Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã chứng kiến tuần giao dịch khá tích cực khi dòng tiền mạnh được luân chuyển qua các nhóm cổ phiếu giúp nhiều mã tăng vọt. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* BSC khuyến nghị nhà đầu tư có thể chốt lãi cổ phiếu FCN tại ngưỡng 17.0

Đường giá cổ phiếu đã vượt lên MA20 và MA50, báo hiệu xu hướng tăng giá tích cực. Tuy nhiên việc RSI ở vùng quá bán cho thấy cổ phiếu có thể xuất hiện 1,2 phiên điều chỉnh nhẹ trước khi quay trở lại xu hướng tăng điểm.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh vùng giá 13.0, chốt lãi tại ngưỡng 17.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ 12.15.

Mặc dù còn khá xa so với giá mục tiêu mà BSC đưa ra nhưng tuần qua, cổ phiếu FCN nói riêng và dòng bất động sản, xây dựng nói chung đã giao dịch khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng, trong đó phiên 12/8 tăng trần và 1 phiên giảm ngày 11/8, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FCN tăng 1.300 đồng (+10,66%) từ mức giá 12.200 đồng/CP lên 13.500 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua đối với HDG với giá mục tiêu 60.000 đồng/CP

Những khoản mục này nói chung là phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua đối với HDG với giá mục tiêu 60.000 đồng/CP và mức sinh lời dự phóng là 7%, dựa theo giá đóng cửa ngày hôm nay.

Tương tự, cổ phiếu bất động sản HDG cũng diễn biến tích cực khi đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm duy nhất vào giữa tuần 11/8. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HDG tăng 2.700 đồng (+4,72%) từ mức giá 57.200 đồng/CP lên 59.900 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị chốt lãi khi cổ phiếu PVT tiếp cận ngưỡng giá 23.5, PSI điều chỉnh giá mục tiêu lên 26.000 đồng/CP

Theo BSC, nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 20 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng giá 23.5 Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 18.5.

Trong khi đó, PSI điều chỉnh giá mục tiêu của PVT lên 26.000 đồng/CP tương ứng P/E Forward 2021 đạt 9,9 với triển vọng kinh doanh tăng trưởng trong 2021 nhờ nhu cầu vận tải tích cực.

Bên cạnh kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 439 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch cả năm, cổ phiếu PVT cũng phần nào hưởng lợi từ diễn biến chung khởi sắc của nhóm cổ phiếu vận tải biển, đặc biệt là cú tăng tốc ngoạn mục cả về giá và thanh khoản trong ngày cuối tuần 13/8.

Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng, trong đó phiên 13/8 tăng trần và 1 phiên giảm nhẹ vào giữa tuần 11/8, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVT tăng 2.900 đồng (+15,18%) từ mức giá 19.100 đồng/CP lên 22.000 đồng/CP.

* MBS và KBSV cùng khuyến nghị mua cổ phiếu VPB

MBS định giá cổ phiếu VPB với mức giá mục tiêu 86.900 đồng/CP dựa trên 2 phương pháp Thu nhập thặng dư (RI) và so sánh P/B và P/E. Chúng tôi sử dụng chi phí sử dụng vốn cổ phần (Re) ở mức 12.8% cho phương pháp RI và mức P/B 2.2x cũng như P/E 13.3x cho phương pháp định giá tương đối (so sánh P/B và P/E). Đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VPB.

Trong khi đó, dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB. Giá mục tiêu là 75.400 đồng/CP, cao hơn 24,6% so với giá tại ngày 10/08/2021.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần qua đã có những tín hiệu tích cực nhưng diễn biến phân hóa vẫn diễn ra khá mạnh. Trong đó, cổ phiếu VPB với những thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh cùng lộ trình chia cổ tức, đã giao dịch khởi sắc tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm ngày 10/8, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VPB tăng 2.700 đồng (+4,46%) từ mức giá 60.600 đồng/CP lên 63.600 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị chốt lãi khi cổ phiếu VGI tiếp cận ngưỡng giá 38.0

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng hồi phục tích cực. Đường giá cổ phiếu đã vượt lên đường MA20 và MA50 báo hiệu xu hướng hồi phục.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 32.7 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng giá 38.0 Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 30.5.

Diễn biến cổ phiếu VGI tuần qua cũng khá khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VGI tăng 1.600 đồng (+5,25%) từ mức giá 30.500 đồng/CP lên 32.100 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua, BSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu NLG

PHS sử dụng phương pháp định giá NAV để định giá cổ phiếu NLG. Giá trị hợp lý cho NLG đạt 49.500 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 13% so với báo cáo lần trước đến từ việc chúng tôi ước tính gia tăng giá trị quỹ đất của công ty. Mức giá hợp lý này cao hơn 11% so với mức giá giao dịch chốt ngày 09/08. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG.

Bên cạnh đó, BSC đưa ra khuyến nghị khả quan cổ phiếu NLG và nâng giá mục tiêu lên mức 46.400 đồng/cp (+5.9% so với mức giá đóng cửa ngày 04/07/2021 và cao hơn 4.0% so với giá mục tiêu cũ) dựa trên phương pháp RNAV.

Trái với khuyến nghị của PHS và BSC, diễn biến cổ phiếu NLG tuần qua không mấy tích cực, đặc biệt trong những phiên giữa tuần đã chịu áp lực bán ra lớn. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NLG giảm nhẹ 350 đồng (-0,8%) từ mức giá 43.800 đồng/CP xuống 43.450 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DGC

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua cho CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) và tăng giá mục tiêu thêm 42% khi chúng tôi có quan điểm tích cực hơn về triển vọng của mảng photpho sau khi Trung Quốc đẩy nhanh việc giảm công suất trong ngành này theo kế hoạch dài hạn.

Thời gian gần đây, thị trường đã chứng kiến dòng tiền luân chuyển khá tích cực qua các nhóm ngành khác nhau và nhóm cổ phiếu phân bón – hóa chất cũng được ưu ái. Tuy nhiên, với thị giá khá cao và đang ở vùng đỉnh, cổ phiếu DGC không nhận được sự ưu ái của nhà đầu tư như các mã DPM, DCM. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DGC tăng nhẹ 200 đồng (+0,2%) từ mức giá 97.800 đồng/CP lên 98.000 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu POW với giá mục tiêu 15.700 đồng/CP

Chúng tôi lập lại khuyến nghị mua dành cho POW và nâng giá mục tiêu thêm 2% lên 15.700 đồng/CP.

Nhà đầu tư vẫn chưa tìm thấy niềm vui với POW khi cổ phiếu này chỉ duy trì trạng thái nhúc nhắc tăng trong những tuần gần đây. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu POW tăng nhẹ 300 đồng (+2,73%) từ mức giá 11.000 đồng/CP lên 11.300 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu VRE với giá mục tiêu 36.200 đồng/CP

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với CTCP Vincom Retail (VRE) đồng thời giảm giá mục tiêu 7% xuống 36.200 đồng/CP khi giảm 32% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 của chúng tôi trong bối cảnh các gián đoạn do làn sóng dịch COVID-19 thứ tư được bù đắp một phần nhờ tỷ lệ nợ ròng thấp hơn vào cuối tháng 6/2021 so với cuối tháng 3/2021.

Ngoại trừ điểm sáng VHM, cặp đôi còn lại của họ nhà Vingroup có tuần giao dịch không mấy tích cực. Trong đó, cổ phiếu VRE đã đón nhận 1 phiên tăng duy nhất ngày đầu tuần 9/8, 2 phiên đứng giá và 2 phiên giảm. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VRE tăng nhẹ 50 đồng (+0,23%%) từ mức giá 27.950 đồng/CP lên 28.000 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu MSN với giá mục tiêu 160.000 đồng/CP

Với kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt và toàn diện trong 1H21 và triển vọng kinh doanh nửa cuối năm 2021 đầy hứa hẹn, chúng tôi đưa ra khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu MSN với giá mục tiêu theo phương pháp SOTP là 160.000 đồng/CP.

Sau phiên bật tăng mạnh ngày đầu tuần giúp MSN xác lập đỉnh mới, cổ phiếu này đã liên tục quay đầu điều chỉnh do chịu áp lực chốt lời. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng duy nhất ngày đầu tuần 9/8 và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MSN giảm 1.000 đồng (-0,74%) từ mức giá 134.500 đồng/CP xuống 133.500 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị chốt lãi khi cổ phiếu PVD tiếp cận ngưỡng giá 23.5

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng hồi phục tích cực. Đường giá cổ phiếu đã vượt lên đường MA20 báo hiệu xu hướng hồi phục ngắn hạn.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 19.6 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng giá 23.5 Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 23.5.

Tuần qua, với sự luân chuyển của dòng tiền, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đã có những nhịp hồi khá tích cực, điển hình là phiên giao dịch ngày 10/8. Theo đó, với việc đón nhận 2 phiên tăng, trong đó phiên 10/8 tăng trần, 1 phiên đứng giá và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVD tăng 900 đồng (+4,84%) từ mức giá 18.600 đồng/CP lên 19.500 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PLX

Chúng tôi duy trì giá mục tiêu gần như không thay đổi và giữ khuyến nghị mua dành cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) khi chúng tôi đánh giá tích cực về sự phục hồi mạnh mẽ của lợi nhuận PLX năm 2021 của PLX và triển vọng tăng trưởng dài hạn cho tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam (dự kiến 5,5%/năm, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng toàn cầu, theo BMI Research).

Tương tự, cổ phiếu PLX cũng đã có phiên giao dịch khởi sắc ngày 10/8 và đây chính là nhân tố giúp cổ phiếu này giữ được thăng bằng sau những phiên điều chỉnh sau đó. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng, 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, cổ phiếu PLX không có biến động và giữ nguyên mức giá 52.900 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu VNM với giá mục tiêu 105.960 đồng/CP

BSC khuyến nghị mua cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam với giá mục tiêu là 105.960 đồng/CP – Upside 21.5% so với giá đóng cửa ngày 6/8/2021. Dựa trên dự báo của BSC cho năm 2021, giá hiện tại của VNM tương ứng với P/E fw = 17.6 lần, P/B FW 4.2 lần

Vinamilk vừa công bố thông tin ngày 8/9 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức đợt 1/2021 bằng tiền với tỷ lệ 15%, tương ứng với tổng số tiền dự chi khoảng 3.135 tỷ đồng. Thông tin này đã giúp cổ phiếu VNM có tuần giao dịch tích cực. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VNM tăng 2.700 đồng (+3,1%) từ mức giá 87.200 đồng/CP lên 89.900 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị chốt lãi khi cổ phiếu KSB tiếp cận ngưỡng giá 31.5

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng hồi phục tích cực. Đường giá cổ phiếu đã vượt lên 2 đường MA, báo hiệu xu hướng hồi phục khá tốt.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 26.0 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng giá 31.5 Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 24.0.

Cổ phiếu KSB là một trong những điểm sáng tuần qua với giao dịch bùng nổ khá bùng nổ cả về giá cùng thanh khoản. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng, trong đó phiên 12/8 tăng trần và 1 phiên giảm nhẹ ngày cuối tuần 13/8 do áp lực chốt lời gia tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu KSB tăng 3.900 đồng (+14,94%) từ mức giá 26.100 đồng/CP lên 30.000 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 64.700 đồng/CP

Chúng tôi ước tính doanh thu năm 2021 đạt 147.039 tỷ đồng (tăng 63,2% so với năm ngoái), lợi nhuận đạt 32.927 tỷ đồng (tăng trưởng 144%). Chúng tôi nâng mức giá mục tiêu lên 64.700 đồng/CP cùng khuyến nghị mua, upside 32,5%.

Trái với khuyến nghị của KBSV, nhóm cổ phiếu thép nói chung và HPG nói riêng tuần qua chưa có sự khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HPG tăng nhẹ 250 đồng (+0,52%) từ mức giá 48.400 đồng/CP lên 48.650 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PHR với giá mục tiêu 67.700 đồng/CP

Chúng tôi giữ nguyên khuyến nghị mua cho CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) nhưng giảm giá mục tiêu thêm 1,6% còn 67.700 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng là 37,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,0%.

Cổ phiếu PHR đã có tuần giao dịch khá tích cực. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 10/8, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PHR tăng 3.000 đồng (+5,93%) từ mức giá 50.600 đồng/CP lên 53.600 đồng/CP.

Tin bài liên quan