Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Trong khi phần lớn các cổ phiếu vẫn dao động lình xình trong biên độ hẹp thì sự bật tăng mạnh của các bluechip, đặc biệt là bộ ba nhà Vingroup đã tiếp sức giúp VN-Index có tuần bật cao, vượt qua đỉnh của năm. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* SBSI khuyến nghị mua cổ phiếu AAA với giá mục tiêu 31.000 đồng/CP

So với doanh nghiệp cùng ngành và kết quả kinh doanh trong năm 2019, AAA đang được giao dịch ở mức định giá thấp hơn giá trị hợp lý. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua với giá mục tiêu 31.000 VNĐ/CP, tương đương triển vọng tăng trưởng 102% so với giá hiện tại.

Bên cạnh kết quả kinh doanh quý III/2019 tăng trưởng tích cực, thông tin cổ đông lớn nhất CTCP Tập đoàn An Phát Holdings tiếp tục đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu từ ngày 6/11 đến ngày 5/12, đã hỗ trợ giúp cổ phiếu AAA có những phiên giao dịch khởi sắc.

Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu AAA tăng 550 đồng (+3,63%) từ mức giá 15.200 đồng/CP lên 15.750 đồng/CP. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà SBSI đặt ra là 31.000 đồng/CP, giá hiện tại của AAA vẫn còn cách khá xa.

* PHS khuyến nghị mua cổ phiếu MBB với giá mục tiêu 34.200 đồng/CP

Sử dụng phương pháp chiết khấu lợi nhuận thặng dư (Residual income), chúng tôi cho rằng mức giá hợp lý đối với cổ phiếu MBB là 34.200 đồng/CP, qua đó đưa ra khuyến nghị : Mua đối với cổ phiếu MBB, upside là 49,7%.

Trái với khuyến nghị của PHS, cổ phiếu MBB đã có tuần giao dịch khá ảm đạm khi đón nhận tới 4 phiên giảm và 1 phiên tăng. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MBB giảm 250 đồng/CP (-1,08%) từ mức giá 23.200 đồng/CP xuống 22.950 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu BID

Bằng phương pháp định giá P/B với mức P/B trung bình 2 năm là 1.98x, chúng tôi xác định giá trị hợp lý của BID là 37.800 VNĐ/CP. Từ đó đưa ra khuyến nghị : GIỮ đối với cổ phiếu BID.

Nhìn chung, dòng bank tuần qua không có nhiều biến động khi trạng thái giằng co trong biên độ hẹp vẫn tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, với thông tin tích cực từ việc chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2017 và 2018 bằng tiền mặt với tỷ lệ 14%, cũng phần nào giúp BID có phần tích cực hơn khi đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BID tăng 800 đồng (+1,99%) từ mức giá 40.200 đồng/CP lên 41.000 đồng/CP.

* ACBS khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VCB

Với vị thế dẫn đầu của VCB, chúng tôi kỳ vọng VCB có thể giao dịch ở mức cao hơn P/B chuẩn của nhóm ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam (theo dữ liệu quá khứ 10 năm). Sử dụng kết quả bình quân theo phương pháp chiết khấu nguồn thu nhập thặng dư và phương pháp so sánh (P/B), chúng tôi xác định giá mục tiêu VCB năm 2020 là 77.700 đồng/cp và đưa ra khuyến nghị nắm nắm giữ.

Cổ phiếu VCB cũng có diễn biến giằng co nhưng với những bước nhích nhỏ, đã giúp cổ phiếu này xác lập đỉnh lịch sử mới trong phiên cuối tuần 1/10. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VCB tăng nhẹ 800 đồng (+0,91%) từ mức giá 88.000 đồng/CP lên 88.800 đồng/CP.

* MBS và ACBS khuyến nghị khả quan dành cho VRE

MBS xác định giá mục tiêu 12 tháng của VRE vào khoảng 38.200 đồng dựa trên kết hợp 2 phương pháp so sánh P/E và EV/EBITDA. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward 2020 khoảng 24,8 lần (theo EPS 2020F khoảng 1.543 đồng). Đồng thời, khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu này.

Bên cạnh đó, theo ACBS, do giá cổ phiếu giảm 10% kể từ báo cáo cập nhật vào tháng 8/2019 nên chúng tôi thay đổi khuyến nghị từ Giữ sang mua với giá mục tiêu năm 2020 là 39.238 đồng/CP, sử dụng kết hợp phương pháp CKDT, P/B và EV/EBITDA.

Trong khi dòng bank giao dịch lình xình thì bộ ba nhà Vingroup lại có một tuần khởi sắc. Cổ phiếu VRE là một trong những nhân tố khi đón nhận 3 phiên tăng mạnh và 2 phiên điều chỉnh nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VRE tăng 2.500 đồng (+7,68%) từ mức giá 32.550 đồng/CP lên 35.050 đồng/CP.

* VCSC duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu BMP

Khi kết quả kinh doanh 9 tháng 2019 này đã hoàn thành 74% dự báo cả năm, chúng tôi cho rằng không có thay đổi đáng kể nào cho dự báo năm 2019 của BMP như đã đề cập trong báo cáo cập nhật gần nhất BMP [MUA +21,9%] - Các thay đổi linh hoạt mở đường cho tăng trưởng dài hạn ngày 12/08/2019

Trái với khuyến nghị của VCSC, diễn biến cổ phiếu BMP tuần qua chủ yếu lình xình dưới mốc tham chiếu. Cụ thể, với việc đón nhận 4 phiên giảm nhẹ và duy nhất 1 phiên hồi nhẹ ngày 30/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BMP giảm nhẹ 200 đồng (-0,38%) từ mức giá 53.200 đồng/CP xuống 53.000 đồng/CP.

* VCSC duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu TLG

với kỳ vọng tăng trưởng sản lượng mạnh mẽ trong quý 4/2019, tương tự kết quả kinh doanh quý 2/2019 (đã đề cập trong báo cáo cập nhật TLG [MUA +25,3%] - Doanh thu quý 2 cao giúp lợi nhuận tăng trưởng trở lại bình thường ngày 13/08/2019), chúng tôi cho rằng không có thay đổi đáng kể cho dự báo năm 2019 của chúng tôi cho TLG.

Cổ phiếu TLG đã có tuần giao dịch khá ảm đạm, đáng kể trong phiên cuối tuần 1/11, cổ phiếu này thiếu chút nữa đã phải nằm sàn. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng nhẹ ngày đầu tuần 28/10, 2 phiên đứng giá và 2 phiên giảm khá mạnh, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TLG giảm 4.950 đồng (-9,91%) từ mức giá 49.950 đồng/CP xuống 46.000 đồng/CP.

* PHS, BSC và BVSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DGW

PHS cho rằng, bằng phương pháp định giá P/E và P/S, ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu DGW vào khoảng 29.966 đồng/cổ phiếu, cao hơn +21% so với giá hiện tại. Từ đó đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

Bên cạnh đó, BSC cũng nâng khuyến nghị mua cổ phiếu DGW với giá mục tiêu 30.800 đồng/cp (+17.1% so với mức giá đóng cửa ngày 25/10/2019) từ mức giá khuyến nghị trước đó 27,400 đồng do điều chỉnh tăng EPS dự phóng 2019.

Còn theo BVSC, cổ phiếu DGW đóng cửa tại mức giá 25.750 đồng/ cổ phần vào ngày 24/10/2019, giao dịch tại mức P/E năm 2019 và 2020 lần lượt là 6,9 lần và 5,5 lần, hấp dẫn so với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực (42% năm 2019 và 24% năm 2020) theo quan điểm của chúng tôi. Khuyến nghị OUTPERFORM với mức giá mục tiêu một năm là 31.600 đồng/ cổ phần (Lợi nhuận kỳ vọng: 23%; mức P/E hợp lý năm 2020 là 7,0 lần).

Mặc dù được phân tích và đánh giá triển vọng tích cực trong tương lai nhưng phiên giảm khá mạnh ngày 31/10 đã gần như lấy đi toàn bộ thành quả có được trong những phiên trước đó. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DGW giảm nhẹ 150 đồng (-0,58%) từ mức giá 26.050 đồng/CP xuống 25.900 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FRT

Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu FRT vào khoảng 54,934 đồng/cổ phiếu, cao hơn +28% so với giá hiện tại. Từ đó đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

Trái với khuyến nghị của PHS, kết quả kinh doanh quý III/2019 không mấy tích cực kéo theo lợi nhuận sau thuế 9 tháng chỉ đạt 230 tỷ đồng, mới hoàn thành 55% mục tiêu cả năm, đã phần nào ảnh hưởng tới diễn biến cổ phiếu FRT tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 1 phiên tăng nhẹ ngày 30/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FRT giảm 2.700 đồng (-6,26%) từ mức giá 43.100 đồng/CP xuống 40.400 đồng/CP.

* PHS và MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CVT

Bằng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền và định giá so sánh PE, với giả định thận trọng, PHS xác định mức giá hợp lý cho CVT nằm ở mức 25.668 VND/cổ phiếu, tương đương PE Forward bằng 5.62x, ứng với mức upside 12.08%, từ đó có khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu này.

Bên cạnh đó, MBS khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu CVT với giá mục tiêu 12 tháng khoảng 26.200 đồng.

Trái với nhận định của PHS và MBS, sau tuần khởi sắc trước đó, cổ phiếu CVT đã chịu áp lực bán ra và liên tiếp với những phiên điều chỉnh. Cụ thể, với việc đón nhận 4 phiên giảm và chỉ duy nhất 1 phiên tăng nhẹ ngày 30/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CVT giảm 800 đồng (-3,35%) từ mức giá 23.900 đồng/CP xuống 23.100 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho GAS với giá mục tiêu 117.000 đồng/CP

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị khả quan dành cho GAS với giá mục tiêu 117.000 đồng/CP (tổng mức sinh lời 20,0%, bao gồm lợi suất cổ tức 6,3%). Theo giá đóng cửa hôm nay, GAS hiện đang giao dịch với P/E 2019 đạt 14,7 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.

Nhóm cổ phiếu bluechip là tâm điểm dẫn dắt thị trường có tuần giao dịch khởi sắc, trong đó cổ phiếu lớn ngành dầu khí – GAS cũng không ngoại trừ. Cụ thể, với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm nhẹ duy nhất ngày 29/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GAS tăng 2.000 (+1,95%) từ mức giá 102.500 đồng/CP lên 104.500 đồng/CP. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà VCSC đưa ra là 117.000 đồng/CP, giá hiện tại của GAS còn thấp hơn 10,68%.

* ACBS khuyến nghị mua cổ phiếu PNJ

Kết hợp phương pháp định giá DCF và P/E, giá mục tiêu của chúng tôi cho cổ phiếu là 95.988 đồng/cp vào cuối năm 2020, tương đương tổng tỷ suất sinh lợi 17,4%. Đồng thời, duy trì khuyến nghị mua và chuyển giá mục tiêu sang năm tới.

Diễn biến cổ phiếu PNJ tuần qua vẫn chưa thoát khỏi trạng thái giằng co trong biên độ hẹp. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng nhẹ, 1 phiên đứng giá ngày cuối tuần 1/11 và 1 phiên giảm ngày 29/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PNJ tăng nhẹ 100 đồng (+0,12%) từ mức giá 83.200 đồng/CP lên 83.300 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực đối với DHC với giá mục tiêu 50.000 đồng/CP

Giao Long 2 chạy full công suất cả năm, dự báo lợi nhuận 2020 tiếp tục tăng trưởng 89%. BVSC dự báo doanh thu thuần 2.180 tỷ đồng (tăng trưởng 63%) và lợi nhuận sau thuế 213 tỷ đồng (tăng trưởng 78%). EPS 2020 đạt 3.908 đồng/cp và P/E dự phóng 8,9x. Vì vậy, BVSC tiếp tục duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với DHC với giá mục tiêu 50.000 đồng/cp.

Vừa qua, VHC đã thông qua Nghị quyết HĐQT về việc chào bán hơn 2,2 triệu cổ phiếu ESOP với giá chào bán 17.000 đồng/CP. Cùng với thông tin trên, cổ phiếu DHC đã có tuần giao dịch khởi sắc khi đón nhận tới 4 phiên tăng và chỉ 1 phiên điều chỉnh nhẹ. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DHC tăng 2.700 đồng (+7,71%) từ mức giá 35.000 đồng/CP lên 37.700 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan cho ACV với giá mục tiêu 90.100 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho ACV với giá mục tiêu 90.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 16,4%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,2%.

Kết quả kinh doanh khả qua với lợi nhuận sau thuế hơn 5.900 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ cùng khoản hơn 32.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng tích lũy để xây sân bay Long Thành, cổ phiếu ACV đã có tuần giao dịch tích cực. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá ngày 30/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACV tăng 1.800 đồng (+2,3%) từ mức giá 78.200 đồng/CP lên 80.000 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho NT2

Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 6,8% còn 27.200 đồng/cổ phiếu cho CTCTP Nhiệt điện Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) do giả định giảm giá hợp đồng mua bán điện (PPA) ảnh hưởng cao hơn tác động của việc cập nhật giá mục tiêu của chúng tôi đến thời điểm cuối năm 2020. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị mua.

Trái khuyến nghị của VCSC, diễn biến cổ phiếu NT2 tuần qua giao dịch lình xình quanh mốc tham chiếu. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng nhẹ, 1 phiên giảm nhẹ và 3 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NT2 giảm nhẹ 50 đồng (-0,22%) từ mức giá 23.150 đồng/CP xuống 23.100 đồng/CP.

Tin bài liên quan