Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã có tuần giao dịch đầu tiên của năm mới 2022 khá thành công khi chỉ số VN-Index tăng tốc và lập đỉnh lịch sử mới. Tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị lại "chạy chậm" hơn và không được như kỳ vọng.

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* BVSC khuyến nghị tích cực GDT với giá mục tiêu 71.800 đồng/CP

Chúng tôi duy trì khuyến nghị Outperform và giữ nguyên giá mục tiêu 1 năm theo Phương pháp Chiết khấu dòng cổ tức đối với GDT ở mức 71.800 đồng/cp (Upside: 23,7%).

Trái với khuyến nghị của BVSC, mới đây, Gỗ Đức Thành công bố ước kết quả kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận sau thuế đạt 56 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với thực hiện năm 2020, đã phần nào ảnh hưởng tới diễn biến cổ phiếu GDT trong tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng duy nhất ngày cuối tuần 7/1 và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GDT giảm 1.400 đồng (-2,2%) từ mức giá 63.400 đồng/CP xuống 62.000 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua đối với HAX với mức giá mục tiêu là 37.000 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu HAX với mức giá mục tiêu là 37.000 đồng/CP được xác định bởi phương pháp định giá P/E với P/E mục tiêu 2022 = 8.6x nhằm phản ánh (1) sự chuyển biển tích cực của ngành và sự tăng trưởng mạnh mẽ về mặt lợi nhuận doanh nghiệp và (2) mức P/E hợp lý tăng lên do bối cảnh lãi suất thấp.

Không được như kỳ vọng của BSC, cổ phiếu HAX tuần qua khá rung lắc với thanh khoản sụt giảm khá mạnh. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HAX tăng nhẹ 400 đồng (+1,37%) từ mức giá 29.200 đồng/CP lên 29.600 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị nhà đầu tư chốt lãi D2D tại ngưỡng 70

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá này. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA20 và MA50, cho thấy đà tăng giá mạnh mẽ.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 65.3, chốt lãi tại ngưỡng 70 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 60.

Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn là điểm nhấn của thị trường và cổ phiếu D2D cũng có tuần giao dịch đầu năm 2022 khá khởi sắc sau những phiên điều chỉnh liên tiếp vào cuối năm 2021. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 1 phiên giảm ngày cuối tuần 7/1, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu D2D tăng 4.800 đồng (+8,04%) từ mức giá 59.700 đồng/CP lên 64.500 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị nhà đầu tư chốt lãi cổ phiếu GVR tại ngưỡng 43

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá này. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA20 và đang kiểm tra lại ngưỡng MA50, cho thấy xu hướng tăng giá sắp hình thành.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 38.4, chốt lãi tại ngưỡng 43.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 37.5.

Tương tự D2D, một cổ phiếu khác trong nhóm bất động sản khu công nghiệp là GVR cũng có diễn biến tích cực dù doanh nghiệp mới thông qua việc điều chỉnh giảm gần 1.000 tỷ đồng kế hoạch lợi nhuận năm 2021. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 1 phiên giảm ngày cuối tuần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GVR tăng 1.550 đồng (+4,2%) từ mức giá 36.950 đồng/CP lên 38.500 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu KBC

Chúng tôi giữ khuyến nghị khả quan cho Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) và tăng giá mục tiêu thêm 20% lên 68.100 đồng/CP.

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp KBC cũng giao dịch khởi sắc cùng thanh khoản tăng vọt trong tuần đầu tiên của năm 2022. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 1 phiên giảm vào ngày 5/1, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu KBC tăng 1.200 đồng (+1,97%) từ mức giá 60.800 đồng/CP lên 62.000 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PVT

Chúng tôi khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PVT với giá mục tiêu 28.200 đồng/CP.

Mới đây, PVTrans ước lợi nhuận trước thuế năm 2021 vượt 950 tỷ đồng, gần gấp đôi kế hoạch đề ra. Thông tin tích cực này tiếp tục giúp PVT duy trì đà tăng nhẹ trong tuần đầu tiên của năm 2022. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVT tăng 900 đồng (+3,73%) từ mức giá 24.100 đồng/CP lên 25.000 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PLC

Chúng tôi khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PLC với giá mục tiêu 48.900 đồng/CP.

Đúng như dự báo của BSC, cổ phiếu PLC đã có tuần giao dịch khởi sắc cùng thanh khoản tăng vọt, gấp 2-3 lần mức thanh khoản trung bình của tuần trước đó. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 1 phiên giảm ngày 6/1, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PLC tăng 3.300 đồng (+7,97%) từ mức giá 41.400 đồng/CP lên 44.700 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị nhà đầu tư chốt lãi HT1 tại ngưỡng 28.3

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA20 và MA50, cho thấy xu hướng tăng giá đã hình thành.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 23.9, chốt lãi tại ngưỡng 28.3 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 22.9.

Cổ phiếu HT1 vẫn duy trì đà tăng điểm trong tuần đầu tiên của năm mới 2022. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HT1 tăng 1.150 đồng (+5,15%) từ mức giá 22.350 đồng/CP lên 23.500 đồng/CP. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà BSC đưa ra là 28.3, thì thị giá hiện tại của HT1 còn thấp hơn gần 17%.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu HSG với giá mục tiêu 44.700 đồng/CP

Chúng tôi kết hợp đồng thời phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do DCF và phương pháp so sánh P/E đưa ra khuyến nghị mua mã cổ phiếu HSG với giá mục tiêu 44.700 đồng/CP tức upside 20% so với thị giá.

Trái với khuyến nghị của BSC, cổ phiếu HSG nói riêng và nhóm ngành thép nói chung vẫn chưa “bình phục”. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng duy nhất ngày 4/1 và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HSG giảm 2.050 đồng (-5,48%) từ mức giá 37.400 đồng/CP xuống 35.500 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị nhà đầu tư chốt lãi PNJ tại ngưỡng 110.2

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA20, ủng hộ cho xu hướng tăng giá ngắn hạn, tuy nhiên về trung hạn cần theo dõi khi MA20 vượt lên trên MA50 và có một phiên bùng nổ về khối lượng.

Nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mở vị thế tại ngưỡng 96.0, chốt lãi tại ngưỡng 110.2 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 90.6.

Thông tin Chủ tịch HĐQT Cao Thị Ngọc Dung đã bán 5 triệu cổ phiếu phần nào ảnh hưởng tới diễn biến cổ phiếu PNJ tuần qua. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên tăng nhẹ ngày 4/1 và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PNJ giảm 2.300 đồng (-2,39%) từ mức giá 96.200 đồng/CP xuống 93.900 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu MBS và BVS

Chúng tôi khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu MBS với giá mục tiêu 46.500 đồng/CP, đồng thời khuyến nghị khả quan dành cho BVS với giá mục tiêu 45.900 đồng/CP.

Sau một năm khá thành công khi có tới 32/33 mã chứng khoán ghi nhận mức tăng 3 chữ số phần trăm, trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2022, hầu hết các cổ phiếu này đều có trạng thái rung lắc. Cụ thể, với MBS đã đón nhận 2 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MBS giảm 200 đồng (-0,5%) từ mức giá 40.400 đồng/CP xuống 40.200 đồng/CP.

Trong khi đó, BVS đón nhận 2 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BVS tăng nhẹ 900 đồng (+2,24%) từ mức giá 40.100 đồng/CP lên 41.000 đồng/CP.

Tin bài liên quan