* VCSC, MBS và BVSC cùng khuyến nghị mua dành cho PNJ
Nhìn chung, PNJ đang có diễn biến kinh doanh theo chiều hướng tích cực. VCSC hiện có khuyến nghị mua với giá mục tiêu 101.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 23,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,2%.
Tương tự, MBS cũng khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận với giá mục tiêu 12 tháng 100.200 đồng/cổ phiếu, dựa trên phương pháp so sánh, tương ứng với P/E 2020 ở mức 15 lần.
BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu PNJ với mức lợi nhuận kỳ vọng là 16,8% tại mức giá đóng cửa ngày 20/11/2019.
Mặc dù PNJ vừa công bố kết quả kinh doanh 10 năm 2019 khá tích cực với doanh thu ghi nhận 13.395 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 935 tỷ đồng, tương ứng tăng 13% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng diễn biến cổ phiếu PNJ tuần qua khá tiêu cực, trái với khuyến nghị của VCSC, MBS và BVSC.
Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng nhẹ duy nhất ngày 19/11 và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PNJ giảm 3.700 đồng (-4,34%) từ mức giá 85.300 đồng/CP xuống 81.600 đồng/CP.
* Theo BSC, cổ phiếu VIC có thể điều chỉnh sâu về vùng 106
Các chỉ báo xu hướng đều đồng thuận với trạng thái tiêu cực của VIC. Chỉ báo động lượng RSI chưa đi vào vùng quá bán cho thấy dư địa giảm vẫn còn. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của cổ phiếu nằm tại vùng giá 110. Tuy vậy, theo đánh giá của chúng tôi, VIC có thể điều chỉnh sâu hơn về khu vực xung quanh 106 theo mô hình vai đầu vai.
Diễn biến cổ phiếu VIC tuần qua liên tiếp với những phiên giảm nhưng không quá tiêu cực như nhận định của BSC. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên tăng nhẹ ngày cuối tuần 22/11 và 4 phiên giảm nhẹ đầu tuần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VIC giảm 3.400 đồng (-2,84%) từ mức giá 119.600 đồng/CP xuống 116.200 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho PPC với giá mục tiêu 29.300 đồng/CP
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua với giá mục tiêu 29.300 đồng/cổ phiếu cho PPC (tổng mức sinh lời dự phóng 16,4% và lợi suất cổ tức 9,8%).
Cổ phiếu PPC giao dịch khá tích cực trong những phiên đầu tuần nhưng phiên giảm sâu ngày cuối tuần 22/11 đã lấy đi phần lớn thành quả có được. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PPC tăng nhẹ 350 đồng (+1,33%) từ mức giá 26.250 đồng/CP lên 26.600 đồng/CP. So với mức giá mục tiêu mà VCSC đưa ra là 29.300 đồng/CP, thị giá hiện tại của PPC còn thấp hơn 9,22%.
* VCSC khuyến nghị tích cực dành cho PVT
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua nhưng giảm giá mục tiêu 4,8% khi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2020-2024F trung bình 6,6%, mức cắt giảm này có ảnh hưởng mạnh hơn so với tác động tích cực từ việc gia hạn giá mục tiêu đến cuối năm 2020F.
Trái với khuyến nghị của VCSC, tuần qua, cổ phiếu PVT giảm nhẹ 250 đồng/CP từ mức giá 17.650 đồng/CP xuống 17.400 đồng/CP khi đón nhận 2 phiên tăng nhẹ và 3 phiên giảm ngày cuối tuần.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho TLG với giá mục tiêu 67.800 đồng/CP
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho TLG và tăng giá mục tiêu 2% đạt 67.800 đồng/cổ phiếu khi chúng tôi gia hạn định giá và áp dụng mục tiêu P/E cao hơn là 15,9 lần so với mức 15,3 trước đây.
Bên cạnh kết quả kinh doanh 9 tháng tăng trưởng tích cực, vừa qua, TLG đã thông báo việc chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1/2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, nhưng cũng không giúp cổ phiếu TLG khởi sắc hơn. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng ngày cuối tuần 22/11, 1 phiên đứng giá ngày 21/11 và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TLG giảm 1.100 đồng (-2,57%) từ mức giá 42.850 đồng/CP xuống 41.750 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua cho cổ phiếu TCB
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (TCB) và nâng giá mục tiêu 7,3% nhờ việc đưa định giá đến cuối năm 2020 và dự báo tổng lợi nhuận sau thuế trong giai đoạn 2019F-2021F tăng 0,7%, một phần bù trừ cho mức điều chỉnh giả định tăng trưởng trung hạn từ 8% lên 10% của chúng tôi.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong những tác nhân gây sức ép khiến thị trường có tuần giảm sâu. Điển hình cổ phiếu TCB chỉ đón nhận 1 phiên tăng ngày 19/11 và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TCB giảm 1.850 đồng (-7,43%) từ mức giá 24.900 đồng/CP xuống 23.050 đồng/CP.
* ACBS khuyến nghị mua cổ phiếu MWG
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho MWG dựa trên kết quả tích cực của các chuỗi kinh doanh hiện tại và kỳ vọng tăng trưởng tiếp tục tích cực cho năm sau.
Không chỉ dòng bank, hầu hết các mã bluechip cũng có tuần giao dịch khá tiêu cực, trong đó MWG cũng không ngoại trừ. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm và duy nhất 1 phiên tăng ngày 19/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG giảm 6.500 đồng (-5,49%) từ mức giá 118.500 đồng/CP xuống 112.000 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho VNM, BVSC khuyến nghị trung lập
VCSC duy trì khuyến nghị phù hợp thị trường cho CTCP Sữa Việt Nam (VNM) và tăng giá mục tiêu 5,6%, chủ yếu đến từ việc đưa giá mục tiêu về cuối năm 2020. Giá mục tiêu của chúng tôi tăng dù chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cho năm 2020F/2021F lần lượt 2%/3% do doanh thu sữa trong nước và xuất khẩu hiện thấp hơn nhẹ so với dự báo trước đây của chúng tôi.
Trong khi đó, BVSC tiếp tục khuyến nghị NEUTRAL đối với VNM trên giá mục tiêu 131.400 đồng/cp. VNM đang thể hiện sự vững vàng của mình trên vị thế số một tại thị trường nội địa trong khi vẫn nỗ lực không ngừng thay đổi, cải thiện và đa dạng hoá sản phẩm để bắt kịp những xu hướng tiêu dùng mới, đây là điều mà chúng tôi đánh giá rất cao ở công ty.
Cổ phiếu lớn VNM cũng có tuần mất điểm khi đón nhận tới 4 phiên giảm và chỉ 1 phiên tăng ngày 19/11. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VNM giảm 1.500 đồng (-1,22%) từ mức giá 123.000 đồng/CP xuống 121.500 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho BMP với giá mục tiêu 62.300 đồng/CP
Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua dành cho BMP với giá mục tiêu 62.300 đồng/CP. Theo giá đóng cửa hôm nay, BMP hiện đang giao dịch với P/E dự phóng 2019/2020 lần lượt là 10,5/10,1 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.
Thông tin chuẩn bị chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 20% đã giúp BMP có những phiên hồi phục, nhưng nhìn chung sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trong tuần qua. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BMP giảm 700 đồng (-1,33%) từ mức giá 52.800 đồng/CP xuống 52.100 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho DXG với giá mục tiêu 25.700 đồng/CP
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) trong khi tăng giá mục tiêu 2% đạt 25.700 đồng/cổ phiếu khi dự án Long Thành mới thâu tóm (tỉnh Đồng Nai, 92 ha) bù đắp cho việc điều chỉnh giảm dự báo hợp đồng ký mới các dự án đầu tư bất động sản.
Bên cạnh áp lực bán diễn ra trên diện rộng thị trường, thông tin Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Công ty đăng ký bán ra cổ phiếu đã khiến DXG có tuần giao dịch khs mạnh. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên đứng giá ngày 19/11 và 1 phiên tăng ngày 20/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DXG giảm 800 đồng (-5,1%) từ mức giá 15.700 đồng/CP xuống 14.900 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho NLG với giá mục tiêu 48.300 đồng/CP
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) và giảm giá mục tiêu 7% còn 48.300 đồng/cổ phiếu đến từ việc giảm dự phóng tăng trưởng doanh số hợp đồng ký mới do các thủ tục pháp lý được giải quyết kéo dài hơn dự kiến và phát hành cổ phiếu ESOP năm 2019/2020.
Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên đứng giá ngày 19/11 và 1 phiên tăng ngày 21/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NLG giảm 400 đồng (-1,41%) từ mức giá 28.300 đồng/CP xuống 27.900 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu DIG
Căn cứ theo kết quả định giá, giá hợp lý của DIG đang có mức premium 46% so với giá thị trường ngày 13/11/2019. Do đó, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu DIG. Thời gian nắm giữ để đạt lợi nhuận kỳ vọng là 6 đến 12 tháng.
Cũng như những cổ phiếu vừa và nhỏ trong nhóm bất động sản được đưa ra khuyến nghị trong tuần qua, DIG đã có tuần giao dịch khá tiêu cực khi đón nhận tới 4 phiên giảm và chỉ nhích nhẹ trong phiên 19/11. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DIG giảm 750 đồng (-5,43%) từ mức giá 13.800 đồng/CP xuống 13.050 đồng/CP.
* Theo BSC, cổ phiếu TNA có cơ hội thiết lập giá lịch sử mới trong tương lai gần
Các chỉ báo xu hướng đều ủng hộ cho trạng thái tích cực của TNA. Chỉ báo động lượng RSI đã đi vào vùng quá mua từ lâu nhưng khá khó để có sự điều chỉnh trong lúc mọi điều kiện đều đang diễn ra thuận lợi như hiện nay.
Nhìn một cách tổng quan, cổ phiếu đã có mức tăng ấn tượng 100% trong năm nay. Nếu tiếp tục duy trì được đà hưng phấn thì TNA hoàn toàn có cơ hội thiết lập giá lịch sử mới trong tương lai gần.
Vừa qua, TNA đã có báo cáo tài chính quý III tích cực với lợi nhuận sau thuế đạt 100,6 tỷ đồng, gấp tới 10 lần so với cùng kỳ, thông tin này vẫn là nền tảng chính giúp cổ phiếu TNA giao dịch khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá ngày 19/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TNA tăng 2.700 đồng (+14%) từ mức giá 19.300 đồng/CP lên 22.000 đồng/CP.