữ nguyên mức giá 20.850 đồng/CP.
* MBS ưa thích cổ phiếu MWG và PNJ
Chúng tôi ưa thích MWG trong năm 2025 với kỳ vọng vào sự thành công mở rộng của Bách Hóa Xanh và sự phục hồi mạnh mẽ hơn nữa của nhu cầu tiêu thụ điện tử tiêu dùng. Bên cạnh đấy, chúng tôi cũng ưa thích PNJ với định giá hấp dẫn.
Trái với nhận định của công ty chứng khoán, cặp đôi cổ phiếu MWG và PNJ đã có tuần giao dịch không như kỳ vọng. Thông tin đáng chú ý liên quan đến cổ phiếu MWG là việc chuỗi Bách hóa Xanh nhập giá đỗ ngâm hóa chất ở Đắk Lắk.
Kết thúc tuần qua, cổ phiếu MWG đã đón nhận 3 phiên giảm, trong đó phiên cuối tuần 3/1 giảm khá sâu và 1 phiên đứng giá tham chiếu ngày 31/12/2024. Tổng cộng, giá cổ phiếu MWG giảm 2.800 đồng (-4,56%) từ mức 61.400 đồng/CP xuống 58.600 đồng/CP.
Trong khi đó, những thông tin khả quan về hoạt động kinh doanh với doanh thu tháng 11 đạt hơn 2.800 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 276 tỷ đồng, tăng trưởng gần 40% và là mức lợi nhuận cao nhất trong 9 tháng, nhưng cổ phiếu PNJ đã có tuần điều chỉnh giảm. Cụ thể, với 2 phiên tăng, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 1 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu PNJ giảm 1.000 đồng (-1,02%) từ mức 97.600 đồng/CP xuống 96.600 đồng/CP.
* MBS lựa chọn các cổ phiếu KDH, DXG và NLG; KBSV khuyến nghị mua KBC
Chúng tôi lựa chọn các cổ phiếu KDH, DXG và NLG dựa trên các tiêu chí sau: 1) nền tảng tài chính vững mạnh, 2) các dự án có pháp lý rõ ràng, kỳ vọng đạt tỷ lệ hấp thụ cao, và 3) các dự án BĐS tại TP.HCM và các tỉnh vệ tinh, nơi được kỳ vọng đón nhận sự trở lại của các dòng vốn đầu tư.
Dựa trên triển vọng kinh doanh và kết quả định giá, KBSV đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu KBC, mức giá mục tiêu là 34.400 đồng/cổ phiếu, cao hơn 26% so với mức giá đóng cửa 27.250 đồng/CP ngày 30/12/2024.
Cũng như phần lớn các cổ phiếu trên sàn, cả 3 mã bất động sản KDH, DXG và NLG đều có tuần không mấy khả quan trong bối cảnh thị trường chung thiếu thuận lợi. Cụ thể, với 3 phiên giảm và 1 phiên tăng nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu KDH giảm 1.000 đồng (-2,8%) từ mức 35.800 đồng/CP xuống 34.800 đồng/CP.
Tương tự, cổ phiếu NLG cũng đón nhận 3 phiên giảm và 1 phiên tăng nhẹ, tính chung tuần qua, giá cổ phiếu NLG giảm nhẹ 350 đồng (-0,96%) từ mức 36.400 đồng/CP xuống 36.050 đồng/CP.
Tuần qua, cổ phiếu KBC cũng có 3 phiên giảm và chỉ 1 phiên hồi phục nhẹ ngày 2/1. Tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu KBC giảm nhẹ 500 đồng (-1,81%) từ mức 27.650 đồng/CP xuống 27.150 đồng/CP.
Trong khi đó, cổ phiếu DXG đã cân bằng hơn sau tuần lao dốc mạnh trước đó. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, 1 phiên đứng giá và 1 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu DXG không có biến động, giữ nguyên ở mức giá 15.700 đồng/CP.
* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu SAM
Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu của CTCP SAM HOLDINGS (SAM – sàn HOSE) với giá mục tiêu 9.000 đồng/CP, chúng tôi đánh giá định giá của SAM khá hấp dẫn với định giá tài sản lớn của doanh nghiệp và nhiều câu chuyện tiềm năng trong tương lai. Câu chuyện SAM tích cực tái cơ cấu doanh nghiệp mạnh tay cắt bỏ các mảng kinh doanh không hiệu quả cũng là điểm bứt phá cho doanh nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, các khoản đầu tư của SAM có nhiều tiềm năng đem lại giá trị lớn và có khả năng triển khai khi bộ máy Ban lãnh đạo mới tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp.
Mặc dù SAM có chuỗi tăng khá tốt trong những ngày cuối cùng của năm 2024, nhưng đã không “đủ sức” để giúp mã này thoát khỏi xu hướng điều chỉnh bởi những phiên giảm mạnh của năm mới 2025, đặc biệt là phiên giảm sát giá sàn trong ngày cuối tuần 3/1. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu SAM giảm 340 đồng (-4,73%) từ mức 7.190 đồng/CP xuống 6.850 đồng/CP.
* Theo KBSV, cổ phiếu VCI và HCM có mức định giá hấp dẫn
KBSV cho rằng nhóm chứng khoán hiện đang ở vùng định giá tương đối hấp dẫn với kì vọng thị trường chứng khoán sẽ có mức tăng tốt trong năm 2025 về cả giá và thanh khoản cùng tác động tích cực của kì vọng nâng hạng thị trường. Nhà đầu tư có thể xem xét và lựa chọn đầu tư đối với nhóm cổ phiếu có lợi thế về khai thác khách hàng tổ chức, có nguồn lực mạnh mẽ và đang ở mức định giá hấp dẫn như VCI và HCM.
Trái với nhận định của KBSV, nhóm cổ phiếu chứng khoán nói chung và cặp đôi VCI cùng HCM nói riêng đã có tuần giao dịch không như mong đợi. Trong đó, cổ phiếu VCI đã đón nhận 3 phiên giảm và chỉ 1 phiên tăng ngày 2/1, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu VCI giảm 950 đồng (-2,81%) từ mức 33.750 đồng/CP xuống 32.800 đồng/CP.
Tương tự, cổ phiếu HCM có 3 phiên giảm và 1 phiên tăng ngày 30/12/2024, tính chung tuần qua, giá cổ phiếu HCM giảm 900 đồng (-3,06%) từ mức 29.450 đồng/CP xuống 28.550 đồng/CP.
* MBS khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu CTG, VIB, TPB
Chúng tôi ưa thích CTG, VIB và TPB do: 1) hưởng lợi từ đầu tư công; 2) trích lập dự phòng cao trong năm 2024 để cải thiện bộ đệm dự phòng năm 2025; 3) tăng trưởng lợi nhuận ròng 2025-2026 cao và 4) định giá hấp dẫn. Rủi ro giảm giá đối với ngành bao gồm: 1) nhu cầu tín dụng tiêu dùng phục hồi chậm hơn kỳ vọng và lãi suất cho vay vẫn ở mức thấp trong thời gian dài hơn dự kiến và 2) hoạt động xuất khẩu và giải ngân đầu tư công chậm hơn kỳ vọng.
Bên cạnh giao dịch ảm đạm của các cổ phiếu chứng khoán, nhóm cổ phiếu vua cũng đồng loạt đảo chiều điều chỉnh giảm do chịu áp lực bán gia tăng sau tuần khởi sắc khi là điểm tựa cho thị trường hồi phục trong tuần cuối cùng của năm 2024. Trong đó, cổ phiếu CTG đã đón nhận 2 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu CTG giảm 1.600 đồng (-4,12%) từ mức 38.800 đồng/CP xuống 37.200 đồng/CP.
Cổ phiếu VIB kém khả quan hơn dù có thông tin Phó tổng giám đốc Ngân hàng đăng ký mua vào 12 triệu cổ phiếu. Tính chung tuần qua, với 1 phiên đứng giá tham chiếu và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu VIB giảm 900 đồng (-4,5%) từ mức 20.050 đồng/CP xuống 19.150 đồng/CP.
Cùng trong xu hướng chung, cổ phiếu TPB đã đón nhận 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu TPB giảm 550 đồng (-3,28%) từ mức 16.750 đồng/CP xuống 16.200 đồng/CP.
* SHS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VTP
Dựa trên kết quả định giá lần đầu đối với cổ phiếu VTP, bằng cách sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) và phương pháp so sánh tương quan P/S, SHS đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VTP, mức giá mục tiêu trong vòng 12 tháng tới là 168.900 VND/cổ phiếu, cao hơn 20,6% so với mức giá đóng cửa ngày 23/12/2024. Dự báo 10 - 15 năm tới logistics đóng vai trò quan trọng và là lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế. VTP có vị thế tốt để hưởng lợi nhờ tầm nhìn, hệ thống công nghệ và hệ thống hạ tầng logistics.
Bất chấp xu hướng chung kém khả quan và hầu hết các cổ phiếu trên thị trường khó tránh khỏi diễn biến điều chỉnh giảm, cổ phiếu thị giá lớn là VTP đã ngược dòng “tỏa sáng”. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng liên tiếp, tổng cộng giá cổ phiếu VTP tăng 11.700 đồng (+8,83%) từ mức 132.500 đồng/CP lên 144.200 đồng/CP.